• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Nội dung Tọa đàm trực tuyến 'Thái Nguyên, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư'

(Chinhphu.vn) - Sáng ngày 20/6, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thái Nguyên, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư”.

29/06/2018 15:52

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên; tiếp tục quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách đầu tư của tỉnh đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo diễn đàn gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền tỉnh với các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế; huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để phát triển nhanh và bền vững.

Chương trình có sự tham gia của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên.

Tại cuộc làm việc gần đây nhất với Thái Nguyên, ngày 19/4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ đạo: Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, Thái Nguyên cần quan tâm hơn nữa đến việc thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đến đầu tư, kinh doanh. Tỉnh thực hiện ý kiến chỉ đạo này như nào, trong khi đã đến rất sát ngày tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh?

Ông Vũ Hồng Bắc: Trong những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên có những kết quả đáng phấn khởi, có bước phát triển đột phá đặc biệt là về kinh tế phát triển nhanh và có tính bền vững. Sở dĩ có kết quả như vậy là do Thái Nguyên đã coi trọng phục vụ của chính quyền địa phương; lấy người dân, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của chính quyền. Chúng tôi coi trọng tạo lập môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh.

Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của tỉnh luôn luôn đạt cao, tăng gần gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước; giá trị công nghiệp của tỉnh đạt gần 600.000 tỷ năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, người dân có thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển địa phương. Muốn phát triển phải có doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng quan trọng, quyết định sự thành công của sự phát triển. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân ở Thái Nguyên là lực lượng có sức mạnh lớn, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ. Chúng tôi luôn coi trọng, luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Thái Nguyên trong những năm qua là tạo môi trường đầu tư tốt nhất để doanh nghiệp có cơ hội đầu tư phát triển. Chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn luôn cam kết tạo mọi điều kiện để đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp. Có thể thấy rằng sự đầu tư đối với Thái Nguyên hiện nay đã được doanh nghiệp, cộng đồng doanh nhân Việt Nam và nước ngoài ghi nhận, đó là một trong những thành tích nổi bật trong thời gian vừa qua đối với Thái Nguyên.

Ông vừa nhắc đến thành công của việc thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đó là sự tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, thông thoáng, tin cậy cho nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng; và tầm nhìn quy hoạch ổn định. Thái Nguyên giải quyết 3 vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên luôn coi trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư theo quy hoạch, đặc biệt coi trọng chất lượng quy hoạch. Địa phương nào quy hoạch tốt thì giá trị địa tô đó sẽ tăng và đầu tư có tính bền vững cao. Thái Nguyên là một trong những địa phương quan tâm nhiều đến hạ tầng đồng bộ theo hướng tạo điều kiện liên kết công nghiệp gắn với nông nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ. Chúng tôi cũng coi trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ số PCI luôn luôn được Thái Nguyên quán triệt một cách đầy đủ đến các ngành, các địa phương và coi đây là một trong những chỉ tiêu thi đua đối với các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt. Chúng tôi thường xuyên làm việc và báo cáo với Chính Phủ, phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thái Nguyên. Tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn luôn coi trọng năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số quản trị hành chính công, chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, quan tâm đến đầu tư hạ tầng cơ sở, sự quyết tâm trong chỉ đạo của các cấp chính quyền. 

Thưa ông, công tác giải phóng mặt bằng ở Thái Nguyên có gặp nhiều khó khăn không?

Ông Vũ Hồng Bắc: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn luôn là một trong những điểm mấu chốt trong quá trình thu hút đầu tư, ở đâu làm tốt công tác GPMB quan tâm đến đất đai, thủ tục hành chính, lợi ích của người dân, giảm chi phí thời gian, đặc biệt là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thì ở đó sẽ có dự án tốt, sẽ có hiệu quả và sẽ thu hút được các nguồn lực cho sự phát triển. Thái Nguyên có nhiều kinh nghiệm trong GPMB, đặc biệt Samsung vào Thái Nguyên là minh chứng chứng tỏ địa phương đã chú trọng giải quyết tốt công tác GPMB. Trong thời gian ngắn GPMB được hàng trăm ha đất, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Trong quá trình tổ chức xúc tiến đầu tư thì phải coi công tác GPMB là một trong những khâu, là một điểm nhấn. Làm tốt công tác GPMB thì sẽ có hiệu quả trong quá trình thu hút đầu tư.

