• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Tập trung tháo gỡ các ‘điểm nghẽn’ giao thông thủy nội địa

(Chinhphu.vn) – Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp nghe Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.

25/07/2018 13:43

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc họp diễn ra sáng 25/7 tại trụ sở Chính phủ. Tham dự có lãnh đạo Bộ GTVT, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và một số bộ, ngành.

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sông Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt năm 2000, đã được điều chỉnh, bổ sung một số lần.

Quy hoạch hiện hành được thực hiện theo từng luồng tuyến, cảng bến và được phân theo từng khu vực. Theo đó, cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7257 cảng/bến.

Việc quy hoạch không theo các hành lang vận tải hàng hóa dẫn đến tình trạng thiếu liên kết giữa các phương thức vận tải; nhiều quy hoạch song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành do nhiều địa phương chưa lập quy hoạch chi tiết; khó khăn trong công tác quản lý thực hiện và huy động vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư tư nhân để hiện đại hoá hệ thống cảng bến, vận tải container và logistics. Bên cạnh đó, quy hoạch hiện tại cũng dẫn đến tình trạng thiếu gắn kết giữa các ngành giao thông thủy và thủy lợi, vận chuyển hành khách và du lịch.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thủy gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thủy gồm các tuyến đường thủy nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thủy nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác.

Tại miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thủy gồm Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Hà Nội – Nam Định.

Sẽ quy hoạch 1 hành lang vận tải thủy phục vụ vận tải hàng hóa các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận và các tuyến kết nối chính.

Tại miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm TPHCM – Cà Mau; TPHCM – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TPHCM – Kiên Giang.

Các hành lang vận tải được quy hoạch bảo đảm mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đáp ứng thông qua tổng sản lượng vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa đạt khoảng từ 334,2 triệu tấn/năm đến 392,2 triệu tấn/năm với khối lượng luân chuyển đạt khoảng từ 67,6 triệu tấn.km đến 74,5 triệu tấn.km. Tổng sản lượng vận tải hành khách đường thuỷ nội địa đạt từ 204,4 triệu người/năm đến 280,3 triệu người/năm.

Đến năm 2030 và sau 2030, năng lực vận tải hàng hóa, hành khách của đường thuỷ nội địa sẽ tăng khoảng từ 1,5 đến 2 lần.

Về nguồn lực, Bộ GTVT dự kiến sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2030 để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thủy nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thủy nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Việt Trì – Lào Cai; cầu Đuống; tuyến vận tải Sông Gianh; triển khai dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam gồm: Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); cải tạo, nâng cấp cầu Nàng Hai, Măng Thít, Đồng Nai và đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bình Lợi.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT trong việc chủ động điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 theo đúng yêu cầu của pháp luật về quy hoạch; bám sát thực tiễn cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho giao thông đường thuỷ hiện nay.

Theo Phó Thủ tướng, là một quốc gia có nhiều sông lớn, đường bờ biển dài, giao thông thủy nội địa có vai trò rất lớn trong việc vận chuyển người, hàng hoá với chi phí hợp lý. Đặc biệt, nếu phát triển giao thông thủy nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên trong thời gian qua, giao thông thuỷ nội địa chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến giao thông thủy chậm được nạo vét, tu bổ, thiếu kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là đường bộ, đường sắt. Cơ sở hạ tầng cảng, bến… chưa được đầu tư tương xứng với năng lực và nhu cầu vận tải. Đáng chú ý, trên nhiều tuyến chủ lực vẫn bị một số cầu với khẩu độ thông thuyền thấp cản trở giao thông của các phương tiện thuỷ nội địa, điển hình như cầu Đuống, cầu Nàng Hai, Măng Thít, Đồng Nai, Bình Lợi…

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch để phê duyệt theo đúng quy định. Trong đó, cần làm rõ các số liệu về nhu cầu, năng lực vận tải, nhu cầu vốn đầu tư; đánh giá kỹ hiệu quả của các giải pháp nhằm tăng cường khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác; giải pháp huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển giao thông thuỷ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo chi tiết về một số “điểm nghẽn” trên các tuyến vận tải thuỷ nội địa, trong đó chỉ rõ hạn chế, tác động và giải pháp khắc phục; lợi ích và nhu cầu đầu tư để từ đó có kế hoạch ưu tiên tháo gỡ./.  

Xuân Tuyến