Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Thành Chung |
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Da-niel J. Kritenbrink, lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 9 tổ chức ở Bali, Indonesia năm 2014, Tổ chức Thương mại thế giới đã thông qua một hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) trên cơ sở nhận thức tạo thuận lợi thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích của các doanh nghiệp.
Đây là khuôn khổ pháp lý đa phương quan trọng đảm bảo cho các biện pháp thuận lợi hóa thương mại được thúc đẩy và triển khai trên bình diện toàn cầu. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của WTO, cũng đã hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định TFA vào ngày 26/11/2015.
Cùng với đó, ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1254/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế NSW, cơ chế ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018- 2020. Sau đó, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 cũng đặt ra nhiều mục tiêu liên quan tới tạo thuận lợi thương mại và hải quan.
Ảnh VGP/Thành Chung |
Ở trong nước, Chính phủ Việt Nam quyết liệt chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp. Trên tinh thần này, Chính phủ đã thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.
Hiện nay, Hệ thống một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối 13 bộ, ngành với 173 thủ tục hành chính được đưa lên NSW với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29.800 doanh nghiệp tham gia. Hệ thống một cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối với 5 nước ASEAN và cùng với các nước này tiến hành trao đổi dữ liệu điện tử giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D với số lượng hơn 90.000 C/O điện tử để thực hiện hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA).
Hiện tại hệ thống của Việt Nam đang chấp nhận kiểm nghiệm kết nối từ các nước thành viên ASEAN khác và sẵn sàng thử nghiệm trao đổi tờ khai hải quan ASEAN và giấy chứng nhận kiểm dịch điện tử giữa các nước đã kết nối.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, tính đến tháng 3/2019 các mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành đã giảm 12.600 mặt hàng, còn 70.000 mặt hàng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng đây là những kết quả bước đầu và còn nhiều việc cần phải triển khai quyết liệt để đảm bảo sự đồng bộ và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đánh giá Dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại do Hoa Kỳ tài trợ là đúng thời điểm và thiết thực với Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu mong đợi của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định TFA và tổ chức triển khai các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Ảnh VGP/Thành Chung |
Theo Tiến sĩ Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đã triển khai Dự án Tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam với mục tiêu tổng thể là “cải cách, chuẩn hóa, hài hòa hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO và chủ trương cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”.
Thị trường Việt Nam quan trọng đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ
Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam trong thời gian qua và đối với dự án.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và đánh giá cao những ưu tiên hợp tác và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cụ thể của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm giúp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên, hướng kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2020”.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ cũng như khu vực kinh tế tư nhân tổ chức triển khai dự án một cách hiệu quả bảo đảm mục tiêu tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ảnh VGP/Thành Chung |
Đại sứ Kritenbrink cho biết, thương mại 2 chiều của hai bên phát triển mạnh mẽ trong gần 25 năm qua, từ 0 tới 58,9 tỷ USD vào cuối năm 2018.
“Thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh và quan trọng đối với doanh nghiệp Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Chính phủ Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy thương mại công bằng, bình đẳng hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi, cắt giảm thủ tục hành chính”, Đại sứ Hoa Kỳ khẳng định và bày tỏ niềm tin thành công của quan hệ giữa hai quốc gia thể hiện rõ ở cam kết của 2 bên.
Đại sứ Kritenbrink bày tỏ Hoa Kỳ cũng mong đợi lễ kỷ niệm 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 và cũng là 25 năm triển khai BTA để giúp Việt Nam tăng trưởng vững chắc, phát triển bao trùm và hội nhập toàn cầu.
Thành Chung