Thưa ông Thời, thủ tục hành chính từ lâu đã trở thành mối quan tâm của các nhà đầu tư, sự rườm rà của thủ tục, sự nhũng nhiễu của cán bộ một số cơ sở và những chi phí không chính thức đôi khi làm nản lòng nhà đầu tư... Là một doanh nghiệp nhiều năm kinh doanh ở Thái Nguyên, ông có nhận xét như thế nào về vấn đề cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền ở Thái Nguyên?

Ông Nguyễn Văn Thời: Về mặt thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền liên quan đến môi trường sản xuất kinh doanh cũng như môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp thì đã được VCCI đo lường thông qua chỉ số chi phí thời gian, thông qua phiếu khảo sát doanh nghiệp hằng năm VCCI đã gửi cho doanh nghiệp. Về chỉ số này, Thái Nguyên trong những năm vừa qua đều xếp trong top 10, chứng tỏ thủ tục hành chính đã được các doanh nghiệp hài lòng và đánh giá cao. Về những cải cách cụ thể của từng ngành, ví dụ như ngành thuế của Việt Nam nói chung, ngành thuế của Thái Nguyên nói riêng trong mấy năm qua tích cực cải cách thủ tục hành chính. Liên quan đến thủ tục kê khai thuế, thủ tục nộp thuế, thủ tục hoàn thuế đều thông qua điện tử, việc này đã giúp cho doanh nghiệp giảm được 2/3 thời gian. Việc thông qua điện tử giúp các doanh nghiệp không phải tiếp cán bộ thuế nên những cái nhũng nhiễu phiền hà về thuế đã giảm đi một cách rõ rệt, đó là cải cách rất tốt. Thứ 2 đối với ngành kế hoạch và đầu tư, trong năm qua cũng đã áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đăng ký kinh doanh điện tử, giúp cho doanh nghiệp giảm được thời gian đi, thủ tục đăng ký kinh doanh còn có 2 ngày, thủ tục cấp phép đầu tư xuống còn có 15 đến 20 ngày, giảm so với quy định của pháp luật rất nhiều. Về thủ tục hải quan, ngành hải quan cũng rất tích cực cải thiện, nộp thuế, kê khai thuế và kê khai thủ tục hải quan đều thông qua điện tử giúp giảm thời gian. Thời gian thông quan của một lô hàng bây giờ còn 70 đến 80 giờ như vậy cũng là thủ tục rất tốt. Và tiếp nữa, việc cấp quyền sử dụng đất trước đây rất phiền hà, bây giờ ngành tài nguyên và môi trường cũng thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Thời gian để doanh nghiệp nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có 24 ngày, giảm được 20% so với quy định của pháp luật. Chỉ cần một vài con số như vậy cho thấy các cấp lãnh đạo của tỉnh cũng ra sức chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Các ngành đã tích cực cải thiện cho nên doanh nghiệp cũng đã nhận thấy và đánh giá rất tốt, thể hiện thông qua phiếu khảo sát. Doanh nghiệp rất hài lòng về các thủ tục hành chính trong mấy năm qua mà tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện.

Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm bớt việc thanh tra, kiểm tra đến các doanh nghiệp, ở Thái Nguyên có tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đến các doanh nghiệp và để làm phiền đến doanh nghiệp không?

Ông Vũ Hồng Bắc: Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng, tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành văn bản chỉ đạo đồng thời ngành thanh tra của tỉnh cũng ban hành văn bản hướng dẫn để cho tất cả các cấp ngành, tất cả các ngành muốn thanh tra đến doanh nghiệp đều phải gửi quyết định đến ngành thanh tra để tổng hợp. Ngành thanh tra cũng đã kiểm soát được việc thanh tra của các cấp, các ngành có bị chồng chéo hay không, đặc biệt các doanh nghiệp cũng đã có hội thảo tọa đàm với ngành thanh tra. Ngành thanh tra đề nghị nếu như doanh nghiệp nào bị các ngành đến thanh tra 2 lần trong một năm thì sẽ báo lại, cho đến bây giờ thì tỉnh Thái Nguyên kiểm soát rất tốt việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.

Thưa ông Lộc, ông vừa lắng nghe trao đổi của Chủ tịch UBND tỉnh và  ý kiến của doanh nghiệp, về phía ông, ông nhận xét và góp ý thế nào về công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách đối với doanh nghiệp ở Thái Nguyên trong những năm gần đây?

