Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Sáng 11/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. |
Với đại đa số đại biểu tán thành (84,58%), sáng nay (11/11), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 (NSNN).
Theo đó, tổng số thu cân đối NSNN là 461.500 tỷ đồng bằng 23,9% tổng sản phẩm trong nước; tính cả 1.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2009 sang năm 2010 thì tổng số thu cân đối NSNN là 462.500 tỷ đồng; tổng số chi cân đối là 582.200 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 119.700 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nghị quyết tán thành các giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2010 do Chính phủ trình và kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trong Báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá linh hoạt có kiểm soát chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi, phấn đấu giảm bội chi NSNN năm 2010 xuống dưới 6,2% và giảm dần trong các năm sau.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, chỉ đạo kiên quyết công tác thu NSNN, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thuế và nợ đọng thuế. Quản lý chặt chẽ chi NSNN theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội; khắc phục tình trạng chi ngoài dự toán, chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền và sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tiếp tục cải cách tiền lương, tăng mức lương tối thiểu từ 650.000 đồng lên 730.000 đồng từ ngày 1/5/2010; tăng khả năng bảo đảm chi an sinh xã hội, nông nghiệp và nông thôn, quốc phòng, an ninh; ưu tiên vốn bố trí vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, hoàn thành trong năm 2010-2011, nhất là ở các địa phương nghèo, chưa cân đối được ngân sách.
Tổng kết, đánh giá và rà soát các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác; thực hiện bố trí tổng số vốn cho các chương trình và phân giao cho các địa phương…
Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ bưu chính
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bưu chính.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành Luật Bưu chính là cần thiết; nội dung Dự thảo Luật phù hợp với trình độ phát triển hiện tại và xu hướng phát triển của ngành Bưu chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội), Giàng A Chu (Yên Bái), Lê Minh Hồng (Hà Nam) để dự thảo luật được hoàn thiện hơn, Ban soạn thảo nên bổ sung cụ thể quy định về chính sách xã hội hóa trong một số hoạt động bưu chính nhằm giảm tải một số công việc đối với ngành Bưu chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắc) đề nghị tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống bưu điện ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo cho người dân, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ bưu chính cũng như việc thực hiện các biện pháp rà soát, phát triển mạng lưới bưu chính trên phạm vi toàn quốc. Đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) đề nghị làm rõ Điều 5 của Dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính bởi Điều 5 còn khá chung chung với các cụm từ như “tăng cường”, “huy động”…
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị Dự thảo Luật cần làm rõ hơn các trường hợp được phục vụ ưu tiên khi sử dụng dịch vụ bưu chính; các hành vi bị nghiêm cấm và nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.
Nguyễn Hoàng