Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trung Quốc đang quân sự hóa các tranh chấp
Tờ Le Monde của Pháp ngày 20/5 có bài: “Những mưu đồ đế quốc của Bắc Kinh khiến Việt Nam nổi giận”. Bài báo viết: Vào tháng 4/2014, Tổng Công ty Dầu khí Trung Quốc (CNOOC) đã quyết định đặt một giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông mà không có bất kỳ sự tham vấn nào trước đó với Hà Nội. Sự khiêu khích ngang nhiên này của Trung Quốc đã gây nên những phản ứng mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Họ (Việt Nam) đã gửi lực lượng chấp pháp ra hiện trường để nói thẳng với “kẻ xâm lược”. Các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng bắn về phía các tàu Việt Nam trước khi đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam…
Người Việt Nam, ý thức được sự cần thiết phải duy trì được mối quan hệ kinh tế không thể thiếu với Trung Quốc và cho rằng các con đường thương lượng luôn tốt hơn đối đầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của giàn khoan, mà theo chuyên gia về các vấn đề chiến lược Trung Quốc Shi Yinhong thì đó là kết quả của những quyết định ở cấp cao nhất, đã dẫn đến một sự xuống cấp mạnh trong quan hệ Việt-Trung.
Đồng quan điểm phản đối tư tưởng bá quyền của Trung Quốc, nhà báo Lina Sankary của tờ L’Humanite của Pháp, người phụ trách viết bài về căng thẳng trên Biển Đông cho biết: “Thực sự trong những ngày qua, có những đụng độ qua lại đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Việt Nam quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 công nhận. Phải nói rõ là luật quốc tế công nhận chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển này nên Trung Quốc không được phép có những hành động như thế.
Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên mà là từ vài năm nay chúng ta được chứng kiến những khiêu khích dùng sức mạnh kiểu này từ phía Bắc Kinh, không chỉ với Việt Nam mà còn với Nhật Bản hay Philippines. Đó là điều hết sức đáng lo ngại cho hòa bình trong khu vực nên cần phải kêu gọi mọi người phản ứng. Trong các tranh chấp với các nước, chiến lược của Trung Quốc luôn là dùng sức mạnh để áp đảo. Nói cách khác là họ đang tìm cách quân sự hóa các tranh chấp”.
Theo nhà báo Lina Sankary, Việt Nam đã, đang và sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế khi giương cao ngọn cờ chính nghĩa và công lý. “Việt Nam sẽ có sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Ngày nay, không một ai không nghi ngờ về thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông và những điều này đều mang lại tác động đến ý kiến của công luận, của truyền thông và các đảng phái chính trị. Tôi nghĩ là ngay cả quan hệ kinh tế lớn giữa Trung Quốc và các nước phương Tây cũng không thể ngăn trở một sự đoàn kết như thế. Phía Việt Nam hoàn toàn có lý lẽ hợp pháp theo UNCLOS năm 1982 và tôi nghĩ không ai lại mong muốn và lợi ích gì nếu một cuộc xung đột lớn bùng nổ, thế nên một sự đoàn kết quốc tế với Việt Nam có thể dễ dàng được xây dựng quanh cuộc khủng hoảng này”.
Quốc hội Mỹ "nóng" vì căng thẳng ở Biển Đông
Trong cuộc điều trần ngày 20/5 tại Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về ngân sách hoạt động và viện trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho khu vực trong tài khóa 2015, các nghị sỹ Mỹ cho rằng các hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel nhấn mạnh hai diễn tiến đặc biệt gây quan ngại làm leo thang căng thẳng gần đây là việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào hoạt động tại Biển Đông và lấp biển-khai hoang trên đảo Gạc Ma để nâng cấp hay có thể là quân sự hóa khu vực có tranh chấp này. Ông cho biết Chính phủ Mỹ đã nêu các vấn đề này trực tiếp với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và công khai quan điểm rằng Bắc Kinh phải sử dụng biện pháp ngoại giao thay vì vũ lực để xử lý tranh chấp. Ông khẳng định Mỹ không chấp nhận các hành vi uy hiếp, cưỡng bức và phi ngoại giao. Ông Russel cũng nhận định rằng việc quốc tế phê phán hành động hung hăng và đơn phương của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sự cân nhắc của ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố biện pháp tốt nhất mà Mỹ và các đối tác ASEAN có thể thực hiện để góp phần xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông là đối thoại ngoại giao mang tính xây dựng. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quốc tế chỉ trích Trung Quốc vì đơn phương âm mưu thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.
