• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nội dung Tọa đàm ‘Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao’

(Chinhphu.vn) - Từ 15h ngày 24/2, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”.

27/02/2017 07:01
Ảnh: VGP/Công Việt
Ngay từ đầu năm nay, nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đã thông báo rót vốn vào các dự án khởi nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao và đang tiếp tục tìm dự án triển vọng để đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, “nút thắt” cả khách quan và chủ quan đối với các doanh nghiệp lựa chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao.

Để thông tin về vấn đề này, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”.

Dự kiến khách mời: Ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST); ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, tiến sĩ ngành công nghệ sinh học.

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

Thưa ông, năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp, chúng ta đã có một năm bùng nổ khởi nghiệp sáng tạo khi nhiều dự án đã gọi được hàng triệu USD vốn đầu tư. Xin ông cho biết đôi nét đáng chú ý nhất về bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam thời gian qua, trong đó đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chiếm thị phần bao nhiêu, có ưu thế gì?

Ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Hiện tại Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động chính thức theo luật doanh nghiệp, ngoài ra, có khoảng 4,5 triệu hộ kinh doanh. Thúc đẩy thành lập thêm nhiều doanh nghiệp mới là mục tiêu quan trọng của Chính phủ trong Nghị quyết 35 ban hành tháng 5 năm 2016 thì mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, đằng sau mục tiêu đó là ngân sách, thuế, việc làm và nhiều vấn đề quan trọng khác nữa. 2016 là một năm có nhiều tín hiệu tích cực, lần đâu tiên số doanh nghiệp thành lập mới đạt con số kỷ lục là hơn 110.000 doanh nghiệp, trong 17 năm thực hiện luật Doanh nghiệp thì đây là con số kỷ lục. Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì khá khiêm tốn, tính đến cuối năm 2016 thì có khoảng gần 4.500 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ năm 2007 là 2.400 doanh nghiệp đến 2016 là 4.500 doanh nghiệp, con số có tăng nhưng không đáng kể, nhưng số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm con số tương đối cao, chiếm 47% lao động của cả nước. Nếu nhìn bức tranh nông nghiệp trong cả nước thì đã có nhiều tích cực, đã có một số tập đoàn trong nước đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel.. Một con số khác đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp khá hạn chế. Theo thống kê, con số đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,9% số dự án và chưa đến 1% số vốn FDI của cả nước mặc dù đối tượng đầu tư khá phong phú đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Bức tranh đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tương đối thấp, năng suất lao động chưa cao, doanh thu trên năng suất lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 262 triệu đồng/năm 2014, chỉ bằng 1/5 so với lĩnh vực khác. Ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp khá lạc hậu. Theo như nghiên cứu của chúng tôi, trong đầu tư nông nghiệp thì tỉ lệ máy móc có trình độ cao còn rất khiêm tốn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề trọng yếu, mang tính sống còn với một quốc gia như Việt Nam. Nông nghiệp công nghệ cao được nhắc đến nhiều như hiện nay khi có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này được hưởng những cơ chế ưu đãi, hỗ trợ gì, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thắng (Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” -FIRST): Ý chỉ của Đảng, của Nhà nước trong việc quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất rõ ràng, thể hiện qua sự sát sao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, đạt mức tăng trưởng là 3,5%/năm, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Ngay sau khi có Luật Công nghệ cao, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định ngày 17/12/2012 phê duyệt chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và hàng loạt các chương trình xây dựng khu công nghệ cao và định hướng đến năm 2020. Tuyên ngôn rất rõ ràng của người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chính phủ sẽ hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai, vốn cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp cao cho Việt Nam trong tương lai. Còn những chính sách rất cụ thể ví dụ như cơ chế chính sách đất đai đang nghiên cứu và để đưa vào thực tế, đặc biệt chính sách về vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao đi theo hướng quyết liệt, quyết tâm của toàn xã hội.

