Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Năm 2018, với 70,36 điểm trên thang điểm 100, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng PCI.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long chia sẻ về kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Trong năm vừa qua, có 60% doanh nghiệp (DN) trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết, thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Đây là con số cao nhất cả nước.
Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp, các nhà đầu tư khá hài lòng là thủ tục hành chính đất đai, có 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong vòng 2 năm qua tại đây không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia tư vấn nước ngoài. Và vấn đề quyết định để hiện thực được chiến lược này, tỉnh đã hướng đến thu hút cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân .
Mỗi năm, tỉnh đều nhìn nhận lại các chỉ số đã đạt được và chưa đạt được để đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp qua mỗi năm công bố PCI nhằm cải thiện bằng những biện pháp cụ thể.
Lãnh đạo Quảng Ninh chia sẻ, có được thành quả này là nhờ sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của cả cộng đồng doanh nghiệp.
Quảng Ninh duy trì thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, thành phố.
Các doanh nghiệp đánh giá, môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang thay đổi theo hướng minh bạch hơn. Báo cáo khảo sát PCI cho biết, chỉ 53% doanh nghiệp cho biết cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh, đây là con số thấp nhất so với các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, năm 2018, tỉnh tiếp nhận 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn, tăng 11,4% so với năm trước.
“Về đầu tư công tư trong đầu tư hạ tầng, năm 2018 đã khánh thành đường cao tốc nối Hải Phòng và TP Hạ Long, khai trương cao tốc Hạ Long - Vân Đồn trong đó, đáng chú ý là 3/4 nguồn lực là vốn tư nhân, chỉ dùng ít vốn ngân sách”, lãnh đạo Quảng Ninh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh đã có sự phối hợp đồng bộ trong triển khai các chỉ đạo điều hành về việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh.
![]() |
Đại diện các địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp hạng cao . Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Đại diện địa phương duy trì chỉ số PCI xếp hạng cao trong nhiều năm, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, liên tục trong nhiều năm cả hệ thống của địa phương đã vào cuộc, đồng hành với DN, xem DN là động lực để phát triển.
“Lãnh đạo tỉnh luôn xác định, dư địa để cải cách vẫn còn, do đó sẽ dựa vào kết quả PCI để rà soát, tìm ra những giải pháp để cải thiện hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Văn Dương nhìn nhận.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, đánh giá, ở địa phương việc cải thiện thủ tục hành chính đã giúp hoạt động của DN thuận lợi hơn rất nhiều, nhưng với các DN mới thành lậpvẫn thiếu thông tin.
Do đó, các doanh nghiệp muốn lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo xuống các sở, ngành, huyện, thị… đặc biệt là những chuyên viên, cá nhân chưa có sự chia sẻ, cảm thông với DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim cho rằng, về tổng thể đã có sự tiến bộ, nhưng ở đâu đó cấp cơ sở cần sự cải tiến hơn, tận tình hơn, đáp ứng kịp thời hơn cho DN.
“Thủ tục hành chính chỉ có 2 vấn đề, đó là thời gian trả lời và cách giải quyết. Các cơ quan hành chính trả lời càng sớm thì giúp DN càng bứt phá nhanh trong con đường hoạt động kinh tế. Trả lời doanh nghiệp càng kịp thời, rành rọt thì giải quyết vấn đề càng được hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Cây nhấn mạnh.
Trong bảng xếp hạng năm nay, đáng chú ý, thủ đô Hà Nội lần đầu lọt vào nhóm 10 địa phương được đánh giá cao về môi trường kinh doanh. Thủ đô đã vượt khỏi nỗi ám ảnh "Hà Nội không vội được đâu" để tiến lên phía trước.
Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng nhiều hơn về việc nâng cao tính minh bạch thông tin, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng...
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên các chỉ số của Hà Nội vẫn đang dừng ở mức trung bình. Do đó, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục lọc ra các chỉ số cụ thể để xây dựng từng chương trình phù hợp, đặc biệt ưu tiên việc nâng cao những chỉ số trung bình và còn thấp.
Để cải thiện chỉ số tính minh bạch trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Nam cho biết, các sở ngành của Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai những mô hình đối thoại chính quyền - doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn của TP.
Đặc biệt, chính quyền thành phố luôn chú trọng lựa chọn các vấn đề được doanh nghiệp quan tâm như đất đai, quy hoạch, thuế, hải quan... để tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc một cách kịp thời.
Việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp sẽ được chính quyền tiếp tục đẩy mạnh để không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp cải thiện những điểm còn thiếu sót.
Hơn nữa, việc xây dựng kế hoạch duy trì mở rộng xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện trên hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ là một trong những công cụ cải thiện tính minh bạch.
Thành phố sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt 80%, và triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Đánh giá về các môi trường kinh doanh các địa phương, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển trong thời gian tới của doanh nghiệp.
Anh Minh