Chủ tịch Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương Steve Chabot cho rằng các hành động nói trên của Trung Quốc chính là một trong những thách thức đối với mục tiêu mà Mỹ đặt ra ở khu vực khi thực hiện chiến lược tái cân bằng. Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Ami Bera, thành viên cao cấp của Tiểu ban, cho rằng nếu Chính phủ Mỹ không hành động trong tình hình hiện nay, Trung Quốc sẽ lấn tới trong tương lai.
Theo đề xuất của Nhà Trắng, ngân sách hoạt động dành cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm tài chính 2015 là 1,2 tỷ USD (tương đương với ngân sách năm 2014), nhưng riêng các khoản viện trợ sẽ tăng 9%, từ 741,1 triệu USD lên 810,7 triệu USD. Trong khoản viện trợ này, có 18 triệu USD được đề nghị dành cho việc hợp tác và hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát biển của Việt Nam.
Các nước châu Á phản ứng mạnh mẽ hành động gây hấn của Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long khẳng định quan hệ ASEAN-Trung Quốc là quan hệ đa diện và Biển Đông là một mặt của quan hệ đó.
Bài phỏng vấn này đã được một số tờ báo lớn của Singapore đăng tải ngày 21/5, cùng thời điểm Thủ tướng Lý Hiển Long bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản hai ngày để dự Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á.
Khi trả lời câu hỏi tình hình căng thẳng giữa Đông Nam Á và Trung Quốc gần đây gia tăng, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines, có ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN hay không, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: "Đó là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nếu hiểu theo cách ASEAN có quyền lợi trong sự ổn định của khu vực. ASEAN đang thảo luận một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc và trên thực tế, ASEAN đã có Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) với Trung Quốc. Vì thế, ở mức độ đó, ASEAN can dự vào vấn đề này. Đó là một mặt của mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc". Ông còn nhấn mạnh: "Về những phương diện khác; nhiều phương diện rất tích cực, như hợp tác, hỗ trợ tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thương mại và chúng tôi có Hiệp định tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc và chúng tôi đang có kế hoạch thúc đẩy hiệp định này. Như vậy, quan hệ đó là quan hệ nhiều mặt và Biển Đông là một mặt của quan hệ đó. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng vấn đề đó không làm thay đổi toàn bộ mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc".
Theo hãng tin Kyodo, ngày 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Malaysia Najib Razak đang ở thăm Tokyo đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng trên Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ông Abe tại Tokyo, Thủ tướng Malaysia Najib nói: "Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Tất cả các vấn đề nên được giải quyết, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế".
Trả lời phỏng vấn của tạp chí Wall Street Journal (Mỹ) ngày 20/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phản bác một số quan điểm từng được Trung Quốc đưa ra để biện minh cho hành động leo thang tại Biển Đông, đồng thời cho biết Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Theo Ngoại trưởng Natalegawa, Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ là vấn đề song phương mà còn là vấn đề của khu vực, vì vậy ASEAN có trách nhiệm đặc biệt để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm DOC, trong khi Bắc Kinh thường xuyên cam kết thực thi tuyên bố này.
Chính phủ Malaysia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được COC. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar ngày 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các quốc gia liên quan đối thoại hướng tới xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, tránh những hành động không cần thiết có thể dẫn tới căng thẳng leo thang và xung đột.
Các nước cần cương quyết đối phó sự hung hăng của Trung Quốc
Hai chuyên gia Simon Tay và Nicholas Fang, Chủ tịch và Giám đốc Học viện Ngoại giao Singapore, viết bài trên tờ South China Morning Post (Hong Kong) cho rằng, các quốc gia đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông cần phải cương quyết đối phó sự hung hăng của Trung Quốc.
