Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các thành viên Chính phủ đánh giá, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, các nghị quyết chuyên đề của Chính phủ và Chỉ thị số 11/CT-TTg.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã kịp thời kiểm soát ứng phó, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế, ổn định tâm lý xã hội, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh, cơ bản đáp ứng yêu cầu về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại trong bối cảnh khó khăn của dịch.
Trước tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay ngay trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/TT-NHNN cho phép miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới cho khách hàng bị ảnh hưởng, tập trung vào doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp, nông thôn, vận tải, du lịch, dệt may, da giày, linh kiện điện tử.
Các tổ chức tín dụng đã triển khai các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án, phương án có hiệu quả, tạo điều kiện về vốn cho khách hàng tiếp tục duy trì, phục hồi sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ Tài chính đã thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nước sát trùng, nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế, vật tư và thiết bị y tế khác.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không (bao gồm cả hãng hàng không quốc tế và hãng hàng không nội địa) đang sử dụng các dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV từ ngày 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID-19 trong ngành lao động, người có công và xã hội, đồng thời, rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất; thực hiện các chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh.
Về tiến độ thực hiện, các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành đến hết quý I cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 22% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và 86% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg.
Một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện sớm các nhiệm vụ của quý sau, đồng thời chủ động đề xuất, báo cáo Chính phủ kịp thời điều chỉnh một số nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn triển khai; một số nhiệm vụ tiến độ còn chậm.
Nhiều thành viên Chín phủ nhận định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2020 duy trì được ổn định là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Kinh tế quý I tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống, sức khỏe nhân dân được bảo đảm, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh.
Các thành viên Chính phủ cho rằng, bước sang quý II/2020, Việt Nam dự kiến phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động... Do đó, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ, chia sẻ trách nhiệm giữa các đoàn thể trong nước trong giai đoạn có nhiều khó khăn này.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nhấn mạnh việc hỗ trợ phải thực hiện trên các nguyên tắc như: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết.
Nguyễn Hoàng