• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Dân chủ cơ sở là cốt lõi trong đổi mới giáo dục, đào tạo

(Chinhphu.vn) - Chiều 15/11, tại Hà Nội, Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở đã làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

15/11/2017 19:10

Hình ảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam
Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ… dự buổi làm việc.

Không cụ thể khó đánh giá việc thực hiện dân chủ

Hiện nay, ngành giáo dục cả nước có gần 1.251.568 nhà giáo và 154.200 cán bộ quản lý giáo dục, 22.415.537 học sinh, sinh viên. Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và quản lý trực tiếp 3 đại học vùng (với 23 trường thành viên), 36 trường đại học, học viện, trường cao đẳng.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo về phẩm chất, đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Một số biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ trong các nhà trường đã từng bước được ngăn chặn và giải quyết kịp thời, góp phần làm giảm các khiếu kiện vượt cấp.

Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục đào tạo công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ viên chức với tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, công khai những vấn đề liên quan đến tài chính; tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự; hoạt động đào tạo, tuyển sinh…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Bộ đã bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” đối với các cơ sở giáo dục sang “giao quyền và giám sát”. Các trường chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục trên cơ sở phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận việc thực hiện quy chế dân chủ ở một vài cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đôi khi chưa được thực hiện triệt để, gây nên những khiếu kiện. Cơ chế quản lý áp đặt, can thiệp bằng các biện pháp hành chính chưa được khắc phục một cách triệt để. Cá biệt, một số nơi vẫn để xảy ra tình trạng thiếu dân chủ, một vài cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự nhà giáo và uy tín của ngành giáo dục.

Trong khi đó, hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Chi Bộ Đảng, Đoàn thanh niên, Thanh tra Nhân dân...) chưa hiệu quả nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ.

Nhận thức về dân chủ, trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của một số cán bộ lãnh đạo đơn vị và cá nhân chưa đúng, chưa được quan tâm dẫn tới hiểu sai, thực hiện không đúng quy định về dân chủ. Việc thực hiện dân chủ còn hình thức, đối phó với các đoàn kiểm tra cấp trên.

Việc rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy định về quy chế dân chủ cơ sở cho các loại hình, một số lĩnh vực còn thiếu, chậm được rà soát, bổ sung dẫn đến hạn chế, bất cập khi thực hiện.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đồng chí Trương Thị Mai đặt vấn đề: “Nếu thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thì những vấn đề nóng của ngành giáo dục như lạm thu, tuyển sinh, dạy thêm học thêm có giải quyết được không? Công tác tuyển sinh mấy năm nay đã bớt nhiêu khê, được xã hội, người dân đánh giá cao có phải là do Bộ GD&ĐT đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách dân chủ hay không?”.

“Các đồng chí cần lượng hoá được mức độ thực hiện dân chủ cơ sở nếu không rất khó đánh giá”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở.

Khắc phục tình trạng ban hành quy chế rồi cho vào tủ

Đề cập đến thực hiện dân chủ trong khối đại học, cao đẳng, khối phổ thông, khối mầm non, các Thứ trưởng phụ trách nhấn mạnh đến ý nghĩa của yêu cầu công khai, minh bạch là “chìa khoá” cán bộ, giáo viên được đóng góp ý kiến nghiêm túc, có trách nhiệm đối với mọi vấn đề của nhà trường.

“Vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng và trách nhiệm rất lớn. Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại một số trường đại học cho thấy nhiều khiếu nại, tố cáo vượt cấp có trách nhiệm không nhỏ của người đứng đầu. Còn nếu không dù các văn bản đầy đủ thì thực hiện dân chủ trong trường học vẫn mang tính hình thức, áp đặt, không hiệu quả”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi và cho rằng các quy định về dân chủ cơ sở cần cụ thể, ngắn gọn, ai cũng hiểu, cũng làm được.