Theo hai học giả Singapore, Việt Nam đã ngay lập tức phản ứng trước hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng nếu xung đột tiếp tục leo thang, liệu Việt Nam có phải quốc gia duy nhất phản ứng quyết liệt hay các nước khác trong khu vực cũng sẽ đáp trả (Trung Quốc)?
Những nước khác đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông như Brunei, Malaysia và Philippines cần thể hiện thái độ. Manila đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và mới đây bắt giữ các ngư dân Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển tranh chấp. Tổng thống Philippines còn so sánh Trung Quốc với phát xít Đức. Theo hai học giả Singapore, Brunei và Malaysia thường phản ứng mềm mỏng, nhưng nay họ cần phải cứng rắn hơn; gần đây, tàu Trung Quốc tiến sát bờ biển hai quốc gia này.
Hai học giả Singapore cho rằng việc cần làm là thúc đẩy một giải pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế và đẩy nhanh đàm phán một bộ quy tắc ứng xử mà hai bên đã cam kết. Nếu những quan ngại tiếp tục tăng lên, ASEAN được trông đợi sẽ lên tiếng. Cần phải đặt hành động của Trung Quốc trong bối cảnh rộng lớn hơn là Bắc Kinh đang tranh chấp với Tokyo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đã thiết lập Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông...
Theo hai học giả Singapore, Trung Quốc đã ranh mãnh nhằm vào Việt Nam chứ không phải một đồng minh của Mỹ. Mỗi bước đi riêng rẽ theo mưu đồ của Trung Quốc có vẻ không đáng kể nhưng xét tổng thể, chúng được Trung Quốc cố gắng dàn dựng từng bước một nhằm thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi cho họ. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi hành động của Trung Quốc là khiêu khích và vô ích.
Sự kiện Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhiều khả năng sẽ khiến Australia quyết định không thể đứng ngoài cuộc để chứng kiến Trung Quốc bành trướng. Tờ Business Spectator đã cho đăng bài phân tích của Tiến sĩ John Lee công tác tại Đại học Sydney. Ông Lee cho rằng Australia sẽ không thể mãi đứng ngoài cuộc mà ít nhất là tham gia mặt trận ngoại giao, để giải quyết các cuộc tranh chấp hiện nay.
Tiến sĩ John Lee viết: Các cuộc tranh chấp chủ quyền và quyền kiểm soát nhiều khu vực trên Biển Đông đã diễn ra trong suốt nhiều thập niên qua. Song hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam được xem là sự việc nghiêm trọng nhất.
Thứ nhất, mức độ nghiêm trọng được thể hiện qua việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đúng thời điểm mối quan hệ song phương giữa hai nước đang trong giai đoạn ổn định, chứ không giống như mối quan hệ sóng gió giữa Bắc Kinh với Philippines và Nhật Bản. Ngoài ra, hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông là một tiền lệ chưa từng có.
Thứ hai, việc Trung Quốc huy động một lực lượng lớn tàu thuyền tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn kế hoạch phối hợp hành động giữa chính quyền Trung ương và địa phương. Ngoài ra, sự xuất hiện của các tàu quân sự của Hải quân Trung Quốc chứ không chỉ là tàu bảo vệ bờ biển và các tổ chức bán quân sự đã thể hiện mức độ quân sự hóa leo thang trong những tranh chấp hàng hải mà Trung Quốc tiến hành.
Thứ ba, giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương 981 thuộc về CNOOC - một công ty nhà nước của Trung Quốc. Điều này cho thấy CNOOC đã nhận được sự ưu ái lớn từ phía Chính phủ Trung Quốc trên lĩnh vực ngoại giao, tài chính, luật pháp và nhiều nguồn hỗ trợ khác. Do đó, không có gì để ngụy biện cho việc giàn khoan Hải Dương 981 được lai dắt và hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách ngẫu nhiên mà không thông qua ý kiến của giới chức trong các cơ quan chính phủ cấp cao nhất.