Thưa quý vị, chương trình hôm nay có vị khách mời đặc biệt đến từ Điện Biên là ông Trần Lệ, người thành công với mô hình trồng hoa anh đào. Thưa ông, cơ duyên nào để ông lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với việc đầu tư, phát triển hoa anh đào ứng dụng công nghệ mới khi đã ở tuổi 72? Những thuận lợi và khó khăn của ông là gì?

Ông Trần Lệ (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, Tiến sĩ ngành công nghệ sinh học): Trong suốt cuộc đời làm khoa học của tôi gắn bó với nông nghiệp. Tôi đã nghiên cứu khoa học từ năm 25, 26 tuổi, nhưng đến năm 72 tuổi mới có đối tượng nghiên cứu mới. Trong giai đoạn này, quan hệ của Việt Nam và Nhật Bản có những bước tiến đặc biệt, bên cạnh đó, người Nhật Bản cũng như người Việt Nam đều quan tâm đặc biệt đến hoa anh đào. Người Nhật sang nước ta nghiên cứu phát triển hoa anh đào nhưng cũng không thành công, họ đã đưa về Việt Nam tổng cộng là 6.064 cây anh đào, nhưng đến bây giờ, số cây anh đào do họ đem sang và sống phát triển được chỉ còn mấy chục cây. Lí do tôi khởi nghiệp cây anh đào là do băn khoăn tại sao những người giỏi như người Nhật mà sang nước ta lại không làm được? Thứ hai là khi tôi được bác Võ Nguyên Giáp đề nghị lên giúp Điện Biên, tôi có hứa sẽ làm một vài công trình giúp nhân dân Điện Biên và cho vùng Tây Bắc của mình. Khi lên đến nơi, các vị lãnh đạo của Điện Biên thời đó là ông Trịnh Long Biên là Bí thư, bà Lò Mai Trinh là Chủ tịch có đề nghị tôi làm sao thu hút được người Nhật về Điện Biên, tôi có hứa là cho tôi 3 năm nghiên cứu đối tượng, chắc chắn thành công để kéo người Nhật về, và do đó, tôi chọn cây anh đào.

Đầu tiên, tôi phải chọn giống anh đào ở phía nam Nhật Bản, đây là giống cây có thể chịu được thời tiết khắc nghiệt. Những ngày đầu, khó khăn tôi gặp rất nhiều, tôi chọn địa điểm ở hồ Pá Khoa, thuộc xã Mường Phăng, không có đường đi, không có điện, rất khó khăn. Với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy phải tự dùng vốn của mình thay vì đi vay ngân hàng hay kêu gọi các nguồn đầu tư tài chính khác. Khó khăn không thể nói hết được nhưng tôi lại có những thuận lợi từ việc đã từng làm ứng dụng trong khoa học công nghiệp nên tôi có rất nhiều kinh nghiệm và tôi tin rằng tôi làm được. Tôi đã khởi nghiệp với 10 hạt anh đào và toàn bộ số vốn của mình cách đây 10 năm, bây giờ tôi có khoảng 4.500 cây.

