Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện trong thời gian qua. |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Nghị quyết số 35 của Chính phủ - được ban hành sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ nhất - đã đạt được kết quả quan trọng, nhất là tạo dựng niềm tin của cộng đồng DN vào cam kết về Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, có chuyển dịch tư tưởng, nhận thức trong bộ máy công quyền ở cả Trung ương và địa phương với tinh thần phục vụ, hỗ trợ DN phát triển.
Chính vì vậy năm 2016 là năm kỷ lục của nước ta về số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký khi có hơn 110.100 DN, tổng vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Bình quân 1 DN thành lập mới có vốn đăng ký 10 tỷ đồng, tăng 40,9%.
Về đầu tư nước ngoài, số dự án mới tăng 23,3%, tổng vốn đăng ký 26,89 tỷ USD, tăng 11,5%, vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% là mức giải ngân vốn cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, hai cơ quan trên cũng chỉ ra vấn đề khi thực hiện Nghị quyết 35 là một số bộ, ngành, địa phương thực hiện không tích cực.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tóm lại bằng một ý “nóng trên, lạnh dưới” và cho đây là thách thức lớn nhất hiện nay. Theo ông Lộc, sau khi Nghị quyết được ban hành thì nhiều địa phương, bộ, ngành đã có chương trình hành động, tạo chuyển biến rất tích cực, nhưng cũng có những nơi rất nguội lạnh.
“Tinh thần hừng hực trong Chính phủ, một số bộ, ngành. Nhưng tinh thần cải cách chưa chuyển được xuống cấp cơ sở, các cán bộ công chức làm việc hằng ngày với người dân và DN. Tình trạng Nghị quyết 35 đang là “nóng trên lạnh dưới”, ông Lộc nói.
Với tư cách người đứng đầu cơ quan đại diện cho cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá Bộ Tài chính là cơ quan tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 35 với những cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Thứ hai là Bộ Công an về chính sách visa điện tử - sáng kiến kỹ thuật quan trọng thúc đẩy du lịch- đầu tư.
Các báo cáo cũng dự đoán tới năm 2020, cả nước sẽ đạt và vượt mốc hơn 1 triệu DN hoạt động theo mục tiêu Nghị quyết 35 đặt ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng chung đánh giá về việc chính quyền chưa giảm được số lượng các lần thanh, kiểm tra DN trong 1 năm. “Giảm sự nhũng nhiễu DN, giảm sự kiểm tra của DN trong 1 năm sẽ tạo sự khác biệt lớn. Nếu không thì vẫn còn gay go”, ông Tuấn nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tinh thần thực hiện phát triển DN không phải là “hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn” nữa mà phải là tạo thuận lợi thương mại cho đầu tư, kinh doanh, phù hợp với mong muốn chi phí sản xuất thấp, ít rủi ro về pháp lý của cộng đồng DN.
Yêu cầu các bộ ngành, VCCI xây dựng báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 35, đánh giá sâu về hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ, bao nhiêu bộ ngành thực hiện cam kết và có chương trình hành động Nghị quyết 35? “Ai không làm, ai làm chậm? Phải có địa chỉ cụ thể. Giờ mới có 40 tỉnh có số liệu đăng ký DN với 1,2 triệu DN tới năm 2020 nhưng gần 30 tỉnh khác thì như thế nào”, Phó Thủ tướng nói.