Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Chinhphu.vn |
Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) gồm 7 chương, 69 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Địa vị pháp lý phù hợp
Đa số các đại biểu đều tán thành chủ trương sửa đổi Luật NHNN, qua đó nhằm tăng vai trò độc lập của NHNN trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.
Về địa vị pháp lý của NHNN, điều 2 dự thảo Luật quy định: NHNN Việt Nam là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo nhiều đại biểu, trong tình hình hiện nay, quy định như trên về địa vị pháp lý của NHNN là phù hợp.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận), do NHNN vừa có chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và vừa có chức năng là Ngân hàng Trung ương, nên việc quy định, việc phân cấp trách nhiệm giữa Chính phủ và NHNN cần phải được cụ thể hơn để bảo đảm tính tự chủ và độc lập của NHNN.
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cũng đề nghị làm rõ và cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của NHNN trong việc ổn định sức mua đồng tiền.
"Cần phải tách được vai trò lập pháp của Quốc hội, vai trò điều hành của Chính phủ và vai trò tham mưu thực hiện của NHNN. Đặc biệt phải rất chú ý đến quyền hạn, trách nhiệm, điều kiện để NHNN thực hiện vai trò tham mưu cũng như triển khai cụ thể khi có những định hướng đã được quyết định", đại biểu Cao Sĩ Kiêm nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) đề nghị nghiên cứu việc quy định rõ hơn quan hệ giữa NHNN với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính.
Quốc hội chỉ quyết về định hướng
Bên cạnh đó, không ít ý kiến đại biểu đặt vấn đề có nên sửa đổi hay không chức năng, quyền hạn của các cơ quan khác (Quốc hội, Chính phủ, các Bộ khác) trong lĩnh vực tài chính tiền tệ để phù hợp với quy định về địa vị pháp lý của NHNN như trong dự thảo Luật.
Về vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, việc xác định vị trí pháp lý của NHNN trước hết phải đạt được yêu cầu tạo điều kiện để nâng cao tính tự chủ của NHNN. Ngoài ra, cần phù hợp với thể chế chính trị và trình độ quản lý, trình độ phát triển của đất nước, từng bước xây dựng ngân hàng Trung ương hiện đại.
Liên quan tới phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ , nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, theo đó Quốc hội chỉ quyết định định hướng chỉ tiêu lạm phát mà không quyết định chỉ tiêu lạm phát cụ thể.
Dự thảo Luật NHNN (sửa đổi) bỏ quy định hiện hành giao Thủ tướng lập Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia , và bổ sung quy định Thống đốc có quyền thành lập các ban, hội đồng tư vấn (điểm c khoản 5 Điều 9).
Đa số ý kiến đồng tình với quy định này, vì cho rằng Thống đốc NHNN là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHNN.
Còn hội đồng này hoạt động theo mô hình nào, có chuyên trách hay không, những vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thống đốc NHNN, không nhất thiết quy định vào trong Luật.
Quỳnh Hoa