Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh VGP/Minh Trang |
Hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề đô thị mà các thành phố mới phát triển như Đà Nẵng thường gặp và trao đổi những kinh nghiệm, các phương pháp tiếp cận từ các thành phố của Nhật Bản để TP. Đà Nẵng phát triển đô thị một cách bền vững trong tương lai.
Đồng thời đây là cơ sở bước đầu thiết lập và phát triển mối quan hệ đối tác song phương giữa 2 thành phố Đà Nẵng và Yokohama (Nhật Bản) trong thời gian tới.
TP. Đà Nẵng, cũng giống như TP. Yokohama trước đây, là đô thị đang phát triển, cũng đang và sẽ gặp những vấn đề đô thị tương tự mà TP. Yokohama đã trải qua như: Ô nhiễm môi trường, khan hiếm hạ tầng và xã hội, suy giảm chất lượng sống, giảm khả năng ứng phó với thiên tai, khó khăn trong quản lý đô thị, tắc nghẽn giao thông.
Vượt qua những khó khăn trên, TP. Yokohama đã phát triển trở thành đô thị lớn thứ 2 ở Nhật Bản. Thành phố này cũng là một trong những cảng quốc tế chính của Nhật Bản, đi đầu về phát triển công nghiệp nặng, là một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới. Những gì chính quyền TP. Yokohama đã và đang làm chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm quý báu giúp TP. Đà Nẵng học hỏi và áp dụng trong quá trình phát triển đô thị.
Theo định hướng cơ bản về phát triển bền vững, TP. Đà Nẵng đặt ra các mục tiêu phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với dân số 3 triệu người, quảng bá hình ảnh TP. Đà Nẵng sâu rộng ra quốc tế, thực hiện các chiến lược phát triển vùng khác với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Để đạt được các mục tiêu đó, TS. Shizuo Iwata, Trưởng đoàn nghiên cứu JICA, đưa ra các ý tưởng chính dựa trên kinh nghiệm của TP. Yokohama bao gồm: Kết nối khu vực thông qua các cảng và tuyến hàng không, phát triển khu trung tâm, phát triển khu đô thị mới, kiểm soát thiên tai và bảo tồn hệ sinh thái và văn hóa.
JICA đề xuất một số giải pháp cho TP. Đà Nẵng gồm: Cải cách thể chế về môi trường đầu tư, phát triển hệ thống đô thị, cấp vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, PPP. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng đào tạo đại học, dạy nghề, nâng cao năng lực khai thác và quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ. Đặc biệt cần tăng cường sự tham gia của người dân và khu vực tư nhân thông qua các quy trình gắn kết, đảm bảo có các bên tham gia từ bước lập quy hoạch, triển khai tới quản lý, thuê ngoài…
Ngoài ra, JICA cũng đề xuất một số định hướng hợp tác quốc tế cho TP. Đà Nẵng trong tương lai bằng các chương trình xây dựng cấu trúc đô thị, cải thiện thể chế quy hoạch đô thị, phát triển và cải thiện hạ tầng đô thị và tăng cường chức năng cảng.
Minh Trang