Ông Vũ Tiến Lộc: Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều tiến bộ trong lĩnh vực này, hiện nay Thái Nguyên xếp trong nhóm 15 của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là 1 trong 2 tỉnh đứng đầu trong các tỉnh phía Bắc, Thái Nguyên là 1 trong 2 tỉnh có số doanh nghiệp và số hộ kinh doanh tốt nhất của 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đó phản ánh về chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt vừa qua tỉnh Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh có mức đầu tư nước ngoài cao và là tỉnh được công ty hàng đầu trên thế giới như Samsung lựa chọn là đại bản doanh. Ở Thái Nguyên, các doanh nghiệp đánh giá cao các thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai. Muốn đạt được chỉ số tiếp cận đất đai thì cần có tầm nhìn quy hoạch nhất quán, Thái Nguyên đã làm được điều đó. Tôi thấy tính năng động của chính quyền địa phương cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao, chi phí thời gian, chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực ở Thái Nguyên được đánh giá rất cao. Ngoài ra Thái Nguyên được các doanh nghiệp đánh giá cao về sự an toàn, sự yên tâm trong đầu tư kinh doanh. Yếu kém của thể chế pháp lý đang là nỗi lo của doanh nghiệp nhưng ở Thái Nguyên thì lại khác. Vấn đề thanh tra, kiểm tra cũng có những tiến bộ nhưng vẫn có hiện tượng thanh tra, kiểm tra chồng chéo.Theo khảo sát của chúng tôi, PCI năm 2017 vẫn có trường hợp 4 đến 5 đoàn kiểm tra trong một năm nhưng trường hợp đó thì ít. Điều các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trông mong là chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp có các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện nhất quán chính sách của địa phương, làm sao những người lãnh đạo đứng đầu của tỉnh đến các công chức chuyên viên của các sở ngành, quận huyện, thậm chí cấp xã, phường có thể nhất quán. Thường là có tình trạng các đồng chí lãnh đạo thì rất quyết liệt nhưng ở cấp thi hành thì chưa phải là như vậy. Trong cải cách thủ tục hành chính phải làm gì để những chủ trương tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, chủ trương phục vụ doanh nghiệp có thể trở thành hành động hàng ngày của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở, đó là một bài toán khó nhất của các cấp lãnh đạo, Thái Nguyên không phải là một ngoại lệ. Thái Nguyên cũng là tỉnh rất tích cực trong thực hiện nhất quán chủ trương. Trong việc thực hiện PCI Thái Nguyên có một câu chuyện đi vào lịch sử PCI cả nước khi Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong việc này, chưa thực sự hợp tác trong việc thúc đẩy cải thiện chỉ số PCI, đồng chí đó đã bị thuyên chuyển công tác. Thuyên chuyển công tác vì PCI của nước ta bắt đầu từ Thái Nguyên, hiện nay thì nhiều địa phương thực hiện.

Qua chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta thấy rằng đôi khi môi trường đầu tư ở một số nơi thường chỉ thông thoáng ở các cấp lãnh đạo cấp trên, còn khi triển khai xuống thì cán bộ cấp dưới lại gây khó khăn, nhũng nhiễu; đó là câu mà mọi người đã tổng kết: “trên rải thảm, dưới rải đinh”, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Ông có thể nói rõ hơn ở Thái Nguyên có tình trạng này không?

Ông Vũ Hồng Bắc: Trước hết tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, một người rất quan tâm đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, cũng như doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên. Chúng tôi cũng chia sẻ những suy nghĩ từ thực tiễn của ông Nguyễn Văn Thời, đó là những suy nghĩ xuất phát từ thực tiễn, nó nói lên bức tranh tổng thể, đồng bộ và chính xác từ địa phương. Tôi cũng khẳng định thêm là sự điều hành của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có những tiến bộ, nhưng chỉ là bước đầu, còn những việc chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là sự đổi mới. Qua thanh, kiểm tra chúng tôi còn bộc lộ sự chồng chéo và nói như ông Vũ Tiến Lộc, còn những địa phương số lượng thanh tra trên 1 đơn vị, doanh nghiệp không chỉ 1 lần/ năm.

Tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị thực hiện chỉ  đạo của Thủ tướng, tình trạng này hiện nay đang có cải thiện rất rõ ràng. Chúng tôi phê phán những biểu hiện cản trở sự phát triển, đặc biệt là hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Chúng tôi luôn luôn đề cao sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực đối với các loại hình doanh nghiệp, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực. Chúng ta vinh danh, suy tôn những doanh nghiệp, doanh nhân điển hình tiên tiến, đóng góp nghĩa vụ tốt với Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động.

Ngày 21/6, tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt, biểu dương gần 200 doanh nghiệp có tinh thần yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách đối với tỉnh Thái Nguyên. Đây là việc làm thường niên, là một biện pháp hiệu quả trong thời kỳ chúng ta đang đẩy mạnh thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Thái Nguyên luôn luôn đồng hành hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích thu hút tập hợp, tăng thêm nguồn lực mời gọi các nhà đầu tư có năng lực có uy tín có năng lực đến Thái Nguyên để sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi luôn đề cao đạo đức công vụ, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư. Tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đối với Thái Nguyên không còn nhưng tình trạng ỉ lại, trông chờ, thờ ơ vô cảm của một số cán bộ công chức, đặc biệt là ở những bộ phận có liên quan đến các thủ tục và ở cơ sở (xã, phường) vẫn còn diễn ra.

Hiện nay, chúng tôi đang khuyến khích các địa phương như: Thành phố Thái Nguyên, đô thị loại 1, thành phố  động lực của tỉnh; thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và các huyện, kể cả huyện vùng cao Võ Nhai, huyện miền núi Định Hóa. Chúng tôi đang khuyến khích sự phát triển đồng đều ở các lĩnh vực như: Đô thị văn minh, nông thôn mới… Chúng ta không đề cao đạo đức công vụ thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển, rào cản. Khi doanh nghiệp mất niềm tin vào chính quyền chúng ta phải trả giá không những 5 năm, 10 năm...

Trong thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa chính quyền tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam luôn nhắc nhở chúng tôi phải thông thoáng, minh bạch, giảm các chi phí trung gian và các chi phí không chính thức. Chúng tôi đang làm từng bước, Thái Nguyên đang nằm trong số 15 tỉnh có sự tiến bộ về PCI, là 1 trong 2 tỉnh có chỉ số tốt nhất miền Bắc. Chúng tôi khẳng định trong các chỉ số, chỉ số về PCI phải là đầu tiên. Suy cho cùng, cán bộ là gốc của mọi công việc, đòi hỏi cán bộ có năng lực, tận tụy, tài năng.

Thưa ông Bắc, chính quyền tỉnh Thái Nguyên có quan điểm là không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, tạo ra sự công bằng nhất. Nhưng nhiều nơi có ý kiến rằng các doanh nghiệp FDI luôn được ưu ái hơn so với doanh nghiệp trong nước, thậm chí chi phí không chính thức cũng được ưu ái hơn. Về vấn đề này, ông có thể nói thêm không ạ?

Ông Vũ Hồng Bắc: Về vấn đề này, chúng ta phải có sự rạch ròi, cái gì là cơ chế chính sách của Nhà nước, luật pháp hiện hành quy định thì chúng ta phải chấp hành. Ví dụ, đối với doanh nghiệp FDI, ngoài thực hiện chính sách chung cũng có những chính sách Chính phủ ưu đãi. Công ty Samsung đến với Thái Nguyên, Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, áp dụng cả với công ty ở Bắc Ninh. Thái Nguyên sẽ thu thuế thu nhập của Samsung từ năm nay. Còn quan điểm chung của chúng ta là đối xử bình đẳng, tạo mọi cơ hội bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực về đất đai, tín dụng, thông tin truyền thông, thuế, hải quan. Nhưng thuộc 2 phía, về phía chính quyền phải nhất quán, về phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bộc lộ những yếu kém, tụt hậu như năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, năng lực tài chính, kỹ năng điều hành… so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến với Thái Nguyên.

Chúng tôi luôn khuyến khích doanh nghiệp không được thua ở trên sân nhà, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của các doanh nghiệp. Về quan điểm chung, chúng ta phải đối xử bình đẳng, tổ chức nhiều cuộc làm việc để tạo cú hích cho doanh nghiệp địa phương phát triển. Nói thêm là khi các doanh nghiệp FDI vào Thái Nguyên (hiện nay chúng tôi có 130 doanh nghiệp FDI), nhất là Công ty Samsung có hơn 70.000 lao động, trong đó có 21.000 lao động Thái Nguyên, còn lại là các tỉnh khác. Đây cũng là cơ hội tốt, ngoài giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước, cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam học hỏi kinh nghiệm của Samsung. Chúng tôi thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp. Hằng tháng, quý đều có họp kiểm điểm, đánh giá những việc đã làm, những gì chưa tốt, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục yếu kém.

