Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ luôn quan tâm tới đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Việc đánh giá 5 năm thực hiện nâng cao vai trò của Hội Nông dân được thể hiện qua các mặt: Tổ chức mở rộng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong các lĩnh vực tín dụng, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiếp cận khoa học kỹ thuật, thông tin; vận động nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, tích tụ ruộng đất; xây dựng nông thôn mới; đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề cho nông dân... |
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 Hà Thị Khiết chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 địa phương.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ luôn quan tâm tới đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
“Từ năm 2009, Trung ương ra Nghị quyết yêu cầu trong 5 năm tới tăng đầu tư cho nông nghiệp gấp 2 lần 5 năm trước, thì tới nay, tổng đầu tư của Nhà nước đã tăng tới 2,6 lần, vượt mục tiêu đặt ra. Tốc độ tăng chi cho nông nghiệp là 21,4%, cao hơn bình quân chi ngân sách ở mức 16%”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Bên cạnh đó, vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng tốc độ khá cao, bình quân tín dụng tăng 18%, còn tín dụng trong nông nghiệp là 20%. Dư nợ tín dụng cho nông nghiệp nông thôn duy trì cao hơn dư nợ bình quân chung cả nước khi chiếm khoảng 20-22%, lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thông thường khi thấp hơn từ 1 đến 1,5%.
Cùng với sự đầu tư của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã thực hiện hiệu quả Kết luận 61, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi nhanh vào cuộc sống, đưa người nông dân trở thành chủ thể của sản xuất nông nghiệp và nông thôn mới.
Bình quân tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2009-2013 đạt gần 3%, riêng năm 2014 là 3,3%. Sản xuất nông nghiệp chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Ảnh: VGP/Thành Chung |
Hiện có 20.000 trang trại sản xuất lớn, sản xuất theo công nghệ mới, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thu nhập của nông dân tăng hơn 2 lần, hộ nghèo giảm mạnh.
“Hội Nông dân đã thành trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mang lại lợi ích cụ thể cho người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá.
Đồng tình với nhiều ý kiến của các địa phương trong việc nâng cao hơn vai trò của tổ chức Hội cũng như quán triệt đề cao vị trí của nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trọng tâm của việc thực hiện Kết luận 61 là để xây dựng người nông dân kiểu mới, có trình độ năng lực sản xuất theo quy mô lớn và hiện đại.
“Vai trò kinh tế hộ vẫn còn lớn, nhưng cần được đặt trong sự liên kết. Giờ dân cứ làm nhỏ, lẻ sẽ không cạnh tranh được. Ngoài ra, người nông dân phải chủ động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị trên mỗi đơn vị diện tích. Giáo dục bà con ta không cam chịu đói nghèo, đủ ăn mà phải vươn lên làm giàu chính đáng”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chính phủ sẽ quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tam nông và Kết luận số 61 của Ban Bí thư và đang tìm thêm nhiều nguồn lực để tăng đầu tư”.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Hà Thị Khiết đánh giá cao các ý kiến góp ý tiếp tục thực hiện Kết luận 61: “Chưa có đề án nào đi nhanh vào cuộc sống như Đề án nâng cao vai trò, vị trí của Hội Nông dân Việt Nam và cũng nhờ Chính phủ đã đầu tư nguồn lực ngay từ đầu để thực hiện Đề án này có hiệu quả”.
Trưởng Ban Chỉ đạo Kết luận 61 cũng yêu cầu hoàn thiện báo cáo sơ kết để đưa ra kế hoạch thực hiện Kết luận trong 5 năm tới và nhấn mạnh: “Làm không chỉ cho Hội Nông dân, mà chính là làm cho nông dân, nông thôn, nông nghiệp, để nông dân giàu hơn, văn minh hơn”.
Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, một trong những hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều nông dân tham gia tổ chức Hội là việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Ban đầu từ nguồn 500 tỷ đồng mà Chính phủ cấp cho Quỹ và chính quyền các địa phương cấp bù đã giúp tổng Quỹ của các cấp Hội đạt hơn 1.939 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ trên 380.000 lượt hộ nông dân tham gia các nhóm hộ trong các mô hình sản xuất, kinh doanh với số vốn quay vòng trên 5.200 tỷ đồng; xây dựng 2.807 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Hội Nông dân đánh giá Đề án và Kết luận 61 đã đi nhanh vào cuộc sống, mang lại lợi ích của nông dân, nâng cao vai trò, ý nghĩa của Hội Nông dân. Trung ương Hội cũng cho rằng việc thực hiện cũng có hạn chế khi một số địa phương thực hiện truyền thông về Đề án chưa sâu rộng; một số nội dung của Đề án triển khai chậm như nội dung xây dựng mẫu người nông dân thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn...; đời sống nông dân được cải thiện nhiều nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa; khó khăn trong phối hợp giữa Hội Nông dân với các sở, ngành; năng lực, trình độ của một số cán bộ Hội còn thấp, kể cả cán bộ lãnh đạo... |
Thành Chung