Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) thông tin với báo chí. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Nhấn mạnh về mục đích sửa ban hành 10 Nghị định mới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Để thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế NK trong các Hiệp định Thương mại tự do các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018-2022/2023, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018.
Việc Chính phủ ban hành các Nghị định này nhằm bảo đảm tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp, đối với hàng hóa NK áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa NK trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế kèm theo các Nghị định. Còn mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm NK, số lượng NK hằng năm theo quy định của Bộ Công Thương.
Các Nghị định này cũng bổ sung quy định về các chú giải và quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa thực hiện theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam…
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN 2017 (gọi tắt là AHTN 2017), Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC về Danh mục hàng hóa XK, hàng hóa NK Việt Nam theo AHTN 2017. Chính phủ cũng ban hành Nghị định mới ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA giai đoạn 2018-2022 trên cơ sở AHTN 2017.
Danh mục AHTN 2017 gồm 10.813 dòng hàng ở cấp độ 8 số. So với Danh mục AHTN 2012, Danh mục AHTN 2017 đã tăng lên 1.255 dòng, giữ nguyên mô tả và mã số của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã, chuyển mã và mở dòng với mô tả mới là 2.321 dòng. Theo đó, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt cũng thay đổi tương ứng về số dòng thuế và một số mức thuế suất do bị gộp dòng thuế, chuyển mã và mở dòng thuế mới.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ Tài chính đã đánh giá tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập và kết quả là có giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng “ảnh hưởng không nhiều”. Điều này thể hiện qua các chỉ số trong dự toán ngân sách năm đã được công bố công khai.
Đại diện Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Tài chính cho rằng, yêu cầu chính của việc ban hành 10 Nghị định này chủ yếu xuất phát từ việc thay đổi danh mục, trong đó có khoảng 5% dòng thuế có sự thay đổi thuế suất, 5% điều chỉnh do ảnh hưởng chuyển đổi AHTN. “Vì vậy, sự tác động đối với thu NSNN của việc thay đổi lần này không nhiều như khi ban hành các Biểu thuế năm 2016, mức giảm thu rất ít nói cách khác là gần như không có tác động.” ông Phạm Anh Tuấn nói.
Về lo ngại ảnh hưởng sản xuất trong nước và gia tăng nhập siêu, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc cắt giảm các loại thuế suất và thuế đặc biệt đã được thực hiện nhiều năm nay và phương thức cắt giảm là có lộ trình từng bước, bảo đảm thực hiện các cam kết và không gian phát triển sản xuất trong nước. Các quy định điều chỉnh cũng được Bộ Tài chính lấy ý kiến doanh nghiệp đầy đủ. Việc nhập siêu do nhiều lý do, ví dụ Hàn Quốc là nước đầu tư FDI nhiều vào Việt Nam, rất cần nhập khẩu các nguyên vật liệu, đầu tư ban đầu, tư liệu sản xuất, dẫn đến nhập siêu lớn. Về lâu dài, để khắc phục việc nhập siêu Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương nghiên cứu về vấn đề này. Bộ Công thương sẽ có các đánh giá tổng thể, bao quát hơn các thành tố tác động, mà thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố.
Về tác động tới một số mặt hàng người dân quan tâm như ô tô, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, khi thuế NK trong ATIGA về 0% từ 1/1/2018, nếu các thành tố khác để tính giá bán được giữ nguyên mà thuế giảm thì sẽ góp phần giảm giá bán. Tuy nhiên, thực tế có giảm hay không thì cần phải có những đánh giá tổng thể chứ không thể chỉ căn cứ vào thuế NK được.
Danh sách 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA bị thay thế
1. Nghị định số 125/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế giai đoạn 2016-2019
2. Nghị định số 126/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2016-2018
3. Nghị định số 127/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand giai đoạn 2016-2018
4. Nghị định số 128/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2016 – 2018
5. Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018
6. Nghị định số 130/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2016-2018
7. Nghị định số 131/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2016-2018
8. Nghị định số 132/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Chile giai đoạn 2016-2018
9. Nghị định số 133/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2016-2019
10. Nghị định số 137/2016/NĐ-CP ngày 29/9/2016 của Chính phủ về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á-Âu và các nước thành viên giai đoạn 2016-2018.
Huy Thắng