“Trong không ít trường phổ thông việc thực hiện dân chủ hình thức, nể nang, thậm chí giáo viên sợ hiệu trưởng là do không minh bạch, công khai, thiếu giám sát, chế tài xử lý. Nhiều trường ban hành quy chế dân chủ rồi cho vào tủ, không ai thanh tra, giám sát, không có chế tài. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng này. Chúng tôi xác định dân chủ là công cụ trong quản lý, là thước đo để mọi cán bộ, giáo viên có trách nhiệm, đồng tâm, đồng lòng trong xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết.

Cụ thể, thực chất, đo đếm được

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định dân chủ cơ sở là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đào tạo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về dân chủ cơ sở trong trường học.

“Số lượng văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ cơ sở chúng ta không thiếu nhưng tình hình mới, yêu cầu mới phải làm tốt hơn. Muốn vậy các quy định, quy chế phải bớt tính hình thức, chung chung, đo đếm được rất cụ thể để cán bộ, giáo viên hiểu đúng, làm đúng”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cụ thể, trong giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục ngay những bức xúc trong cơ chế quản lý, quản trị trong các trường như tình trạng lạm thu, tuyển dụng giáo viên, bổ nhiệm cán bộ, dạy thêm học thêm… Bộ cần ban hành và hướng dẫn nội quy mẫu trong các trường phổ thông dựa trên các mô hình tốt đã có trong thực tế. Nội quy phải định lượng được để có căn cứ thực hiện và giám sát từ chính giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội.

“Dân chủ trong trường học không chỉ là giáo viên với ban giám hiệu mà còn có cả phụ huynh, các cháu học sinh. Vì vậy nếu chúng ta làm tốt dân chủ trong ngành giáo dục thì sẽ khắc phục được những hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giúp xây dựng tinh thần làm chủ cho các thế hệ công dân tương lai. Đây là điều cốt lõi nhất của đổi mới giáo dục, đào tạo”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đối với khối đại học, cao đẳng, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến sự cần thiết ban hành các quy định và hướng dẫn mẫu về điều lệ các trường đại học dựa trên kinh nghiệm thực hiện của các trường đại học tự chủ.  

Các trường đại học phải có một bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của mỗi trường. Bộ quy tắc này cần cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng… “Bộ quy tắc này được xây dựng thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.

Nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ sẽ tạo không gian, cơ hội phát triển cho giáo dục, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng “nếu có môi trường trong sáng, công khai, minh bạch ngay từ bậc học mầm non đến khi bước chân ra khỏi trường đại học, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ trẻ có tương lai tốt đẹp cho đất nước, mang lại sự hài lòng của người dân”.

“Với hơn 42.000 cơ sở giáo dục, 23 triệu học sinh, sinh viên, gần 1,4 triệu cán bộ, giáo viên cùng hàng chục triệu người liên quan, việc thực hiện dân chủ cơ sở trong ngành giáo dục có tác động rất lớn. Ngoài làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao, Bộ GD&ĐT cần phải tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức không chỉ trong nội bộ ngành mà của học sinh, sinh viên và người dân tham gia vào quá trình giáo dục”.

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu Bộ GD&ĐT rà soát tất cả các văn bản về thực hiện dân chủ cơ sở trên tinh thần “không chờ đợi sửa luật mà sửa đổi, bổ sung ngay những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ”; tăng cường công tác thanh tra, giám sát.

“Những nơi có vấn đề thì thường nơi đó mất dân chủ nghiêm trọng hoặc dân chủ hình thức sẽ xảy ra nhiều vấn đề, đơn thư khiếu nại liên tục. Đây là kinh nghiệm rất sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức toàn ngành, đi vào thực chất nhằm khắc phục 3 hạn chế là: Hình thức; áp đặt hành chính; thiếu dân chủ”, đồng chí Trương Thị Mai nói và lưu ý Bộ GD&ĐT cần quan tâm đến hệ thống các trường ngoài công lập. Thời gian tới, khu vực này sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng. Những bất cập trong thời gian qua liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở cho thấy không thể thiếu sự lãnh đạo, quản lý của Bộ đối với khu vực này.

Đình Nam