• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cơn gió nào thổi bùng 'chảo lửa' Syria?

(Chinhphu.vn) - Căng thẳng giữa Nga và một số nước phương Tây mà đặc biệt là với Anh và Mỹ xung quanh vụ đầu độc bố con điệp viên “hai mang” Skripal chưa kịp hạ nhiệt thì "chảo lửa" Syria lại bùng lên cũng với cùng một lý do: “Vũ khí hóa học”! Nguy cơ đối đầu quân sự đang hiển hiện và đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nhân loại đang chứng kiến sự bắt đầu của “cuộc chiến tranh lạnh 2.0”?

20/04/2018 11:24

Những phân tích dưới đây sẽ cung cấp ít nhiều những thông tin xung quanh vấn đề này.

Trung Đông – “cối xay tiền” của nước Mỹ!

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNBC hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng: “Các chiến dịch quân sự do quân đội Mỹ triển khai tại vùng Trung Cận Đông thời gian gần đây đã ngốn mất của ngân khố quốc gia một lượng tiền khổng lồ - 7.000 tỷ USD! Quá là tốn kém và thiệt hại… Tuy nhiên, lực lượng liên quân của chúng ta đã giải phóng được gần như 100% lãnh thổ của Syria và Iraq khỏi sự chiếm đóng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…”.

Bài học “sa lầy tại chiến trường Afghanistan” của quân đội Liên Xô hồi thập niên 80 của thế kỷ XX dường như chưa được Washington rút kinh nghiệm hay còn một lý do nào khác mà khắp các chiến trường từ Iraq, Afghanistan, Libya rồi đến Syria, Lầu năm góc vẫn không ngừng phải bơm tiền cho sự hiện hữu của quân đội Mỹ?

Một đoạn trong bài phát biểu của cựu Tổng thống Barak Obama hồi tháng 5/2014 tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện quốc phòng West Point có lẽ sẽ là lời giải đáp cho câu hỏi nêu ở trên: “Lần đầu tiên tôi phát biểu tại Học viện của các bạn là năm 2009, khi đó vẫn còn khoảng 100.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại Iraq và bắt đầu triển khai tác chiến tại Afghanistan.

Hiện nay, sự gia tăng ảnh hưởng của Nga tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang làm cho châu Âu quan ngại, còn sự trỗi dậy về mặt kinh tế và đẩy mạnh năng lực quốc phòng của Trung Quốc cũng làm cho các láng giềng của họ phải lo âu… Tại nhiều quốc gia, từ Brazil tới Ấn Độ, tầng lớp trung lưu đang ngày càng trở nên đông đúc và trở thành lực lượng cạnh tranh với chúng ta, còn chính phủ của họ thì lại cố gắng nâng tầm của lực lượng này trên chính trường quốc tế.

Chính vì vậy mà thế hệ của các bạn phải tìm được cho mình lời giải trước hoàn cảnh mới này. Đó không chỉ đơn thuần là việc liệu nước Mỹ có còn là thủ lĩnh nữa hay không mà là chúng ta sẽ duy trì vị thế ấy như thế nào?”.

Syria – “miếng bánh” của những tham vọng

Cuộc nội chiến đẫm máu tại Syria đã diễn ra suốt 7 năm qua và chưa có hồi kết. Thời điểm bắt đầu xảy ra xung đột có lẽ không phải ngẫu nhiên lại khá trùng khớp với việc Chính phủ của Tổng thống B. Assad từ chối một số dự án liên quan đến dầu khí trên lãnh thổ Syria mà đặc biệt là dự án đường ống khí đốt chạy từ Qatar qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tới thị trường tiêu thụ là châu Âu.

Từ sau thảm họa Fukushima ở Nhật, sử dụng năng lượng sạch ngày càng trở nên thịnh hành. Ngay tại Saudi Arabia – “rốn dầu của thế giới” cũng bắt đầu phải nhập khí đốt từ Qatar để vận hành các nhà máy nhiệt điện của mình nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, việc khai thác và sử dụng khí đốt đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Thị trường tiêu thụ bền vững và tiềm năng là đích đến của các nước sản xuất và cung cấp khí đốt mà trong trường hợp cụ thể này chính là châu Âu (xem bảng minh họa).

Do những bất ổn về địa chính trị nên nguồn cung lớn nhất mà châu Âu phải nhập khẩu hiện nay là từ LB Nga (chiếm khoảng 36-37 % tổng nhu cầu, theo số liệu năm 2017). Khí đốt mà Nga bán cho các nước ở châu Âu có lợi thế là khí được dẫn theo đường ống và vì vậy giá rẻ hơn hẳn so với khí hóa lỏng (phải vận chuyển bằng tàu chuyên dụng và phải có cầu cảng để tiếp nhận). Ngay trong nội bộ nhiều nước EU, những khách hàng đang mua khí đốt của Nga cũng thường xuyên không đồng nhất quan điểm về vấn đề này, nhất là những lo âu về sự độc quyền từ phía Nga.