Thưa ông Vũ Tiến Lộc, ông có nhận xét gì về ý kiến vừa rồi của ông Bắc không ạ?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi rất chia sẻ với những ý kiến của ông Bắc. Trước hết là sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ngoài nước và sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân về sự thiếu bình đẳng là có thật. Điều này trước hết xuất phát từ những chủ trương, chính sách của chúng ta, thực sự là ưu đãi các doanh nghiệp lớn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này chúng tôi đã kiến nghị và chắc chắn trong thời gian tới có sự điều chỉnh, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp trong nước. Đấy sự cần thiết phải làm.

Thứ hai là đối với chính quyền địa phương, có tâm lý “sính ngoại” hơn, coi trọng FDI. Lý do là khi một doanh nghiệp FDI vào giải quyết nhiều lao động hơn, như một công trường lớn. Nhưng có lẽ tư duy như vậy cần được thay đổi ở mọi cấp chính quyền, phải đặt vấn đề phát triển khu vực tư nhân trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải là trọng tâm trong chính sách phát triển của chúng ta. Các doanh nghiệp lớn có thể tự  bươn chải, trụ vững, hội nhập, phát triển. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ sức như vậy. Họ cần có sự trợ giúp của chính quyền, của Hiệp hội Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao giờ cũng có đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển, đảm bảo phát triển bao trùm, gắn liền với an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nên gốc rễ của sự phát triển mỗi địa phương, mỗi nền kinh tế là sự phát triển tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này, mỗi chính quyền địa phương cần có hành xử, thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy khu vực kinh tế nội địa của chúng ta.

Riêng đối với Samsung, tôi rất hoan nghênh tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, tháo gỡ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Samsung chọn Thái Nguyên vì họ thấy tỉnh có tiềm năng phát triển rất lớn, có vị trí địa kinh tế rất quan trọng, địa điểm giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực tốt nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc, có trung tâm đào tạo lớn. Thái Nguyên đang xây dựng mô hình chính quyền kiến tạo, phục vụ và hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng có lẽ một điều là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với Thái Nguyên là sự phát triển mạnh mẽ của FDI. Nếu chúng ta biết tận dụng sự lan tỏa của FDI thì sẽ rất tốt. Nhưng nếu chính sách không tốt thì FDI sẽ chèn ép sự phát triển của những doanh nghiệp nội địa. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với Samsung để Samsung và các doanh nghiệp nước ngoài phải bắt tay với những doanh nghiệp nội địa, dành quỹ giúp đào tạo những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Nguyên có thể lớn lên, tạo thành môi trường cộng sinh giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ phải có trách nhiệm hơn về vấn đề này, giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Tôi nghĩ đấy là cơ hội bứt phá cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Nguyên trong thời gian tới.

Thái Nguyên là 1 trong 2 tỉnh thành phố trong 14 tỉnh ở phía Bắc có số lượng doanh nghiệp lớn nhất. Mỗi doanh nghiệp ở Thái Nguyên có 20 hộ kinh doanh cá thể, họ có thể trở thành những doanh nghiệp tiềm năng. Cần có sự hỗ trợ chủ động của chính quyền, của Hiệp hội Doanh nghiệp, gắn liền với các doanh nghiệp FDI, nâng cấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt chuẩn mực quốc tế; để có thể kết nối với Samsung.

Tôi rất tâm đắc với câu “giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có sự cộng sinh”. Vậy thưa ông Nguyễn Văn Thời, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, ông nghĩ thế nào về vấn đề này, làm thế nào phát triển bền vững sự cộng sinh như ông Vũ Tiến Lộc vừa nói?