Cả 3 yếu tố trên cộng lại cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một công cụ đắc lực phục vụ các cuộc tranh chấp chủ quyền và lãnh hải giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia tại khu vực Đông Á bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Ngay cả khi không rõ liệu Bắc Kinh có ra lệnh cho CNOOC hạ đặt giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vẫn có bằng chứng đầy đủ cho thấy ít nhất hành động này nhận được sự ủng hộ từ các cấp cao nhất trong chính quyền Trung Quốc.
Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã liên tiếp triển khai những hành động nhằm mở rộng phạm vi chủ quyền và lãnh hải tự xưng trên hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Tạm thời bỏ qua những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, lối cư xử và chính sách hàng hải hung hăng của Trung Quốc đang trở thành mối lo lớn của Mỹ tại khu vực châu Á. Bởi Washington đã ký kết các hiệp ước hợp tác an ninh quốc phòng hỗ trợ cho Nhật Bản, Philippines cũng như những quốc gia hàng hải nhỏ bé khác như Singapore.
Quay trở lại với những mối lo và lợi ích của Australia. Tầm quan trọng của sự ổn định, tự do và mở rộng tiếp cận với mạng lưới thông tin đường biển nối khu vực phía bắc Australia được công nhận là một trong những mục tiêu chiến lược quốc gia chủ chốt trong Sách Trắng quốc phòng năm 2000.
Điều này đã được nhắc lại trong Sách Trắng năm 2009 và 2013. Mục tiêu chiến lược của Australia cũng là điều được các quốc gia có chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông đưa ra bàn thảo. Trong đó, các nước chú trọng tới việc không dùng vũ lực hay các hình thức ép buộc để khẳng định chủ quyền trên hai vùng biển này. Ngoài ra, các quốc gia cũng sẽ không có những hành động làm thay đổi hiện trạng vành đai hàng hải chung cũng như đảm bảo việc tiếp cận tự do và mở rộng với những quy định đã đạt được từ sau Thế chiến thứ II.
Tuy nhiên, Chính phủ Australia lại đang tỏ ra bị động và phản ứng khiêm tốn trước các vụ việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay. Australia từng ghi nhận một ngoại lệ duy nhất là khi Bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop quyết định triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tới để phản đối hành động Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông bao gồm không phận quần đảo tranh chấp với Nhật Bản Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 11/2013. Australia khẳng định quốc gia này phản đối mọi hành động đơn phương và ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng trong vùng biển Hoa Đông.
Việc Australia ra mặt chỉ trích chỉ được xem là điều ngoại lệ. Đối với Trung Quốc, Australia lo ngại hành động phản đối sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác thương mại giữa quốc gia này với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Lee, cách tiếp cận khiêm tốn trước các cuộc tranh chấp chủ quyền cũng là điều dễ hiểu bởi Australia "không làm được gì" để giải quyết khủng hoảng và cũng không thể thay đổi cán cân quân sự tại khu vực Đông Á.
Trong khi đó, trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Trung Quốc là nhằm chỉ cho các nước chứ không chỉ duy nhất quốc gia mà Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền thấy rằng, họ chỉ nên quan tâm tới lợi ích của mình chứ không nên đưa ra bất cứ lời bình luận nào về tranh chấp song phương của Trung Quốc ngay cả khi lợi ích của các quốc gia liên quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu các bên thứ ba can thiệp vào chuyện của Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ đối mặt với những phản ứng gay gắt và liều lĩnh hơn từ phía Bắc Kinh.
Theo Tiến sĩ Lee, ngay cả thiết lập mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Trung Quốc, việc Bắc Kinh thi hành lối hành xử ngày một hung hăng và liên tiếp tranh chấp chủ quyền trong khu vực Đông Á, sẽ vẫn gây bất lợi cho những lợi ích của Australia. Do đó, một khi Trung Quốc có những hành động khiến cuộc khủng hoảng tại Đông Á ngày một leo thang, không có gì đảm bảo tình hình sẽ được cải thiện ngay cả khi các nước tránh được một cuộc xung đột giao tranh.
Nguyễn Chiến (tổng hợp)