Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ ngày có máy, việc cắt, vớt lục bình, rong, cỏ được cơ giới hóa, năng suất cao |
Lục bình (bèo), rong, rác, cỏ mọc tự nhiên nổi lềnh bềnh, chen chật mặt nước nhiều năm. Chúng làm cản trở giao thông, cỏ rác còn cuốn chặt vào chân vịt tàu, thuyền… gây hỏng phương tiện thủy.Việc vớt rác thải nổi trên mặt sông, mặt kênh từ lâu đều phải làm bằng thủ công, năng suất, chất lượng thấp (chỉ làm vệ sinh được các đoạn xung yếu). Vừa dọn xong chỗ này thì vài tháng sau rong cỏ lại tiếp tục phát triển trở lại, như “ném đá ao bèo”. Hệ thống máy cắt, vớt của Trung tâm vừa có tính năng cắt rác kết dày, còn vớt rác mảng rời, rác thải nổi trên sông được cơ giới hoá và đồng bộ cao. Hệ thống gồm có 1 máy chính và 2 thiết bị phụ.
Máy chính là một thiết bị tự hành có hai bánh xe nước (paddle wheel) lắp hai bên, nó truyền động bằng hai mô tơ thủy lực, có thể điểu chỉnh số vòng quay độc lập, đổi chiều để quay trở dễ dàng.
Rong, cỏ được cắt bằng một hệ dao cắt ngang và hai cụm dao cắt đứng, điều chỉnh theo chiều cao của cây cỏ dại, độ sâu từ 0-1,5 m, bề rộng 2,36 m.
Ba cụm dao tạo thành một hình chữ U ở phía trước, bảo đảm tiến tới đâu, cắt vụn tới đó. Máy còn có tay vớt biên độ 4,2m chuyên gom cây cỏ nổi.
Rong, cỏ sau khi cắt lần lượt được chuyển lên 3 loại băng tải. Khi đầy, máy tiến vào bờ trút rác, sau đó lại tiếp tục chu trình…
Mọi chuyển động của các cụm máy đều hoạt động và điều khiển bằng hệ thống thuỷ lực nhằm đảm bảo cho máy hoạt động tốt trong điều kiện khắc nghiệt như mưa, ướt, hôi thối do cỏ rác kết dày.
Máy tự hành với tốc độ di chuyển từ 1,5 đến 2 km/giờ, thay thế cho hàng trăm người vớt dọn trên diện tích 1ha.
Tại kênh Tây hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh, cứ 3 tháng 1 lần, phải mất 160 công lao động nặng nhọc để cắt 1ha rong, cỏ dại. Trong khi đó, máy này có thể dọn sạch 1 ha chỉ trong 8 giờ, tiêu 48 lít dầu, chỉ cần một người vận hành, nhanh chóng mở đường cho các phương tiện tàu thuyền đi lại thuận lợi.
Trần Minh (theo: techmartvietnam)