Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Các nhà đàm phán của Nhóm P5 1 và Iran sau thỏa thuận đạt được. Ảnh: Reuters |
Một trong những sự kiện được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm là thỏa thuận đạt được giữa Iran với Bộ 6 (gồm Mỹ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này vào ngày Chủ nhật 24/11 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Thỏa thuận lịch sử
Theo các nhà phân tích, phải mất 2 vòng đám phán, vượt qua nhiều “gai góc”, các bên liên quan mới đạt được thỏa thuận này.
Thỏa thuận đề cập việc tạm thời đóng băng chương trình hạt nhân của Iran trong 6 tháng. Theo đó, lượng uranium tinh chế mà Iran tồn trữ không được vượt mức 20%, tuy nhiên Iran vẫn được tiếp tục tinh luyện uranium dưới mức 5%; Iran không được xúc tiến việc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng ở thành phố Arak. Đổi lại, Iran sẽ được nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận, dư luận quốc tế đã bày tỏ hoanh nghênh những nỗ lực của các bên liên quan.
VOA cho hay, trong khi giới chức Israel (đồng minh thân cận của Mỹ) và một số thành viên Quốc hội Mỹ chỉ trích thỏa thuận nói trên thì Tổng thống Obamma nói rằng đây là tiến bộ đầu tiên về chương trình hạt nhân của Iran trong 10 năm qua (kể từ 2003) và nhấn mạnh đến sự cần thiết tiếp tục những nỗ lực ngoại giao và không đi vào một chu kỳ tranh chấp không dứt.
Trong những diễn biến mới hơn, ngày 26/11, ông Yuyika Amano, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã mời các thanh sát viên của Cơ quan này đến thăm Nhà máy nước nặng Arak vào ngày 8/12.
Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua, Iran đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế đến thăm cơ sở sản xuất nước nặng của mình.
Trong khi đó vào ngày 29/11, Phái viên của Iran tại IAEA cho biết việc thực thi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5 1 sẽ bắt đầu trước tháng 1/2014.
Thêm cơ hội cho vấn đề Syria
Liên quan đến “điểm nóng” Syria, ngày 25/11, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thông báo Hội nghị quốc tế về Syria sẽ được tổ chức vào ngày 22/1/2014 Geneva, Thụy Sỹ.
Ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh các bên Syria hãy nắm lấy cơ hội này.
Sau thông báo của LHQ, ngày 27/11, Chính phủ Syria tuyên bố sẽ tham dự Hội nghị. 24 giờ sau, ngày 28/11, phe đối lập ở Syria (Liên minh Dân tộc Syria (SNC) - tổ chức đối lập chính của Syria ở nước ngoài) cũng tuyên bố sẽ đến Hội nghị Geneva 2.
Như vậy, sau nhiều tháng trì hoãn, các đại diện của chính quyền Syria và phe nổi dậy sẽ ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Syria cách đây 32 tháng.
Mục tiêu của Hội nghị Geneva 2 nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria với một thỏa thuận toàn diện giữa Chính phủ và phe đối lập về việc thực thi đầy đủ Thông cáo Geneva, được thông qua ngày 30/1/2012 sau hội nghị Nhóm hành động về Syria (còn gọi là Hội nghị Geneva 1).
Bán đảo Triều Tiên ấm dần
Sau đề nghị của Hàn Quốc, ngày 26/11, CHDCND Triều Tiên đã nhất trí việc hai bên tổ chức họp tiểu ban về vấn đề đi lại, viễn thông và hải quan vào ngày 29/11.
Tại cuộc họp, hai bên đã nhất trí thiết lập hệ thống thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) dọc biên giới liên Triều, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển vật liệu đến và đi từ KCN chung Kaesong tại thị trấn Kaesong trên lãnh thổ Triều Tiên, đồng thời cải thiện tổng thể năng lực cạnh tranh của KCN.
Hệ thống RFID sẽ bắt đầu được áp dụng vào tuần tới, cho phép các nhân viên được ủy quyền tự do đi qua khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên vào bất cứ giờ nào trong ngày.
Theo kế hoạch, trong tuần tới, hai miền Triều Tiên sẽ tiến hành một cuộc họp cấp chuyên viên nhằm thảo luận các hình thức thông tin liên lạc giữa Kaesong và thế giới bên ngoài, bao gồm cả kết nối đường điện thoại quân sự.
Thủ tướng Thái Lan kêu gọi đối thoại
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã vượt qua một cách dễ dàng cuộc biểu quyết bất tín nhiệm tại Quốc hội vào ngày 28/11.
Ngay sau đó, bà Yingluck Shinawatra kêu gọi người biểu tình chấm dứt biểu tình và tuyên bố Chính phủ sẵn sàng đối thoại nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết Chính phủ nước này cam kết kiềm chế tối đa trong việc ứng phó với làn sóng biểu tình đường phố đang lan rộng.
TPP chờ đợi hội nghị ở Singapore
Vòng đàm phán bổ sung về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - cơ hội cuối cùng để các bên thu hẹp bất đồng trước cuộc họp mang tính quyết định tại Singapore đã kết thúc sáng 26/11 tại Utah, Hoa Kỳ.
Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Đây là phiên đàm phán bổ sung, không có trong lịch trình đàm phán của năm 2013, với mục tiêu cố gắng kết thúc đàm phán càng nhiều vấn đề càng tốt.
Đánh giá về kết quả vòng đàm phán lần này, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết nhờ sự nỗ lực và linh hoạt của tất cả các đoàn đàm phán nên sau 1 tuần làm việc, đã có tiến triển tương đối khả quan trong nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực từ trước đến nay được xem là gai góc như sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Nhà nước, lao động, môi trường.
Tuy nhiên, lĩnh vực quan trọng nhất, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước tham gia đàm phán TPP là hàng hóa, thì vẫn còn khá trì trệ.
Nhận định về khả năng kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay, ông Khánh cho rằng từ nay đến cuối năm 2013 chỉ còn lại Hội nghị Bộ trưởng diễn ra tại Singapore. Đây là cơ hội cuối cùng để các Bộ trưởng xem xét và đưa ra quyết định quan kết thúc được đàm phán hay không.
Thùy Linh