• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Vĩnh Phúc: CCHC hướng đến mục tiêu “vì người dân phục vụ” và hài lòng của nhân dân

(Chinhphu.vn) - Công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm và coi đây là khâu đột phá. Qua 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2010-2020, Vĩnh Phúc đều đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.

23/12/2021 10:17
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc tháng 7/2020. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Trao đổi với Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc cho biết: Năm 2017 là năm đầu tiên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đưa Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) vào đánh giá, xếp hạng đối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

4 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước

Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, năm 2017 chỉ số SIPAS của tỉnh Vĩnh Phúc đạt 95,75%, xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; năm 2018, đạt 88,2%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, đạt 83,37%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; năm 2020, đạt 90,53%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, 4/5 tiêu chí có tỉ lệ đánh giá hài lòng trên 90%, như tiêu chí tiếp cận dịch vụ đạt 91,33%; TTHC: 93,1%; công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC: 90,88%; kết quả dịch vụ công: 93,72%; việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh kiến nghị: 82,71%.

Đồng thời, tỉ lệ hài lòng về tiếp cận dịch vụ nói chung đạt 91,33%; tỉ lệ hài lòng về TTHC đạt 93,10%; tỉ lệ hài lòng công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC đạt 90,13%; việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị đạt 82,71%.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng cải cách TTHC và coi đây là khâu đột phá, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác cải cách TTHC như: Tăng cường kiểm soát, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ giải quyết TTHC; thực hiện rút ngắn tối thiểu 20% thời hạn giải quyết của các TTHC có thời hạn giải quyết trên 10 ngày làm việc; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính; chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm...

Nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả về CCHC

Thực hiện Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ, Vĩnh Phúc thường xuyên rà soát TTHC và cập nhật lên hệ thống một cửa điện tử dùng chung của tỉnh; tổ chức xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hiện cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đang cung ứng 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó, 323 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 654 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ tổ chức, công dân tham gia giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Văn phòng UBND tỉnh đã công khai 803 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc, 507 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách TTHC như: Áp dụng phần mềm Zalo trong việc tra cứu, thông báo tình trạng giải quyết và kết quả giải quyết hồ sơ TTHC của người dân, doanh nghiệp; phối hợp với Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc kết nối liên thông giữa phần mềm Một cửa hành chính công và phần mềm chuyển phát nhanh (EMS) để thực hiện tiếp nhận và đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Trong đó, Vĩnh Phúc xác định việc xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển chính quyền điện tử làm nền tảng hướng tới chính quyền số nhằm hiện đại hóa nền hành chính, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển.

Đại dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế trên cả nước. Tuy nhiên, Vĩnh Phúc coi đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tiếp, tránh tiếp xúc gần, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc tăng lên mức gần 25%, tỉ lệ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí đạt gần 49% (với hơn 10.000 giao dịch thanh toán trực tuyến qua Cổng DVC Quốc gia). Tỉnh Vĩnh Phúc cũng được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng, lựa chọn là 01 trong 4 địa phương triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các thủ tục về đất đai.

Đánh giá về công tác này của tỉnh Vĩnh Phúc, ông Phạm Minh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ cho biết, kết quả CCHC của Vĩnh Phúc những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, chất lượng cung cấp dịch vụ công được cải thiện, góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Những nỗ lực CCHC của tỉnh Vĩnh Phúc được người dân, tổ chức ngày càng ghi nhận và đánh giá cao thể hiện qua các chỉ số khảo sát hằng năm như Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Bộ phận Một cửa xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh: Phùng Hải.

6 nhiệm vụ trọng tâm công tác CCHC thời gian tới

Để tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.

Một là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai các nhiệm vụ CCHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với các tiêu chí sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đánh giá chưa cao. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra các giải pháp và triển khai khắc phục những hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực quản lý và thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt các nhiệm vụ công tác CCHC giai đoạn 2021-2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chỉ số SIPAS, trong đó chú trọng tuyên truyền về sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương chung tay xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, trách nhiệm, thân thiện và hiệu quả.

Ba là, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, tập trung triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc phối hợp giải quyết. Tuân thủ và thực hiện đúng Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Cùng với đó, kiểm tra các thủ tục đã giải quyết và có biện pháp chấn chỉnh triệt để tình trạng công chức, viên chức nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Năm là, nghiêm túc thực hiện việc lưu trữ, theo dõi hồ sơ và kết giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp theo quy định nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành và công tác điều tra xã hội học xác định chỉ số CCHC và chỉ số SIPAS đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trục lợi cá nhân trong hoạt động hành chính nhà nước; chủ động thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với nhiệm vụ đã phân cấp theo quy định. Gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân hàng năm.

Lê Sơn