Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Mặc dù đã góp thêm tiếng nói ủng hộ việc sử dụng đại dương để ngăn chặn tình trạng ấm lên của khí hậu Trái Đất vốn gây nhiều tranh cãi, nhưng kết quả nghiên cứu lại chưa trả lời được câu hỏi về nguy cơ đe dọa đối với sinh vật biển.
Theo nghiên cứu trên, khi được đổ xuống biển, sắt có thể kích thích sự phát triển của những loài thực vật nhỏ bé mà khi kết thúc quá trình sinh trưởng, chúng sẽ trở thành "cái bẫy" hấp thụ khí thải carbon đặt ở đáy đại dương.
Năm 2004, các nhà khoa học đã rải 7 tấn sunphát sắt - một loại “thức ăn” không thể thiếu của thực vật biển, xuống khu vực biển Nam Cực. Kết quả là tảo cát đã sinh trưởng nhanh chóng, góp phần hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải carbon ở độ sâu 1.000 mét dưới mặt nước. Tảo cát được “nuôi” bằng sunphát sắt có thể cô lập carbon trong hàng thế kỷ ở đáy đại dương và lâu hơn ở những lớp trầm tích khác.
Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu mang tính thuyết phục về khả năng khí thải carbon có thể được “chôn” ở đáy đại dương nhờ sự hấp thụ của tảo biển. Vấn đề đặt ra là liệu khí thải carbon còn có ở những vùng nước bên trên đáy biển – nơi chúng có thể quay trở lại bầu khí quyển hay không?
Hàng chục nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng sắt có thể giúp tảo biển sinh trưởng nhanh chóng, nhưng lại không thể đi đến kết luận về cơ chế tảo biển “chôn” khí thải carbon. Bản thân nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần tiếp tục có những thử nghiệm sâu hơn về vấn đề này.
Phương Anh