Doanh nghiệp của ông Trần Lệ, thương hiệu rau sạch thu được tiền tỷ của Công ty TNHH Trường Phúc do anh Tô Quang Dũng (Lâm Đồng, Đà Lạt) làm chủ, hay trang trại hoa hồng của cô gái 27 tuổi Phạm Thiên Trang tại Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội là những tấm gương thành công về khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bài học về sự thất bại. Theo thống kê của Bộ TT&TT, hằng năm, có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam thì số “sống sót” sau khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%. Các vị khách mời bình luận ra sao về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Thắng: Năm 2015, tạp chí Forbes thống kê 10 gười khởi nghiệp thì có 1 người thành công 9 người không phát triển được. Con số ở Việt Nam có 10% doanh nghiệp thành công, tôi cho rằng rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, tôi có vài ý kiến thế này, thứ nhất, 90% người thất bại, chúng ta đừng nói là bị thua, có thể nói đây là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp sau một thời kỳ rất ngắn họ phát hiện ra những bất hợp lý trong chiến lược kinh doanh hoặc công nghệ của họ không thích hợp hoặc sản phẩm của họ không thích hợp với thị trường, đó là bài học rất quý giá để họ tiếp tục khởi nghiệp lại. Thứ hai, đối với con số 10% còn lại tiếp tục phát triển, thì bước tiếp theo chắc chắn sẽ gặp những khó khăn tiếp theo, phải phân định được phân khúc thị trường của mình, tiếp tục đổi mới công nghệ để cải thiện sản phẩm của mình, làm cho sản phẩm ngày một cao lên, cách thu hút vốn của nhà đầu tư, tăng cường năng lực của bản thân doanh nghiệp, tất cả những khó khăn đó phải vượt qua. Trong số 10% này, chắc chắn sẽ có một số người phát triển hết sức mạnh mẽ, nhưng có một số người sẽ phải chuyển hướng khác, đó là điều cần phải lưu ý. Một điểm cần chú ý nữa là thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn phụ thuộc vào các ngành nghề, ví dụ như ICT thì số lượng khởi nghiệp nhiều nhưng thành công thấp. Thứ tư, chúng ta cần phân biệt khái niệm start-up là loại hình kinh doanh đổi mới chất lượng, dịch vụ có giá trị gia tăng sản phẩm, còn một cách hiểu nữa là ý chí khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp rất cao trong cộng đồng gọi là khởi sự kinh doanh.

Ông Đậu Tuấn Anh: Việc doanh nghiệp ra đời hay mất đi là điều hết sức bình thường, ở các nước khác cũng vậy. Họ gọi đây là phá sản trong của sức sáng tạo. Bởi nếu anh kinh doanh không hiệu quả thì người khác phải sử dụng hiệu quả. Doanh nghiệp thất bại trong một vài dự án đầu tiên thì đó là kinh nghiệm của họ, giúp họ tránh những khó khăn về sau. Đối với những doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam thì chúng tôi cho rằng cần nhìn vào hai dạng, đối với những doanh nghiệp tính toán chưa kỹ, cơ hội đầu tư chưa tốt mà họ phá sản thì điều đó là bình thường. Nhưng nếu doanh nghiệp phá sản bởi thay đổi chính sách, do những rào cản về thủ tục hành chính khó khăn mà họ không lấy được giấy phép thì đó là dạng phá sản đáng quan tâm. Ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần phải nhận diện những doanh nghiệp khó khăn và nhận biết doanh nghiệp nào phá sản vì chính sách, vì thủ tục hành chính, phá sản vì yếu tố từ nhà nước thì cần phải quan tâm. Trong nông nghiệp, nếu doanh nghiệp phá sản mà đang mua sắm của hàng chục nghìn hộ nông dân thì cũng phải xem xét đặc biệt, vì nó tạo ra những hệ quả về sau tương đối lớn. Chính vì vậy, trong nông nghiệp hay những lĩnh vực mà rủi ro cao thì ta nên có chính sách về bảo hiểm, sao cho tạo ra những ổn định nhất định trong xã hội.

Ông Trần Lệ: Theo tôi, cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khởi nghiệp rất khốc liệt, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn mới này còn khốc liệt hơn. Vì vậy, tỉ lệ sống sót thấp hơn 10%. Con số tồn tại còn phải cạnh tranh nữa nên con số thực tế chỉ còn vài %, không thể nhiều hơn.

VCCI nhận được phản hồi gì về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông? Doanh nghiệp có mong mỏi, đề xuất gì đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý?

