Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Xin Bí thư cho biết tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn? Tác động của dịch bệnh như thế nào đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Long An?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được: Long An có gần 13.500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 348.700 tỷ đồng; trong đó, có 1.124 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 9.334 triệu USD.
Cuối tháng 5/2021, dịch bệnh xuất hiện tại khu vực, Long An trở thành một trong những tâm dịch lớn của cả nước. Việc áp dụng quy định giãn cách xã hội trong thời gian dài đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế của tỉnh.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị đình trệ. Hiện chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.
Trong đó, có khoảng 200 dự án FDI đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với khoảng 12.800 lao động.
Dù gặp phải khó khăn, thách thức không hề nhỏ, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng đã chung sức, đồng lòng và đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh trân trọng sự đồng hành quý báu đó và khẳng định rằng thành quả chống dịch đạt được của tỉnh là thành quả của nhân dân, trong đó, có các doanh nghiệp FDI.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được trao đổi với phóng viên trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty TNHH Din Sen Việt Nam trên địa bàn huyện Bến Lức. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Vừa qua, có cơ quan truyền thông quốc tế cho rằng một số thương hiệu lớn có ý định chuyển dịch sản xuất ra khỏi Việt Nam? Bí thư nhìn nhận thế nào về thông tin này?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được: Theo tôi, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, trong khi các thương hiệu lớn, các tập đoàn đa quốc gia có chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ trên phạm vi toàn cầu ít nhiều bị ảnh hưởng, do đó tâm lý muốn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Việt Nam là có thể . Tuy nhiên, đó mới chỉ là tâm lý vì để thực hiện dịch chuyển sản xuất sang nước khác, khu vực khác cũng cần các điều kiện cụ thể và thời gian; trong khi với biến chủng COVID-19 thì tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới cũng đang hết sức phức tạp.
Với các chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược vaccine hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Thành quả đạt được trong phòng, chống dịch của Việt Nam hiện nay sẽ tạo niềm tin để các doanh nghiệp FDI tiếp tục hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Song song đó, Chính phủ cũng đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có các kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tôi tin chắc rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các thương hiệu lớn, các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sẽ được phục hồi và tiếp tục có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Long An là nơi có các nhà máy gia công cho hãng Nike - thương hiệu được một số cơ quan truyền thông quốc tế dẫn lời cho rằng có ý định dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Hiện hoạt động của các nhà máy này như thế nào, thưa Bí thư?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được: Hiện có 9 đơn vị gia công cho hãng Nike đặt tại Long An, trong đó 6 đơn vị đã hoạt động sản xuất trở lại, 3 đơn vị còn lại có kế hoạch tái sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động trong những ngày tới. Như vậy, các đơn vị này sẽ vẫn đảm bảo làm đối tác gia công sản xuất cho Nike. Đồng thời, cũng không loại trừ một số doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh sẽ xúc tiến, làm đối tác của Nike trong thời gian tới.
Hiện Long An đã có kế hoạch xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19, tạo cầu nối để các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất kinh doanh được thuận lợi kết nối với nhau, tìm kiếm cơ hội. Hoạt động này sẽ được triển khai thông qua các hiệp hội của tỉnh, hiệp hội của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thông qua kênh hỗ trợ của VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương…
Nhân đây, thay mặt lãnh đạo tỉnh Long An, tôi xin nhắn gửi đến các doanh nghiệp FDI đã, đang hoặc chuẩn bị đầu tư tại Long An rằng những khó khăn trong thời gian qua chỉ là nhất thời. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tỉnh Long An sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất (về đất đai, hạ tầng hỗ trợ, lao động, thủ tục…) để hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Long An.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tỉnh có những hỗ trợ gì cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp FDI, thưa Bí thư?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được: Vừa qua, Long An đã luôn đồng hành, lắng nghe và có nhiều hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn chịu sự tác động của dịch bệnh COVID-19, trong đó có doanh nghiệp FDI.
Ngày 13/9 vừa qua, tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trên nguyên tắc từng bước nới lỏng giãn cách và mở rộng dần phạm vi sản xuất đối với các doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, sản xuất hàng thiết yếu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp FDI.
Đồng thời, quy định cụ thể về điều kiện sử dụng người lao động khi đảm bảo yêu cầu tiêm vaccine, việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”.
Theo đó, doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện của đơn vị mình, tỉnh sẽ thẩm định, phê duyệt và kiểm tra khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Ngoài ra, các sở, ngành của tỉnh đã được yêu cầu phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, đảm bảo nguyên tắc “nhanh nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiệt hại, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với tiêm chủng vaccine, tỉnh nhất quán chủ trương ưu tiên tiêm cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI; đây được xem là vấn đề “then chốt” để các doanh nghiệp bảo đảm sản xuất, sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Đến nay, tỉnh đã tiêm phủ mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi và đang triển khai hoàn thành tiêm mũi 2 trong tháng 10, trong đó, công nhân là đối tượng được ưu tiên tiêm mũi 2 sớm nhất.
Theo kế hoạch, người lao động được di chuyển để tham gia sản xuất theo điều kiện “thẻ xanh, thẻ vàng” (tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày được di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong tỉnh, tiêm 1 mũi sau 14 ngày được di chuyển trong huyện).
Song song với đó, tỉnh tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ; quan tâm chăm lo, hỗ trợ cho công nhân khó khăn để chia sẻ, giảm bớt áp lực để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Thời gian qua, mọi chi phí phòng, chống dịch đều do Chính phủ và các địa phương trong nước chi trả, nhưng nguồn lực của Việt Nam có hạn. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp FDI cũng đã thấu hiểu và cảm thông sâu sắc điều này.
Trong khả năng có thể, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ hết sức mình trên tinh thần là không cầu toàn, không chủ quan nhưng cũng không nóng vội, đảm bảo phương châm “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm “trung tâm phục vụ”, là “chủ thể”, là “pháo đài” trong phòng, chống dịch.
Trong thu hút đầu tư nước ngoài, kế hoạch của Long An tới đây là gì, thưa Bí thư?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được: Long An luôn xác định nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách là một động lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, thời gian tới, tỉnh đặt ra 6 nội dung quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, Long An nhận thức phải bắt đầu từ quy hoạch và tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh; tạo ra định hướng, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư, nhất là FDI.
Thứ hai, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để gia tăng quỹ đất sạch kêu gọi, tiếp nhận đầu tư; có giải pháp bình ổn giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Thứ ba, tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối tỉnh Long An với TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông qua việc thực hiện Chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ tư, tiếp tục cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định; giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”.
Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua thực hiện Chương trình đột phá đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Trên cơ sở thành quả chống dịch COVID-19 đạt được cùng với việc triển khai mạnh mẽ các chiến lược thu hút đầu tư, tin rằng Long An sẽ từng bước vươn lên, trở thành “điểm sáng”, “địa chỉ đỏ” với môi trường “an toàn, thân thiện, hấp dẫn” để doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đầu tư, hợp tác, gắn bó lâu dài.
Trân trọng cảm ơn Bí thư!
Mạnh Hùng