|
Ảnh: RIA |
Tại sao phía Mỹ luôn tìm mọi cách để việc này không xảy ra? Liệu có đúng như Washington quan ngại, rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và nếu trong hệ thống hỏa lực của quốc gia này có trang bị các dàn S-400 thì tính đồng bộ và phối hợp tác chiến trong nội bộ khối sẽ gặp nhiều khó khăn và thậm chí trục trặc?
Theo các chuyên gia thì dường như đây không phải nguyên nhân cội rễ mà chỉ là cái cớ bởi vì trên thực tế Hy Lạp- một thành viên của NATO mặc dù không trực tiếp mua nhưng đã nhận chuyển giao từ Cộng hoà Sip các dàn S-300 cũng do Nga sản xuất và cho đến nay hệ thống này vẫn kết nối và tác chiến nhịp nhàng với các trang thiết bị do Mỹ và các nước thành viên của khối này sản xuất?
Lật lại lịch sử thì vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra với lý do không khác là mấy được đưa ra từ phía Mỹ. Trong năm 2013, Ankara tiến hành đàm phán với Bắc Kinh để mua các dàn hoả lực phòng không do Trung Quốc sản xuất. Mọi việc đang dần đi đến hồi kết mặc cho những phản đối quyết liệt của Washington và chỉ rẽ sang ngả khác nghiêng về phía Mỹ khi mà trong năm 2014 đại diện của tập đoàn Raytheon – Lockheed thực hiện 4 chuyến hành hương đến Ankara để chào mời và cùng với những điều kiện có lợi hơn đã khiến giao dịch với Bắc Kinh bị «lật kèo».
Với tổ hợp S-400 thì lại khác. Trên thế giới chưa hề có một loại tương tự và theo Ankara giá lại còn khá hợp lý.
Theo tác giả Taha Dagli của tờ Haber (Thổ Nhĩ Kỳ) thì ai cũng biết Mỹ đang soán ngôi vị số một trên thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu và Nga đang là đối thủ số hai luôn bám sát ngay sau nước này. Việc Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - mua vũ khí của Nga đã chứng tỏ trong tương lai rất có thể không chỉ có Ankara là khách mua duy nhất từ khối này có trong binh lực của mình vũ khí do Nga sản xuất với giá rẻ hơn mà có khi về tính năng lại vượt trội.
Hơn nữa, trong khối NATO, tiếng nói của Mỹ luôn có tính chất áp đảo và quyết định. Thế nhưng, hôm qua (13/9) phát biểu tại hội nghị các thị trưởng tại Ankara, Tổng thống Erdogan không chỉ cung cấp thông tin về việc đã chuyển số tiền 500 triệu USD cho Moscow mà còn tuyên bố: «Họ đã gào lên khi chúng ta đạt được thoả thuận về việc mua bán S-400. Chúng tôi còn phải trông chờ gì từ phía các bạn? Chúng tôi đã tự mình thông qua các quyết định của mình và sẽ còn tiếp tục như thế. Bởi vì chúng tôi mới chính là những chủ nhân trong ngôi nhà của mình».
S-400 là hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga. S-400 mang 3 loại tên lửa khác nhau có khả năng xử lý mục tiêu trên không ở tầm ngắn và tầm xa. S-400 được thiết kế để dò tìm đồng thời tiêu diệt các mục tiêu trên không khác nhau, từ máy bay giám sát cho đến tên lửa đạn đạo.
Phạm Hoàng
(Theo Ria, Haber)