Còn với tư cách là nhà cung cấp, Nga cũng đang rất phụ thuộc vào thị trường này. Nếu “dòng chảy Siberia” cung cấp cho Trung Quốc ngay cả khi được vận hành hết công suất (khoảng 60 tỷ m3, trên thực tế chỉ đạt khoảng 30-35 tỷ m3) thì cũng chưa thấm vào đâu so với lượng khí đốt đang bán cho các nước EU hiện nay (195 tỷ m3), chưa kể theo dự báo vẫn còn tăng nữa nếu “dòng chảy phương Bắc 2” mà Đức sẽ là khách hàng chủ yếu, được triển khai và đi vào hoạt động.

Đã từ lâu nay, cả Iran và Qatar – 2 quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới đều muốn xây đường ống dẫn khí trung chuyển qua lãnh thổ Syria để tới thị trường châu Âu (xem bản đồ minh họa) nhưng do chiến tranh mà tham vọng này vẫn chỉ nằm trên giấy.

Tại Mỹ, cách mạng dầu khí đá phiến đã giúp nước này không những tự cung được nhu cầu trong nước mà còn bắt đầu mở rộng xuất khẩu. Trong vài ba năm trở lại đây, một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… đã bắt đầu nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ .

Ngay trước thềm cuộc nội chiến ở Syria, công ty thăm dò dầu khí Ancis của Na Uy đã phát hiện ra 14 mỏ dầu của Syria, chỉ nằm sâu dưới mặt đất 250 m với trữ lượng cực lớn – 37 tỷ tấn. Với trữ lượng này, nếu trong điều kiện thời bình có thể đưa Syria vào nhóm “các đại gia về khai thác dầu khí” trên thế giới!?

Với những thông tin đã nêu ở trên, nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến tranh chưa nhìn thấy hồi kết ở Syria thực chất là cuộc chiến tranh dầu khí?

“Chiến tranh thông tin” – đâu là sự thật?

Sau khi bố con nhà Skripal bị đầu độc, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã gần như ngay lập tức cáo buộc Nga đứng đằng sau vụ này vì theo phía Anh, chất độc gây tê liệt thần kinh được sử dụng là “Novichok” (A-234) do Liên Xô trước đây sản xuất và bây giờ do Nga nắm trong tay công nghệ này. Điện Kremlin cũng ngay lập tức bác bỏ cáo buộc này. Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể, nhưng “cuộc chiến trục xuất ngoại giao” giữa phương Tây và Nga đã diễn ra với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhiều giả thuyết được đưa ra. Nhưng nếu theo như BBC, dựa trên thông báo chính thức từ cơ quan về môi trường, nông nghiệp và thực phẩm của Anh mới đây thì nhiều khả năng chất đầu độc được sử dụng là ở dạng lỏng chứ không phải dạng khí hay dạng keo như trước đó đã giả định và vì thế kết luận về “Novichok” là ít có cơ sở!?

Với lý do Chính phủ của Tổng thống B.Assad đã sử dụng vũ khí hóa học tại Douma làm hàng chục người chết, tối 13/4, Mỹ, Anh và Pháp đã phóng hơn 100 quả tên lửa tấn công Syria, ngay khi đoàn của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học (OPCW) đang trên đường đến đây và trong lúc đại diện của Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu công bố những thông tin được cho là ngụy tạo xung quanh cáo buộc về vũ khí hóa học này. Cả thế giới nín thở và chỉ mong sao đụng độ quân sự trực tiếp giữa Nga và liên quân (Mỹ - Anh - Pháp) tại chiến trường Syria không trở thành hiện thực. Và dường như cả 2 phía cũng không muốn điều này, cho nên tên lửa đã phóng đi mà phía Nga không mảy may thiệt hại gì.

Những thông tin sau vụ tấn công bằng tên lửa này mà cả 2 phía đã công bố, theo Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự Aleksandr Khramchikhin thì “Sư bảo sư phải – Vãi nói vãi hay”. Bởi mặc dù phía liên quân tuyên bố cuộc tấn công đã đạt được mục tiêu đề ra đó là nhằm vào những cơ sở được nghi là sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học của quân đội Syria thế nhưng tại sao lại không có ai bị thiệt mạng? Chỉ có thể có 2 khả năng hoặc là không một quả tên lửa nào đã bắn trúng mục tiêu hoặc là ở những chỗ đó hoàn toàn không có vũ khí hóa học như phía liên quân đã khẳng định.