Ông Đậu Anh Tuấn: Khó khăn của doanh nghiệp thì nhiều, có những khó khăn nói đi nói lại hàng chục năm nay không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp đó chính là vốn. Hiện tại, hệ thống cung cấp vốn cho doanh nghiệp là hệ thống tín dụng của Việt Nam tương đối chưa phát triển. Những tổ chức tín dụng vi mô chưa tiếp cận được từng hộ nông dân, chưa phát triển được như các nước, những khoản vốn vay dành cho nông nghiệp có vốn cao, nguồn vốn rủi ro còn rất hiếm. Các ngân hàng rất e dè cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp bởi tính rủi ro cao do thời tiết, thị trường. Khó khăn thứ hai là khó khăn về mặt bằng kinh doanh. Đất đai Việt Nam do nhiều yếu tố nên quỹ đất không còn nhiều và manh mún, chất lượng đất không phù hợp, chưa kể đến những giới hạn khác. Một khó khăn nữa là đầu ra, không chỉ bà con nông dân mà cả những doanh nghiệp lớn đều rất khó khăn. Một thước đo khác mà mới đây Ngân hàng Thế giới có công bố đó là báo cáo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh năm 2016 vừa rồi, họ khảo sát 40 quốc gia, đánh giá môi trường tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp thì Việt Nam được đánh giá tương đối thấp trong khu vực ASEAN, chúng ta chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar. Một số chỉ số cụ thể như môi trường kinh doanh giống cây trồng Việt Nam được đánh giá 62/100 điểm, hay là trong lĩnh vực kinh doanh máy móc công nghiệp, chúng ta xếp hạng 37/40 nước được khảo sát. Kinh doanh vận tải cũng xếp thứ 35/40 nước. Vì vậy những vấn đề về hạ tầng, những vấn đề về thể chế pháp lý cũng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Có “nút thắt” nào trong quá trình thu hút đầu tư, huy động hay hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao? Theo ông, cần phải làm gì để gỡ “nút thắt” ấy?

Ông Trần Quốc Thắng: Đó là bất cập trong chính sách về đất đai. Đã phát triển thành sản phẩm hàng hoá cạnh tranh với quốc tế thì sản lượng phải cao mà hiện nay hạn điền đối với doanh nghiệp còn thấp. Thứ hai là việc tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, hiện nay nhà nước cũng đang nghiên cứu cơ chế chính sách để tháo gỡ, ngoài ra có thể hình thành các quỹ trong tương lai để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ ba là sự thiếu vắng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thứ tư là sự liên kết giữa người có ý tưởng với người nghiên cứu, có công nghệ thực sự nhưng không biết chuyển giao như thế nào. Nếu không có mối liên kết này thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật rất khó khăn. Đây liên quan đến hệ thống đổi mới quốc gia, liên kết ba nhà: Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học. Nếu hệ sinh thái khởi nghiệp hình thành phát triển mạnh mẽ thì khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao sẽ có nhiều khởi sắc.

Được biết, Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (gọi tắt là FIRST)” của Bộ Khoa học và Công nghệ giúp đầu tư, hỗ trợ công nghệ cho một số chương trình, mô hình của doanh nghiệp nông nghiệp. Ông hãy thông tin thêm về việc này?

Ông Trần Quốc Thắng: Đây là dự án đầu tiên của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho hoạt động khoa học công nghệ hay nói cách khác là hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tại Việt Nam. Mục tiêu là đưa công nghệ mới vào sản phẩm cụ thể, lấy doanh nghiệp là trung tâm. Chúng tôi hỗ trợ cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tự động hoá,… Hợp phần thứ hai là hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, việc nghiên cứu để đổi mới công nghệ và tăng giá trị sản phẩm. Thứ ba là mời các chuyên gia giỏi nước ngoài về hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp. Chúng tôi đã tài trợ 40 dự án, trong đó có 17 dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Theo ông doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao cần trang bị những gì để thực sự vào cuộc?

Ông Trần Lệ: Nông nghiệp công nghệ cao phải học tương đối vất vả, phải để tâm học hỏi. Tôi sợ là chúng ta chưa hiểu về nông nghiệp công nghệ cao nên theo tôi phải có kiến thức, đòi hỏi chuyên môn sâu sắc. Nếu không có đầy đủ kiến thức thì không thể thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, hiểu biết nông nghiệp thuần tuý không thể bước vào lĩnh vực này được.

Làm sao để có thể tiếp cận được sự hỗ trợ về vốn, những cơ chế chính sách ưu đãi?

