Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Cần tăng cường sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu thuốc chống cúm |
Hội nghị đã xác định nhiều mục tiêu quan trọng mặc dù có sự vắng mặt của 1/5 số lượng đại biểu dự kiến do ảnh hưởng của khói bụi núi lửa Iceland đến hàng không châu Ẩu cũng như trận động đất tại phía Tây Trung Quốc (hạn chế số lượng đại biểu Trung Quốc tham dự).
Từ những hậu quả do các hiện tượng thiên nhiên gây ra đã khuyến cáo các đại biểu về sự thay đổi và lan truyền không thể dự báo của những thách thức có thể nảy sinh từ thiên nhiên và thế giới động vật.
Với 75% các bệnh dịch mới lây lan từ động vật sang người và 2 bệnh dịch động vật mới ảnh hưởng đến con người có thể xảy ra mỗi năm, các đại biểu đã xác nhận những năng lực cần thiết đối với chính phủ các nước nhằm đối phó với tình huống khó lường.
Do đó, cần thiết lập hệ thống thú y và y tế đủ mạnh trong đó có hệ thống lập kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp và dự phòng đạt các tiêu chuẩn và khuôn khổ pháp lý toàn cầu (ví dụ tiêu chuẩn thú y của Tổ chức Thú y Thế giới, quy định y tế quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới) cũng như những tiêu chuẩn mới nhằm chuẩn bị cho khả năng ứng phó đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, Hội nghị đã thảo luận và làm rõ hơn cơ chế lây lan của dịch bệnh, nhận thức rõ được tầm quan trọng trong sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y và ngành y tế.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc khống chế bệnh dịch lây lan và có nhiều kinh nghiệm ứng phó với virus cúm A/H5N1 và A/H1N1 khi nó trở thành đại dịch lây nhiễm sang người.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho rằng, sau thời gian khống chế tốt, dịch tạm lắng thì lại có sự chủ quan từ lãnh đạo các cấp và coi thường của người dân, nên vẫn còn trường hợp tử vong vì cúm A/H1N1.
Qua Hội nghị này, theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, nhất thiết phải tính đến những mục tiêu lâu dài, mạng lưới thú y cần phải được củng cố hơn nữa. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để khống chế dịch cúm gia cầm A/H5N1 và dịch cúm A/H1N1, để tiến tới trong 2 – 3 năm tới sẽ loại bỏ được những bệnh dịch này.
Tại Hội nghị, trên cơ sở các bài học rút ra từ công tác kiểm soát dịch cúm gia cầm A/H5N1 và dịch cúm A/H1N1, các Bộ trưởng và quan chức cao cấp các quốc gia đã thống nhất thông qua các định hướng trong tương lai để ứng phó với dịch cúm gia cầm, chuẩn bị cho các đại dịch và các bệnh dịch lây truyền có thể xảy ra bằng Tuyên bố Hà Nội.
Tuyên bố đề ra các biện pháp quốc gia mang tính đa ngành để phát hiện kịp thời những bệnh dịch mới có thể lây truyền từ động vật sang người và đưa ra các biện pháp y tế kịp thời để ngăn chặn dịch. Tuyên bố kêu gọi tập trung vào mối liên kết giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường, cũng như nỗ lực không ngừng trong việc giảm phạm vi lây truyền cúm A/H5N1 và A/H1N1.
Các nước và các tổ chức quốc tế được kêu gọi “tiếp tục thận trọng với các nguy cơ mới phát sinh như H5N1, H1N1 và các chủng virus cúm khác".
Tuyên bố cũng xác nhận sự cần thiết phải tiếp tục củng cố hợp tác quốc tế và khu vực trong công cuộc phòng chống dịch bệnh mà có khả năng không có sự miễn dịch đối với cơ thể con người và có nguy cơ vượt qua biên giới của các quốc gia.
Tuyên bố nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có các hoạt động truyền thông hiệu quả giữa các chuyên gia và công chúng, sự tham gia của cộng đồng và củng cố các hệ thống y tế công cộng và hệ thống thú y.
Kiều Liên