Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với UBND TP. Hà Nội, Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Phó Thủ tướng, năm 2016 cả nước giải ngân 91,3% vốn kế hoạch, năm 2017 chỉ giải ngân được 85,6%. Trong quý I/2018, cả nước giải ngân mới được 9,1%, thấp hơn cả cùng kỳ năm ngoái là 14%. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm và không đạt kế hoạch đang gây cản trở sự phát triển chung của nền kinh tế trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nguyên nhân là do từ năm 2016 cả nước triển khai nhiều công trình mới sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ có thủ tục phức tạp; hệ thống pháp luật về đầu tư công thiếu đồng bộ, thống nhất với 12 luật, hơn 100 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, khả năng thực thi của các bộ, địa phương cũng là trở ngại đối với giải ngân vốn đầu tư công.
Luật Đầu tư công hiện tại đã khắc phục tình trạng đầu tư lãng phí, dàn trải nhưng lại sinh ra nhiều thủ tục làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang nỗ lực chuẩn bị hồ sơ, báo cáo Quốc hội đưa dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 tới để cuối năm Quốc hội thông qua. Ngoài ra, Chính phủ đang chỉ đạo sửa các Nghị định số 77, Nghị định số 161 hướng dẫn Luật Đầu tư công, Nghị định số 136 về thủ tục đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan tới khung khổ đầu tư công trung hạn. Việc sửa đổi các pháp luật này sẽ góp phần quan trọng, khắc phục bất cập hiện nay.
Chính phủ lựa chọn khảo sát, làm việc với TP. Hà Nội khi địa phương này cũng là thành viên của Ban soạn thảo Luật Đầu tư công, có cơ cấu vốn đầu tư công đầy đủ (gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn ngân sách, chiếm 6,5% tổng vốn đầu tư công trung hạn của cả nước) nên thực tế và bài học từ Hà Nội sẽ có ý nghĩa đối với Chính phủ, các địa phương khác trong khắc phục hạn chế của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng nghe báo cáo về tiến độ thi công Nhà ga số 8, Dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hà Nội đề cao trách nhiệm cá nhân trong giải ngân
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cấp Thành phố đã được HĐND Thành phố thông qua là 104.723,46 tỷ đồng gồm có 397 dự án. Trong đó: 178 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trung hạn trước được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2016, 2017; 102 dự án mới khởi công năm 2016 được tập trung bố trí vốn để cơ bản hoàn thành trong năm 2017, năm 2018. Phần vốn còn lại tập trung bố trí theo thứ tự ưu tiên triển khai 117 dự án khởi công mới và chủ yếu khởi công từ năm 2018 để hoàn thành trong giai đoạn 2018-2020.
Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mức vốn bố trí cho 1 dự án là 177,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông (31.740 tỷ đồng/109 dự án); Giáo dục và dạy nghề (1.514 tỷ đồng/36 dự án); Y tế (3.324 tỷ đồng/30 dự án); Đê điều (1.643 tỷ đồng/36 dự án)... Theo kế hoạch đến hết năm 2020 sẽ có tổng cộng 391/397 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố hoàn thành đưa vào sử dụng.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết nếu Quốc hội sắp tới phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị thì Hà Nội kiến nghị Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, tăng trần chi và giải ngân từ nguồn vốn ODA.
Phó Giám đốc Kho bạc TP. Hà Nội cho biết, thủ tục hồ sơ giải ngân hiện nay đã ở mức tối thiểu, chỉ còn một bảng kê khối lượng. Về thời hạn giải ngân theo quy định là 7 ngày khi đầy đủ hồ sơ nhưng Kho bạc Hà Nội thực hiện tối đa là 3 ngày giải ngân.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định năm nay Thành phố sẽ hoàn thành 100% tiến độ và khối lượng giải ngân vốn bằng việc đề cao trách nhiệm cá nhân, chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, lựa chọn nhà thầu có năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc.
Một đồng giải ngân sẽ tạo ra cơ hội cho tăng trưởng, việc làm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá những năm qua, đặc biệt năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, Hà Nội rất quan tâm tới giải ngân vốn đầu tư công với nhiều cách làm hay, mô hình tốt như công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng tái định cư bằng nhà, tái định cư bằng tiền, ứng trước để làm công tác giải phóng mặt bằng, giao trách nhiệm cho quận huyện trong công tác giải phóng mặt bằng trước khi các chủ đầu tư tiếp cận dự án, giúp tỉ lệ giải ngân luôn cao hơn mức chung của cả nước.
Dự án mở rộng đường vành đai 3 đang hoàn thiện hạng mục vỉa hè và cây xanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tuy nhiên trong năm 2018, Thành phố phải hoàn thành và đưa vào sử dụng 89/117 công trình khi mà tới nay mới triển khai được gần 10 công trình sẽ là thách thức cần tập trung thực hiện, giúp cả nước hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công được giao.
“Chúng ta có tiền mà không tiêu được là thiếu trách nhiệm, một đồng đầu tư công đưa vào càng sớm, công trình đưa vào hoạt động càng tốt thì tạo điều kiện cho vấn đề tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho người lao động và thuế cho ngân sách Nhà nước, giải quyết được các cân đối vĩ mô hiệu quả hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Do vậy, ngoài đoàn công tác của Chính phủ đốc thúc các địa phương, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương chủ động kiểm tra, đôn đốc từng sở, ngành, địa phương. Nhiệm vụ còn rất nặng nề từ giải phóng mặt bằng đến triển khai các dự án, nhất là khắc phục tình trạng sợ sai trong ra quyết định.
“Đương nhiên chúng ta phải làm đúng, làm nhanh, có tính quyết đoán, tăng cường bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp trong xây dựng kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Anh nào không quyết đoán được hay ôm hồ sơ, xử lý chậm phải gạt sang một bên để thay thế”, Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu việc quản lý nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn về thẩm quyền quyết định, phân cấp hơn nữa cho địa phương, đặc biệt là dự án sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương... Các bộ và TP. Hà Nội đánh giá khả năng nhu cầu giải ngân với 3 dự án đường sắt đô thị bổ sung để các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thành Chung