Ông Nguyễn Văn Thời: Tôi hoàn toàn đồng ý và tâm đắc với ý kiến này. Chúng ta phải đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau để khai thác thế mạnh của nhau. Trong thời gian qua, giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương, dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, tỉnh thực hiện rất tốt điều này. Chúng tôi thường xuyên giao lưu, tọa đàm với nhau để tìm ra những vấn đề có thể hợp tác. Ví dụ như việc cung cấp lương thực thực phẩm cho Công ty Samsung, đồng thời một số phụ trợ khác cho công ty. Thông qua đó, các doanh nghiệp địa phương học tập được công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực quản trị. Chính vì vậy, trong những năm qua Thái Nguyên đã tăng trưởng vượt bậc, trong đó doanh nghiệp địa phương cũng tăng trưởng. Từ năm 2012 đến nay, bình quân tăng trưởng của doanh nghiệp địa phương là trên 50%, tăng cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước khi Samsung vào Thái Nguyên. Đấy là con số chứng minh cho việc học tập kinh nghiệm của doanh nghiệp FDI.

Để phát huy những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực, tỉnh Thái Nguyên mong muốn kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực nào thưa ông Vũ Hồng Bắc? Chúng ta phải có lĩnh vực then chốt để kêu gọi đầu tư một cách xác đáng và chính xác.

Ông Vũ Hồng Bắc: Xúc tiến đầu tư luôn gắn liền với tư duy và tầm nhìn của các cấp. Đối với Thái Nguyên, chúng tôi đã có những hoạt động trước hội nghị này. Chúng tôi coi đây là một hoạt động khởi sắc, làm kinh nghiệm cho các địa phương. Chúng tôi đã huy động xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp, doanh nhân thông qua VCCI. Chúng tôi được tiếp cận sớm, thậm chí có những nhà đầu tư có thứ hạng của thế giới, khu vực, trong nước. Tôi cho rằng phải luôn đổi mới phương thức, hình thức, nội dung.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự tham vấn của VCCI, đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn tất cơ bản các chương trình của một Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, 4 Tiểu ban giúp việc. Hiện nay đã hình thành được một danh sách, quyết định một danh mục các nhà đầu tư. Chúng tôi khuyến khích các lĩnh vực, đặc biệt là 4 lĩnh vực ưu tiên:

Thứ nhất là công nghiệp: Thái Nguyên vẫn xác định công nghiệp là một ngành kinh tế trọng điểm, trọng tâm, có tính chất nền tảng. Muốn như vậy chúng ta phải tiếp cận với nhà đầu tư có lợi thế. Tuy nhiên nền công nghiệp phải đảm bảo công nghệ cao, tiên tiến. Lựa chọn, mời gọi các nhà đầu tư đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực nhất. Chúng tôi hướng vào các khu công nghiệp, Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp, đã lấp đầy được 2 khu, còn lại 4 khu đang tiếp tục mở rộng và phát triển, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh, gồm Phổ Yên, Sông Công và Phú Bình đang hình thành vùng kinh tế trọng điểm. Ở đây có lợi thế về đất đai, lao động, giao thông đồng bộ, cách sân bay Nội Bài chỉ khoảng 30 phút, Hà Nội hơn 1 giờ. Thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực này để đưa vào khu công nghiệp.

Lĩnh vực thứ hai chúng tôi ưu tiên là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ: Hiện nay Thái Nguyên còn hạn chế, thậm chí hơi yếu về du lịch. Chúng tôi sẽ đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Vì Thái Nguyên là trung tâm của khu vực trung du miền núi phía Bắc, là 1 trong 10 tỉnh nằm trong vùng trọng điểm của thủ đô Hà Nội, có Hồ Núi Cốc, sông Cầu, thành phố đại học với 9 trường Đại học, 26 trường cao đẳng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; là trung tâm vùng lớn thứ 3 của cả nước, sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về giáo dục. Thái Nguyên sẽ phát huy lợi thế của hồ Núi Cốc, gắn với dãy núi phía Đông Tam Đảo, có điều kiện đất đai, khí hậu để hình thành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, gắn với văn hóa lịch sử ATK Định Hóa và thể thao, vui chơi, du lịch cuối tuần, du lịch học đường. Đây là ngành dịch vụ tổng hợp, nếu đầu tư tốt có lợi nhuận cao, bảo đảm lợi ích của người dân. Hiện nay có nhiều nhà đầu tư đến Thái Nguyên tìm hiểu cơ hội hợp tác, ví dụ như doanh nghiệp Xuân Trường, công ty Trường An, Sun Group, Vin Group, Tập đoàn FLC… Tôi tin lĩnh vực du lịch, đô thị thông minh, sinh thái gắn với du lịch nghỉ dưỡng sẽ tạo một điểm nhấn trong kết quả xúc tiến đầu tư lần này.

Thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp: Chúng tôi khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, có các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến việc dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, đất đồi trước đây của nông lâm trường quốc doanh. Chúng tôi đang quan tâm chuyển đổi cơ cấu để gắn với nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến kho đất đai, một trong những thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt là đất đồi rất thuận lợi cho việc trồng một số cây để xuất khẩu như cây dược liệu, cây dùng làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cho một số nước ở châu Âu; loại đất này cũng rất tốt cho chăn nuôi, một số cây củ, quả để phục vụ cho các nhà máy. Chúng tôi đang khuyến khích doanh nghiệp, người dân tạo ra giá trị hàng hóa tiêu chuẩn đưa vào các nhà máy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Làm tốt nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao thì ngay trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm tiêu thụ tốt. Như vậy, chúng ta có thể lo đầu ra cho người nông dân, phát huy hiệu quả đất đai, làm cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Một lĩnh vực ưu tiên nữa là phát triển đô thị, vì hiện nay Thái Nguyên đang có tốc độ phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Dân số ở đô thị tăng nhanh, quy hoạch gắn liền với đầu tư phát triển các khu dân cư liên quan đến hạ tầng đô thị đang là sức ép rất lớn đối với các cấp chính quyền tỉnh. Chúng tôi phải lo phát triển hạ tầng, viễn thông, điện, nước, đường giao thông, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở dịch vụ, thiết chế văn hóa có liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhu cầu đầu tư ở lĩnh vực này rất lớn, đòi hỏi phải có sự quy hoạch và ưu tiên thứ tự đầu tư. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh cũng thể hiện sự phát triển của một nền kinh tế của địa phương có công nghiệp, đô thị phát triển. Đây cũng là lĩnh vực chúng tôi ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị theo hướng văn minh, tiêu chuẩn cao, có hạ tầng tốt, cây xanh, vỉa hè, các khu nhà ở… Hướng đầu tư phải có khách sạn cao cấp, nhà vườn, nhà nghỉ sinh thái gắn với văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, H’mông, Dao… Chúng tôi đã có mô hình làng nhà sàn gắn với đô thị, sinh thái, nghỉ dưỡng thu hút được nhiều khách với nhiều đối tượng khác nhau. Chúng tôi bảo tồn các thiết chế, các làng chè gắn với văn hóa trà. Hiện nay đã có một số nhà đầu tư, có biên bản ghi nhớ như FLC, Vin Group và các nhà đầu tư khác.

Bốn lĩnh vực ưu tiên nói trên là một hướng đi đúng đắn. Ngoài ra, còn có sự đầu tư đến trường học, bệnh viện. Tới đây, tỉnh sẽ cấp phép cho nhà đầu tư bệnh viện với số vốn hơn 1.200 tỷ. Với xu hướng này, bên cạnh những dự án về kinh tế, du lịch, nông nghiệp sẽ có các đầu tư về xã hội, trường học, bệnh viện chất lượng cao để bảo đảm xúc tiến đầu tư toàn diện.

Thưa ông Nguyễn Văn Thời, với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, ông thấy những định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đã sát với mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Thời: Tôi cho rằng, năm nay tỉnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư rất là kịp thời, đúng với mong muốn của các doanh nghiệp. Bản thân tôi, trong dịp này tôi có 03 dự án đăng ký đầu tư, thứ nhất là xây dựng nhà máy tại một huyện vùng cao của tỉnh; thứ hai là xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp và thứ ba là dự án xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Để những dự án thành hiện thực, chúng tôi mong muốn về môi trường đầu tư của tỉnh đã tốt rồi, sẽ còn tốt hơn nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển. Vấn đề này, liên quan đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chúng tôi đồng thời mong muốn VCCI tiếp tục quan tâm, từ đánh giá chỉ số PCI để đưa ra các khuyến nghị không những cho các tỉnh mà còn từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong những năm qua đã rất quan tâm đến cải thiện chỉ số PCI, thực hiện "03 đồng hành, 05 hỗ trợ" doanh nghiệp, đặc biệt tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh lần nay, Thái Nguyên đã mạnh dạn đưa ra 6 cam kết với doanh nghiệp, trong đó chúng tôi rất quan tâm đến việc công bố đường dây nóng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh; cam kết giải phóng mặt bằng của tỉnh.