Còn từ những tuyên bố của phía Bộ Quốc phòng Nga rằng 71 quả tên lửa đã bị bắn hạ cũng khó mà đánh giá được phần trăm sự thật vì chỉ có đi kiểm đếm những mảnh vỡ tên lửa của đối phương đã bị bắn hạ thì mới có thể kết luận được bằng con số cụ thể!

Theo The New York Times, tối Chủ nhật (15/4) khi xem TV, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới biết về kế hoạch trừng phạt Nga vào ngày hôm sau khi nghe chính Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố như vậy. Cũng theo nguồn tin của NYT thì ông Trump đã nổi giận và chỉ đạo ngừng ngay việc này lại. Sau đó, một cuộc khẩu chiến nhỏ đã nổ ra giữa N.Haley và Larry Kadlow – Cố vấn về kinh tế của Nhà Trắng xung quanh vấn đề này. Nikki Haley thì vẫn một mực khẳng định là bà không bị nhầm lẫn gì cả.

Và những thông tin rất khó có thể tranh cãi!

Trước và kể cả ngay sau sự hiện diện của quân đội Nga tại chiến trường Syria thì vị thế của Tổng thống B.Assad khá là chông chênh vì sự hoành hành của các lực lượng nổi dậy và các thế lực khủng bố. Phương Tây luôn gây áp lực với Nga đòi phế bỏ vị tổng thống này. Thế nhưng kể từ khi quân đội Syria đã gần như kiểm soát được lãnh thổ của mình thì thời gian qua không một từ nào xung quanh chủ đề này còn được phía Mỹ và các đồng minh của mình nhắc tới nữa.

Ngày 29/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Syria coi như đã hoàn thành và cần phải rút hơn 2000 quân nhân Mỹ khỏi đây ngay trong thời gian tới. Tuy nhiên chỉ sau chưa đầy một tuần, Tổng thống Mỹ lại cải chính tuyên bố của mình rằng việc rút quân có thể sẽ phải trì hoãn.

Mặc dù kết quả thực sự của cuộc tấn công bằng tên lửa đêm 13/4 vừa qua là rất khó kiểm chứng, nhưng với giá một quả tên lửa Tomahawk chừng 1,5 triệu USD thì hơn 100 quả đã bắn đi (như lời tuyên bố của liên quân) thì số tiền đã “ném vào không khí” trong vòng chỉ chưa tới 2 tiếng đồng hồ là không hề nhỏ. Chi phí của ngân sách Mỹ cho khu vực này như chính lời ông Trump đã nói quả thật là khổng lồ!

Năm 2014 khi Mỹ và phương Tây bắt đầu chiến dịch cấm vận Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea, thời điểm đó giá dầu bắt đầu “nhấp nhổm” tụt dốc. Kinh tế Nga chững lại và phát triển âm. Còn hiện nay, theo dự báo giá dầu mỏ khó mà xuống dưới 60 USD/thùng. Kinh tế của Nga bắt đầu tăng trưởng trở lại. Lúa mì, thịt các loại cung vượt cầu buộc chính phủ phải tìm kiếm thị trường để xuất khẩu!

Như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov thì quan hệ giữa Nga và phương Tây hiện nay có phần còn căng thẳng hơn so với thời kỳ “chiến tranh lạnh” và mặc dù có “khẩu chiến” đến đâu thì cũng không thể phủ nhận ông Vladimir Putin đã và vẫn tiếp tục là Tổng thống LB Nga trong vòng 6 năm nữa. Ngay cả việc Tổng thống Mỹ gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga có muộn hơn so với nhiều đồng cấp khác thì tiếp tục đối thoại  giữa hai siêu cường có lẽ vẫn là con đường không thể né tránh. Ngay cả Tổng thống Pháp E.Macron mới đây cũng khẳng định, kế hoạch đến Moscow trong tháng Năm tới vẫn không có gì thay đổi. Còn Thủ tướng Đức A.Merkel bày tỏ: “Tôi ủng hộ việc đối thoại với LB Nga. Nếu chúng ta muốn đạt được những tiến trình về hoà bình, đặc biệt là tại Syria thì việc duy trì đối thoại với nước Nga là hết sức cần thiết…”.

Thời đại thông tin, thật khó mà giấu diếm mãi được sự thật. Đôi khi công nghệ bóp méo thông tin để đạt được một mục đích nào đó lại được tận dụng tối đa. Tuy nhiên, có một sự thật là súng đạn, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ càng đẩy thế giới tới những hỗn loạn. Và thực sự là những nỗi đau mất mát: Mất người thân, mất quê hương, mất sự yên bình… cần phải được cứu rỗi nhờ đối thoại, nhờ hợp tác và nhờ những vòng tay nhân ái.

Phạm Hoàng