Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT, tổ chức chiều 22/12. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Theo báo cáo của Bộ, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT&TT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020); trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI), từ vị trí 50 năm 2018 lên vị trí 25 của năm 2020. Năm 2021, số tên miền quốc gia “.vn” đạt 544.361 tên miền, tăng 5,2% so với năm 2020, thuộc top 11 Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Xếp hạng chỉ số phát triển Viễn thông IDI của Việt Nam ước tính xếp 74/176 quốc gia (tăng 3 hạng so với năm 2020).
Đặc biệt, năm 2021, doanh thu các doanh nghiệp trong ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6-4,5 lần so với mức dự báo tăng trưởng 2%-2,5% GDP của quốc gia.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một làn sóng chuyển đổi số trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước.
Chính trong quá trình chuyển đổi số này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số Việt Nam để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Công tác truyền thông, báo chí đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tuyên truyền cách làm đúng, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm tử tế, đúc kết, khái quát những bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên...
Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực viễn thông, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong năm 2021, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông cũng bị ảnh hưởng. Lợi nhuận năm 2021 giảm 22,8% so với năm 2020.
Tình trạng sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo vẫn còn tồn tại do một số doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật, thực thi giải pháp khắc phục chưa triệt để.
Trước những thay đổi của khoa học, công nghệ và đặc biệt là việc triển khai thực hiện mạnh mẽ chương trình Chuyển đổi số quốc gia, một số quy định của pháp luật tại Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện đã bộc lộ một số bất cập cần phải được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung thêm các quy định mới để bảo đảm phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Đối với lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa đạt tới mục tiêu đề ra. Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước chưa thực sự thuận tiện; một số cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước và mở dữ liệu để phục vụ tổ chức, cá nhân tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế...
Về an toàn thông tin mạng, trong năm 2021, vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân từ các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Số lượng doanh nghiệp được cấp phép mới trong năm còn hạn chế do việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm an toàn thông tin mạng cho thị trường cần phải đáp ứng yêu cầu theo quy định...
Trong năm 2022, riêng lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đặt nhiệm vụ tập trung sửa đổi Luật Viễn thông, theo đó đưa các điều khoản, bổ sung các quy định hoàn thiện khung pháp lý với trọng tâm là thúc đẩy hạ tầng số trong giai đoạn mới; bảo đảm chính sách quản lý theo kịp với sự phát triển của thị trường; tháo gỡ các rào cản trong đầu tư, tạo điều kiện thị trường phát triển; thực hiện đấu giá băng tần để triển khai mạng di động 4G, 5G; triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Viet Nam từ năm 2022; xây dựng các cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý, giám sát hoạt động triển khai Mobile Money; triển khai đấu giá tên miền “.vn”...
Bộ TT&TT cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ có các chính sách và biện pháp tiếp tục tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng phát triển hoàn thiện các chủng loại sản phẩm, các doanh nghiệp tham gia thị trường an toàn thông tin mạng.
Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Trong lĩnh vực kinh tế số, Bộ sẽ triển khai chiến lược kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp thông qua chương trình SMEdx, đề án xác định chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp và hệ thống nền tảng đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp; triển khai các giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số...
Hiền Minh