Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Thử nghiệm bắn tên lửa BrahMos của Ấn Độ từ máy bay dòng Su-30MKI |
Nhà khoa học Sivathanu Pillai, Trưởng nhóm phát triển BrahMos, cho rằng trong vòng 20 năm tới không có tên lửa nào có thể đánh chặn được BrahMos vì nó là tên lửa hành trình tốc độ siêu thanh, ứng dụng công nghệ tàng hình duy nhất trên thế giới.
Tên lửa BrahMos có tầm xa gần 300 km, với tốc độ gấp 2,8-3 lần tốc độ âm thanh, nhanh gấp 3,5 lần so với tên lửa hành trình Harpoon của Mỹ.
Hải quân Ấn Độ đã thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos phóng trên đất liền và trên tàu chiến.
Theo báo Izvestia, loại đầu dẫn tích hợp trên tên lửa BrahMos của Ấn Độ là một biến thể của hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp dẫn đường bằng vệ tinh GPS/GLONASS, như hệ dẫn của tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101, do Nga phát triển.
Là một tên lửa hành trình chiến lược hạng nhẹ, BrahMos có khả năng tấn công các mục tiêu là các tàu chiến hạng nặng. “Biến thể phóng từ trên không sẽ nhẹ hơn và nhỏ hơn biến thể trên bộ,” ông Sivathanu Pillai nói.
Được biết trọng lượng của tên lửa sẽ giảm từ 500kg xuống chỉ còn một nửa (250kg) cùng một (giá treo) bệ phóng gắn vào máy bay SU-30MKI.
Khi rời máy bay, tên lửa BrahMos sẽ bay với tốc độ siêu âm, hơn 1,5 Mach (hơn 1.800km/h), sau đó tự động tăng lực và lao đi với tốc độ 2,8 Mach (hơn 3.430km/h), khiến đối phương khó trở tay.
Phần mềm điện tử phiên bản cho BrahMosdo phóng từ máy bay do các kỹ sư Ấn Độ dựng và viết, đưa ra các thông tin đầy đủ nhất về trạng thái của tên lửa và vị trí mục tiêu cho phi công biết.
Khi phải bảo vệ vùng biển rộng lớn, nếu phóng từ trên bờ, tên lửa BrahMos bị hạn chế cự ly sát thương. Biến thể BrahMos phóng từ máy bay có thể khắc phục được tất cả nhược điểm này.
Máy bay Su-30MKI cho phép liên tục bay nhiệm vụ trong nhiều giờ trong bán kính 3.000 km. Nếu được tiếp nhiên, nó có thể duy trì giờ bay nhiều hơn, tầm bay xa hơn. Vận tốc cực đại Su-30MKI lên đến 2.120 km/h.
Với ưu thế phản ứng nhanh, tầm hoạt động xa, một chiếc máy bay có thể bao quát được cả một vùng biển rộng lớn. Tính đột kích, tính cơ động và hỏa lực đều phát huy cao độ.
Lúc này, về chiến thuật, SU-30 chỉ cần bay ngoài vùng sát thương của hỏa lực đối phương mà tấn công, đối phương không biết đâu mà đánh trả, xác suất trúng rất cao mà vẫn an toàn.
Dự kiến SU-30MKI mang BrahMos sẽ bắt đầu các bài kiểm tra vào cuối năm nay và hoàn thành các bài bay thao diễn kỹ thuật-chiến thuật trong năm 2014, đưa vào trang bị năm 2015.
Trung Ninh (tổng hợp)