Ông Vũ Tiến Lộc có thể chia sẻ thêm về vấn đề chỉ số PCI

Ông Vũ Tiến Lộc: Chỉ số PCI không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, thành, trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ đã có chỉ đạo khuyến khích đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh đến cấp sở, ngành, quận, huyện, qua đó tạo áp lực cải cách đến từng ngành, từng địa phương, từng cán bộ, chuyên viên. Tôi rất mong tỉnh Thái Nguyên sẽ sớm thực hiện vấn đề này, giao trực tiếp cho Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì đánh giá. Về Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên, thể hiện thông điệp mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh về môi trường đầu tư, đặc biệt tôi thấy tỉnh Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị chu đáo, sáng tạo cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Xúc tiến đầu tư là một hoạt động liên tục, trước, trong và sau hội nghị, để các dự án đến và được triển khai thực chất.

Có lẽ chúng ta nên dành một ít thời gian cho một loại đặc sản của Thái Nguyên, đó là phát triển và tiêu thụ chè.  Sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất chè ở Thái Nguyên hiện nay chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, nông hộ, hợp tác xã... Với cương vị là lãnh đạo tỉnh, tới đây, có chính sách nào để thu hút đầu tư cho cây chè không thưa ông Vũ Hồng Bắc?

Ông Vũ Hồng Bắc: Tỉnh Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, tạo lợi thế cho phát triển cây chè. Chè Thái Nguyên, đặc biệt chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trà nổi tiếng trong nước và quốc tế. Thái Nguyên có trên 21.300 ha chè, đứng thứ 2 trong cả nước; sản lượng chè búp tươi trên 200.000 tấn/năm. Chè là cây trồng có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, còn là văn hóa trà, nếu biết khai thác lợi thế này, sẽ rất hữu ích cho phát triển kinh tế, du lịch.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên kết hợp nhiều giải pháp trong việc quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm trà, tỉnh Thái Nguyên được Chính phủ cho phép tổ chức Festival trà. Cây chè đã mang lại hiệu quả tích cực, giá trị trên 1 ha đã cao gấp 03 lần cây lúa, tuy nhiên tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn. Chúng tôi mong muốn có nhiều nhà đầu tư đến với Thái Nguyên, đầu tư nâng cao giá trị cây chè và các sản phẩm trà.

Với chức năng liên kết, tạo các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Tiến Lộc có chia sẻ, gợi mở gì cho Thái Nguyên phát triển cây chè?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi rất chia sẻ với những tâm huyết, mong muốn của ông Vũ Hồng Bắc. Tôi thấy rằng văn hóa trà là một sự đặc sắc, tôi mong muốn chúng ta có nhiều giải pháp để thổi hồn, nâng tầm thương hiệu Chè Thái Nguyên. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ có ký Quyết định 213 giao VCCI chủ trì phối hợp với các địa phương trong việc xúc tiến thương mại đầu tư với các đối tác chiến lược trên thế giới. Trong thời gian tới VCCI sẽ ký kết với Thái Nguyên trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, trong đó có việc đẩy mạnh đưa sản phẩm trà ra thế giới.

Ông Vũ Hồng Bắc: Vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có các sản phẩm trà được vinh danh giải thưởng ở Mỹ, Canada. Tỉnh Thái Nguyên mong muốn và sẵn sàng hợp tác, phối hợp cùng VCCI trong quảng bá, đưa các sản phẩm trà ra với thế giới.

Thưa ông Bắc, tháng 7 tới sẽ là những ngày bận rộn của ông khi Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, cá nhân ông kì vọng thế nào về Hội nghị này?

Ông Vũ Hồng Bắc: Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên tới đây không phải như một lễ hội mà đây là những cam kết, thông điệp thực chất của lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư. Công tác chuẩn bị đã được tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, thiết thực. Đến nay, tỉnh đã có sơ bộ danh mục các dự án được Quyết định chủ trương đầu tư; danh sách các dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các dự án được ký biên bản ghi nhớ đầu tư. Theo con số, tổng mức đầu tư các dự án được ký khoảng 15.000 tỷ, con số cũng quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là tính thực chất, thiết thực của các dự án. Chúng tôi sẽ nỗ lực, đồng hành với các nhà đầu tư để sớm hiện thực hóa các dự án. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, VCCI quan tâm, hỗ trợ để Thái Nguyên ngày càng phát triển.