Ông Trần Quốc Thắng: Hiện Chính phủ đang thực hiện đúng tuyên ngôn là Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân. Chính phủ đang có nhiều quyết sách, tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang xây dựng chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Có thể khẳng định Chính phủ càng ngày tiến tới phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có điều kiện cần. Thứ nhất là ý tưởng sản phẩm, phải phân tích kỹ càng sản phẩm trong phân khúc nào, chiếm thị phần ra sao. Thứ hai là công nghệ liên quan đáp ứng được các tiêu chí cao như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật cao khi xuất khẩu. Các nhà khởi nghiệp phải nghiên cứu kỹ trước khi dấn thân. Tiếp theo là đội ngũ thực hiện ý tưởng rất quan trọng. Khi đã có điều kiện thì việc doanh nghiệp thuyết minh huy động nguồn vốn sẽ thuận lợi.

Ông Đậu Anh Tuấn: Để tạo thuận lợi cho những người khởi nghiệp, thời gian tới nhà nước còn nhiều việc phải làm, ví dụ như rà soát lại chính sách ưu đãi về thuế, về vốn, tiếp cận vốn hiệu quả hay không, tại sao? Thường các chính sách hỗ trợ của mình một thời gian dài nặng về tuyên bố nhưng thụ hưởng của người dân còn ít. Nên đã đến thời kỳ cần đánh giá hiệu quả của chính sách. Thứ hai, cần ưu tiên giảm phí, hiện thuế, phí cho bà con nông dân còn tương đối lớn. Thứ ba, về lâu dài, cần khuyến khích các quỹ đầu tư, đặc biệt có thể thành lập riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Một cách tạo vốn cho doanh nghiệp nữa là hoàn thiện quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì để vay vốn phải có tài sản thế chấp. Hiện nay, nhiều chủ trang trại khó khăn trong việc này. Nhà nước có thể hỗ trợ những hộ nông dân lập kinh doanh một cách bài bản để tiếp cận nguồn vốn các ngân hàng các tổ chức, từ đó nâng cao năng lực quản trị, lập kế hoạch.

Ông đánh giá như thế nào về quy định hạn điền đối với doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao?

Ông Đậu Anh Tuấn: Muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải có quy mô. Luật Đất đai đang có hạn chế về hạn điền, một cá nhân chỉ được diện tích nhất định, điều này đang làm tăng chi phí sản xuất, rủi ro và giảm động lực của doanh nghiệp. Hiện tại, chúng tôi rất phấn khởi vì thấy Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà chức trách đang thảo luận nới rộng hạn điền. Đây là điểm cần mở rộng, tiến tới xoá bỏ hạn điền để thúc đẩy nông nghiệp. Tiếp theo là vấn đề tuân thủ hợp đồng của bà con nông dân cần nghiêm ngặt hơn. Vấn đề quy hoạch can thiệp vào thị trường, Việt Nam đang sửa đổi quy hoạch, chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ bỏ quy hoạch sản phẩm để tạo thông thoáng cho thị trường.

Nỗ lực của Chính phủ đã được khẳng định nhưng một vài doanh nghiệp cho biết họ không được tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương. Thậm chí, còn có ý kiến “địa phương để yên cho làm là may, không dám hy vọng đến việc hỗ trợ”. Ông có gặp phải bất cập này khi khởi nghiệp dự án của mình không? Quan điểm của ông ra sao?

