Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại tỉnh Ninh Bình, trong hơn 1 tuần giáp Tết Nguyên đán, 3 Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra VSATTP trên địa bàn 8/8 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 30 cơ sở (trong đó 14 cơ sở sản xuất; 13 cơ sở kinh doanh, 3 cơ sở dịch vụ ăn uống) được kiểm tra.
Các đoàn đã phát hiện và xử lý 10 cơ sở vi phạm (chiếm 33,3%); phạt tiền 9 cơ sở với tổng số tiền phạt là 16.500.000đ; phạt cảnh cáo 1 cơ sở; tịch thu 50 kg nho khô, 375 lon nước giải khát, 14 kg bánh đa nem, 13 gói bánh quy vừng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiêu hủy tại chỗ 57 kg kẹo bắp quá hạn sử dụng; buộc cơ sở tự tiêu hủy 22 kg giò có sử dụng phụ gia hàn the độc hại; và buộc cơ sở khắc phục về ghi nhãn sản phẩm của 2000 hộp cơm cháy có nội dung tem nhãn chưa đúng quy định.
Nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở là kinh doanh hàng thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ/kinh doanh hàng nhập lậu; không bảo đảm điều kiện bảo quản ATTP theo quy định, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chưa khám sức khỏe và học tập kiến thức về ATTP đầy đủ theo quy định, sản xuất kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng.
Từ ngày 14-24/1/2014, tỉnh Sóc Trăng cũng thành lập 3 Đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn 8 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra là 58 cơ sở, trong đó có 37 cơ sở sản xuất; 18 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 3 cơ sở dịch vụ ăn uống. Kết quả, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính 16 cơ sở, số tiền phạt: 32.650.000 đồng.
Nội dung vi phạm chủ yếu của các cơ sở là không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất; không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; người lao động không mang, mặc trang phục bảo hộ lao động, không cập nhật kiến thức ATTP theo quy định; sử dụng giấy chứng nhận đủ sức khỏe đã hết hạn; gian lận ngày sản xuất trên nhãn sản phẩm, không ghi ngày sản xuất trên nhãn sản phẩm.
Tại tỉnh Nam Định, toàn tỉnh đã thành lập 242 đoàn thanh, kiểm tra các cấp. Nội dung kiểm tra tập trung vào đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm nguy cơ như: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm từ thịt, bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia, các nhà hàng ăn uống và các kho hàng lưu trữ thực phẩm.
Kết quả, các đoàn kiểm tra đã kiểm tra 11.009 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 271 cơ sở không đạt. Tổng số tiền phạt các cơ sở vi phạm về ATTP là 11,3 triệu đồng, 15 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở.
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế) để góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân, bên cạnh việc kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm mất an toàn VSTP, Chi cục VSATTP các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP cho chính những người dân để họ biết, hiểu và thay đổi hành vi hướng tới sử dụng các sản phẩm an toàn.