Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh và Hà Giang thảo luận tổ về Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Ảnh: Chinhphu.vn |
Chiều 11/11, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đại biểu Trương Thị Ánh (TP. Hồ Chí Minh), để xây dựng được hệ thống TCTD hiện đại trước hết Dự thảo Luật phải đảm bảo được tính cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD cũng như việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao dịch tại các tổ chức này.
Một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật còn nhiều quy định chưa cụ thể trong khi hoạt động ngân hàng là loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần có những quy định chặt chẽ về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động của các tổ chức này.
Hiện có một số tổ chức như các công ty chứng khoán đang thực hiện một số hoạt động có bản chất là dịch vụ ngân hàng, cung cấp một số dịch vụ ngân hàng, vì vậy đại biểu Nguyễn Huy Cận (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị đưa các tổ chức này vào Dự thảo Luật để điều chỉnh nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tiền tệ-ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Quý Tỵ (Bình Dương) đề xuất, Ban soạn thảo cần cần xem xét lại một số quy định của Dự thảo Luật vì còn có điểm trùng lặp với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, đồng thời cần chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng thể hiện rõ quan điểm cần thiết phải có các quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các TCTD.
Theo một số đại biểu, quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng (khoản 3, Điều 9) không có điểm mới so với các quy định của Luật Cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không đưa vấn đề này trong Dự thảo Luật.
Ngoài ra, đối với Điều 146 có đại biểu đề nghị quy định rõ trường hợp TCTD “có nguy cơ mất khả năng thanh toán”, “mất khả năng chi trả” để đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành được Quốc hội thông qua năm 1997; năm 2004, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. Trong thời gian qua, Luật đã có tác động tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho hệ thống các TCTD hoạt động. Hiện nay, quá trình hội nhập của nước ta đã đặt ra những yêu cầu tất yếu như: đa dạng hóa các hoạt động, dịch vụ ngân hàng; đối xử bình đẳng giữa các loại hình TCTD thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài… Vì vậy, sửa đổi cơ bản Luật các Tổ chức tín dụng hiện hành nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của những quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong thời kỳ mới là điều cần thiết. |
Nguyễn Hoàng