Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ngày 14/8 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc tại Việt Nam (FAO) tổ chức hội thảo khởi động giai đoạn 2 Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại Việt Nam (2018-2022).
Trên cơ sở thành công của giai đoạn 1, các đại biểu cho rằng, trong giai đoạn 2 Chương trình cần tập trung nhân rộng các mô hình đã liên kết. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực của các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ các hộ trồng rừng, tổ chức của nông dân làm nghề rừng để liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm nghiệp.
Cùng với đó, các cấp hội nông dân cần tăng cường tuyên truyền vận động các hội viên tích cực tham gia để gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, sản xuất lâm nghiệp và nông lâm nghiệp kết hợp để tăng thu nhập, cải thiện sinh kế của nông dân, thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu….
Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Qua thực hiện dự án, các hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ trong đó nhiều người là đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện sinh kế và thu nhập thông qua phát triển trang trại và quản lý rừng bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ gia tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường…
Ông Dương Văn Huynh, Tổ trưởng Tổ hợp tác tinh dầu hồi Thạch Ngóa, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, sau khi tham gia Chương trình thu nhập của các xã viên tăng trung bình từ 3 đến 4 lần so với trước, sản phẩm làm ra cũng thuận lợi trong tiêu thụ. “Trước đây chưa tham gia dự án này, sản phẩm làm ra chủ yếu bán nhỏ lẻ trong tỉnh, sau khi tham gia thì rau và tinh dầu hồi được đưa ra bán ở nhiều thị trường trong đó có Hà Nội”, ông cho biết.
Triển khai từ nay đến năm 2022, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn 2 xác định các tổ chức sản xuất Rừng và Trang trại trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số là nhân tố chính tạo sự thay đổi trong việc tăng cường sức chống chịu với biển đổi khí hậu, phát triển cảnh quan rừng và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương hưởng lợi từ chương trình.
Tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng thành công bước đầu của dự án là đã liên kết được các hộ nông dân nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi giá trị. Qua các mối liên kết các hộ trồng rừng đã được chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững để liên kết với doanh nghiệp.
“Trong giai đoạn 2, quan điểm của Hội không chỉ là chỉ trồng rừng mà còn kết hợp phát triển các loại nông sản khác như: trồng dược liệu, phát triển nuôi trồng thủy sản. Giai đoạn này hội sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng định hướng cho các hội viên hiểu và nắm rõ các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Luật của Quốc hội về rừng và lâm nghiệp”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Đỗ Hương