Ông Trần Lệ: Câu hỏi này đối với tôi rất sâu sắc. 13 năm trước, tôi ra Bắc với mong muốn tìm vùng đất để sản xuất rau, hoa cho Hà Nội, giống như ở Đà Lạt sản xuất rau, hoa cho TP.HCM. Tôi đi qua nhiều tỉnh và dừng chân ở Tân Lạc, Hòa Bình, nơi có 5 xã vùng cao đặc biệt khó khăn có thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với rau, hoa. Tôi tập trung chiến hữu thành lập 1 công ty cổ phần, mua 64 sổ đỏ để có được diện tích đất rộng hơn 30 ha. Tôi bỏ ra 1 năm rưỡi nghiên cứu ứng dụng 43 loại rau, hoa. Sau 10 năm cặm cụi, chúng tôi cung cấp cho chợ Long Biên có ngày 10 tấn rau, trồng được 27.000 chậu địa lan trong 2 ha nhà vòm,… Một ngày nọ, bà con nông dân kéo vào phá tan hoang hết, trước khi phá có cuộc họp để cướp lại đất. Chính quyền tỉnh, huyện Tân Lạc cho cơ quan công an đến nhưng chúng tôi bị phá sạch sành sanh không còn gì. Chỉ 2 ngày người ta phá bằng hết. Chính quyền huyện chỉ đến xem. Với chúng tôi đó là bài học đau đớn. Nhưng chúng tôi vẫn phải đứng dậy để khởi nghiệp lại ở trên Điện Biên. Việc phối hợp các “nhà” đừng nói xuông, phải xem lại đến nơi đến chốn.

Ông Trần Quốc Thắng: Là doanh nghiệp khởi nghiệp đã khó, nếu không được sự tạo điều kiện càng khó khăn hơn. Tôi thấy chính sách của Đảng, Nhà nước đang hướng tới kiến tạo làm sao tạo ra môi trường thông thoáng cho khởi nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm rất đúng. Đất nước ta 60% là nông dân, thì việc lựa chọn khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là then chốt, vấn đề sống còn để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Đậu Anh Tuấn: Câu chuyện bác Lệ kể gợi tôi nhiều suy nghĩ. Chúng ta nói khuyến khích nông nghiệp, rồi ưu đãi vốn, đất đai nhưng có điều quan trọng không kém đó là phải bảo vệ chắc chắn quyền tài sản, quyền sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ hợp đồng giữa DN và người dân. Gần đây tham gia dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nhà nước muốn nhiều nhà đầu tư phát triển rừng nhưng có một tư duy rất lạ, đó là sau khi trồng rừng, DN muốn khai thác phải xin phép. Đầu tư hàng chục năm đến khi khai thác lại không cho phép khai thác, phải xin phép. Tài sản không quyết định được sao DN có động lực đầu tư tư vào. Đây là một nghịch lý và khẳng định quyền đảm bảo tài sản cho DN phải được thực hiện quyết liệt. Điều đó quan trọng chẳng kém gì những ưu đãi đất đai hay thuế.

Nông nghiệp cần và luôn luôn phải gắn với môi trường. Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có tính đổi mới sáng tạo, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo hệ sinh thái đang bị ô nhiễm. Theo ông, việc này được quan tâm thực hiện ra sao, cần có những công nghệ mới gì để bảo đảm phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường?

Ông Trần Quốc Thắng: Nói đến nông nghiệp công nghệ cao chắc chắn phải gắn với môi trường. Phải bảo vệ môi trường phát triển xanh, bảo đảm chất đất bền vứng lâu dài. Đây cũng là lưu ý cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao phải luôn luôn chú ý đến chất lượng sản phẩm bảo đảm đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn khắt khe, và đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Trần Lệ: Đà Lạt được gọi là một thành phố nông nghiệp công nghệ cao, ở đó các hộ nông dân nhỏ lẻ dựng các nhà nilong trên đất. Nhưng có mặt trái về môi trường. Một nhà nilong không sao nhưng liền 2000 ha thì khi mưa xuống sẽ không có đất hứng nước, đấy chính là vấn đề của môi trường. Dòng chảy không gom vào sông suối tự nhiên. Hoạt động tưởng là công nghệ cao nhưng lại ảnh hưởng môi trường nặng nề. Ta phải tính tới và thiết kế những mô hình hoàn thiện hơn. Có rất nhiều vấn đề trong hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, những người làm trực tiếp như chúng tôi cảm thấy còn rất nhiều chuyện phải đưa ra bàn và giải quyết trong thời gian tới.

Minh Ngọc