Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành và chỉ đạo, triển khai thi hành Luật LLTP được quan tâm chú trọng thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về LLTP đã được Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tổ chức, bộ máy, nhân lực làm công tác LLTP từng bước được kiện toàn.
Đặc biệt, công tác cấp phiếu LLTP cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và từng bước được cải cách thủ tục theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện hơn. Trong 5 năm thực hiện Luật LLTP, Trung tâm LLTP quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp được trên 1.241.100 phiếu LLTP. Số lượng phiếu này được cấp gần gấp đôi số lượng phiếu LLTP được cấp trong gần 10 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA.
Đồng thời, nhận thức được nhu cầu của xã hội cũng như yêu cầu trong quản lý nhà nước về LLTP, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP đã chủ động đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực LLTP như áp dụng các phương thức mới trong việc nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu LLTP, nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng công tác cấp phiếu như giải pháp “kiềng ba chân” nhằm rút ngắn thời gian tra cứu, xác minh thông tin, rút ngắn thời gian trả kết quả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức, góp phần đơn giải hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực LLTP.
Công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP được chú trọng thực hiện. Trên cơ sở số lượng thông tin LLTP nhận được, các cơ quan quản lý LLTP từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP. Tại Trung tâm LLTP quốc gia đã nhận được trên 765.400 thông tin LLTP bằng văn bản và dưới dạng điện tử, trong đó đã xử lý sơ bộ được 758.967 thông tin (chiếm khoảng 99,15% thông tin nhận được); đối với thông tin chứng tử, thay đổi cải chính hộ tịch, Trung tâm đã xử lý được 47.316/52.154 thông tin (chiếm hơn 90% thông tin nhận được). Bên cạnh đó, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử lý sơ bộ được 1.806.081/1.973.411 thông tin lý lịch tư pháp nhận được (chiếm khoảng 91%).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý LLTP tại cơ quan quản lý LLTP được đẩy mạnh và từng bước phục vụ có hiệu quả cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về LLTP; công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành… cũng được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thi hành Luật LLTP, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã đề ra những định hướng công tác lớn là: Nghiên cứu, hoàn thiện thế chế về LLTP đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp 2013, bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đào tạo cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện có hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý sơ sở dữ liệu LLTP và yêu cầu cấp phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Tập trung kiện toàn tổ chức và biên chế cơ quan quản lý LLTP từ Trung ương đến địa phương theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác LLTP.
Tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu LLTP để giải quyết cơ bản vấn đề nguồn nhân lực và chất lượng thông tin LLTP.
Từ định hướng nêu trên, nhiều giải pháp cụ thể đã được đề ra, trong đó có việc hoàn thiện thể chế về LLTP; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển LLTP đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bảo đảm phát triển hoạt động LLTP theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Cùng với đó là tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật LLTP; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác LLTP và công chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP tại các cơ quan có liên quan; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác LLTP; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác LLTP chuyên nghiệp theo hướng có chức danh cụ thể…
Nguyễn Hoàng