Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều diễn giả khẳng định, văn hoá doanh nghiệp là chìa khoá giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Tại Diễn đàn Văn hoá với doanh nghiệp năm 2021 với chủ đề: “Tiếp biến văn hoá - Nền tảng phục hồi và phát triển bền vững kinh tế” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ VHTT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 5/12, các đại biểu đều khẳng định vai trò quan trọng của văn hoá doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, vị trí của văn hoá trong kinh tế và kinh tế trong văn hoá là mối quan hệ biện chứng, không thể tách rời. Doanh nghiệp là “trái tim” của nền kinh tế. Do đó, theo ông Hùng, cần có một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, phát triển văn hoá doanh nghiệp.
GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết có nhiều định nghĩa khác nhau về tiếp biến văn hoá, tuy nhiên, hiểu ngắn gọn thì tiếp biến văn hoá là sự tiếp thu và biến đổi văn hoá. Có nhiều xu hướng tiếp biến văn hoá, trong đó có 5 xu hướng chính là: Đồng hoá, bảo thủ, hội nhập, chuyển đổi và ngoại biên.
“Các xu hướng tiếp biến tại Việt Nam hiện nay đem lại sự quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Cách tiếp biến văn hoá của các doanh nghiệp Việt Nam rất đáng hoan nghênh, vừa giữ gìn bản sắc, vừa tiếp thu những văn hoá mới”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Về thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trước tiếp biến văn hoá trong đại dịch COVID-19, ông Dũng nhận định: “Khi đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng loạt siêu thị của Việt Nam tăng giá, nhưng siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài lại xuống giá. Từ đó có thể thấy, các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được với văn hoá của thế giới. Doanh nghiệp tiếp nhận văn hoá của thế giới nhưng năng lực lại không thể theo kịp, vì thế, chi phí sẽ phát sinh”.
Giá trị văn hoá tích cực không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, phát triển, mà còn giúp họ tự xây dựng bản thân, vượt qua khủng hoảng trong đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp tiếp cận các giá trị văn hoá theo xu hướng mở. Do đó, tiếp biến văn hoá không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu văn hoá mới mà còn phải giữ gìn bản sắc văn hoá riêng của doanh nghiệp. Đó là ý kiến của GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân về vai trò của giá trị văn hoá tích cực đối với doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã dẫn chứng về việc văn hoá doanh nghiệp góp phần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng khẳng định, trong 2 năm COVID-19 vừa qua, văn hoá doanh nghiệp đã giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vượt qua khó khăn. “Vaccine văn hoá doanh nghiệp" là vô cùng quan trọng để tạo ra kháng thể cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Nếu quan tâm tới người lao động thì doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả, ổn định trong tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận Lê Trí Thông cho rằng, "vaccine văn hoá doanh nghiệp" xuất phát từ chính nội lực của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đang phát triển một văn hoá riêng, vì thế, theo ông Thông, các doanh nghiệp cần có sự kết nối để phát triển bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Hồ Anh Tuấn đề nghị Chính phủ nên có chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm thực hiện; cho phép thành lập quỹ hỗ trợ phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (do doanh nghiệp đóng góp); có cơ chế chính sách ưu tiên, quan tâm đến doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh.
Còn theo ông Hoàng Quốc Vượng, Chính phủ có vai trò quyết định trong việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Vì vậy, nếu có cơ chế chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển thì văn hoá doanh nghiệp phát triển theo. Ví dụ, nếu chúng ta có cơ chế chính sách tạo điều kiện để xây dựng nơi ở cho người lao động thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát triển. Việc các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh là vô cùng quan trọng, Chính phủ cần khuyến khích điều này.
Nhật Nam