• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Trận cầu của ngày đoàn tụ

(Chinhphu.vn) - Năm 1976, tức chỉ 1 năm sau ngày thống nhất đất nước, tại TP mang tên Bác đã diễn ra trận cầu đáng nhớ của bóng đá Việt Nam, trận cầu đầu tiên giữa hai đội bóng đại diện cho hai miền Bắc - Nam. Trận cầu mà ở đó, vượt lên tất cả là niềm vui của ngày đoàn tụ.

30/04/2011 08:45

 

Trận cầu đáng nhớ 35 năm trước. Ảnh tư liệu

Cách đây tròn 35 năm, đó là vào năm 1976, Tổng cục TDTT được giao nhiệm vụ quan trọng - tổ chức chuyến thi đấu giao hữu giữa một đội bóng phía Bắc với các đội bóng phía Nam. Không chỉ là hoạt động chuyên môn đơn thuần, chuyến thi đấu này còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội lớn lao khi cùng góp phần xây dựng hoà bình, sự ổn định chung của đất nước trong những năm đầu thống nhất.

Và sau nhiều cân nhắc, Tổng cục Đường sắt, đội bóng vừa đăng quang tại giải Công đoàn phía Bắc đã được chọn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Khi ấy, Đường sắt cũng đang là CLB đứng thứ hai ở giải vô địch miền Bắc, chỉ sau Thể Công, lại vừa có đợt tập huấn, thi đấu tại Trung Quốc 2 tháng với kết quả rất khả quan (thắng 3, thua 4) và trong đội hình có nhiều gương mặt trẻ xuất sắc như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Lê Khắc Chính, Trường Sinh, Minh Điểm, Hoàng Gia... Vì vậy, dù không đặt nặng thành tích, thì ẩn số thú vị về trình độ chuyên môn giữa bóng đá hai miền phần nào cũng sẽ được giải đáp.

Trong những năm dài chia cắt, bóng đá cả hai miền vẫn có được những bước phát triển mạnh mẽ. Theo nhận định chung của giới chuyên môn, bóng đá miền Bắc lúc đó cũng đã đạt đến tầm châu lục mà bằng chứng là thứ hạng cao tại các giải đấu thuộc khối XHCN, hay những chiến thắng ấn tượng trước tuyển trẻ Liên Xô, CHDC Đức (cũ) và thi đấu ngang ngửa với các đội tuyển Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên...  Còn đội tuyển miền Nam sau chức vô địch SEAP Games lần thứ nhất (năm 1959 tại Thái Lan) đã có chỗ đứng trong tốp 4 châu lục cùng những thành tích như vô địch Merdeka Cup 1966, đánh bại cả Nhật Bản, Hàn Quốc...

Và ngày 7/11/1976 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi đội Tổng cục Đường sắt thi đấu trận đầu tiên trong chuyến du đấu gặp đội Cảng Sài Gòn trên SVĐ Thống Nhất.

Theo những tài liệu được ghi lại, thì mãi 17h00 bóng mới lăn, nhưng trước hàng tiếng đồng hồ, sân Thống Nhất đã chật cứng với con số khán giả kỷ lục 25.000 người, đó là chưa kể đến hàng ngàn CĐV ngồi ngoài sân reo hò bên tiếng loa phóng thanh tường thuật trực tiếp từ radio. Trong tiếng vỗ tay và bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", cầu thủ hai đội tay trong tay ra sân với niềm hân hoan và cả giọt nước mắt vì hạnh phúc.

Sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài Hồ Thiệu Quang, trận đấu bắt đầu.

Cảng Sài Gòn - đại diện hàng đầu của bóng đá miền Nam khi ấy với các danh thủ như: Tam Lang, Kim Hoàng, Lê Đình Thăng, Nguyễn Văn Mười, Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Ngôn... chiếm ưu thế với lối chơi bóng ngắn kỹ thuật, nhưng đội bóng đại diện phía Bắc dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Duy Long mới là những người có cơ hội thực sự bằng những đường bóng dài dựa trên nền tảng thể lực sung mãn.

Phút 28, tiền đạo Mai Đức Chung đánh đầu cận thành từ đường chuyền của đồng đội mở tỷ số cho Đường sắt và đến phút 54, tiền vệ Lê Thuỵ Hải tung cú sút xa ở cự ly tới 40m ấn định tỷ số chung cuộc 2-0.

 

Những cầu thủ năm xưa: Tam Lang (bên trái), Mai Đức Chung (bên phải)

Trận cầu lịch sử đã khép lại bằng hình ảnh đẹp khi các cầu thủ ôm lấy nhau giữa tiếng hoan hô của khán giả. Sau trận thắng này, Tổng cục Đường sắt tiếp tục thi đấu, thắng tiếp Tây Ninh 2-0, Cần Thơ 3-0; Đồng Tháp 3-1 và kết thúc chuyến du đấu bằng trận thua đội Hải Quan 1-2.

4 năm sau trận cầu lịch sử ấy, vào năm 1980, Giải Bóng đá vô địch quốc gia chính thức ra đời và Tổng cục Đường sắt đã đăng quang ngôi vô địch lần đầu tiên, còn Cảng Sài Gòn cũng trở thành một tên tuổi lớn của làng cầu quốc gia.

35 năm đã trôi qua, cả hai đội bóng đã đi vào dĩ vãng nhưng những ký ức đẹp đẽ về ngày hội bóng đá hoà bình và đoàn tụ của non sông vẫn sống mãi.

Hoàng Hà