Đây là phản ứng đầu tiên của Washington với vụ tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures có trụ sở tại Mỹ mà Bình Nhưỡng bị cáo buộc là thủ phạm.
Theo AFP, Tổng thống Barack Obama đã ủy quyền cho Bộ Tài chính Mỹ lên danh sách đen 3 tổ chức tình báo và vũ khí hàng đầu của Bình Nhưỡng cũng như 10 quan chức chính phủ mà hầu hết những người này đều liên quan đến hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này.
Tổng thống Obama nhấn mạnh ông ra lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt này vì cái mà ông gọi là những hành động và chính sách khiêu khích, gây bất ổn của Chính phủ Triều Tiên, kể cả những hành động phá hoại liên quan đến không gian mạng trong các tháng 11-12/2014.
Theo ông Obama, những hoạt động đó “tiếp tục tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ.
Trước đó, Mỹ quả quyết rằng Triều Tiên đã xâm nhập mạng máy tính của hãng phim Sony Pictures và làm rò rỉ nhiều thông tin bất chấp việc các nhà điều tra tư nhân cho rằng vụ tấn công mạng trên là do một cựu nhân viên bất mãn ở công ty thực hiện.
Xung quanh bộ phim hài giả tưởng
"The Interview" là bộ phim hài-hành động với Seth Rogen và James Franco vào vai các phóng viên truyền hình phỏng vấn ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo Triều Tiên. Sau đó, các phóng viên được Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giao nhiệm vụ ám sát lãnh đạo Triều Tiên, theo AFP.
Bộ phim do hãng Sony Pictures sản xuất và dự định công chiếu vào ngày 25/12.
Ngày 24/11, một nhóm tự xưng "Người giám hộ hòa bình" đã tấn công và làm tê liệt hệ thống máy tính của hãng phim này, đồng thời đánh cắp và đăng tải trên mạng dữ liệu cá nhân của hàng chục nghìn nhân viên cùng một số bộ phim chưa được phát hành.
Ngày 17/12, hãng này đột ngột tuyên bố hủy phát hành bộ phim do “phần lớn các rạp phim đều từ chối chiếu bộ phim này”.
Ngày 19/12, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã có đầy đủ thông tin để kết luận Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ tấn công sau khi điều tra nguyên nhân của vụ tấn công có liên quan đến bộ phim hài "The Interview".
ABC News ngày 19/12 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng trước sự kiện Sony Pictures quyết định hủy việc phát hành bộ phim The Interview sau một loạt các vụ tấn công mạng nhằm vào hãng này.
Trước vụ việc này, Triều Tiên đã khẳng định cáo buộc của Mỹ rằng Bình Nhưỡng có liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào Hãng Sony Pictures là "vô căn cứ" và đề nghị tiến hành cuộc điều tra chung với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cảnh báo “những hậu quả nghiêm trọng” nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những cáo buộc chống Triều Tiên.
Ngày 22/12, hệ thống Internet của Triều Tiên bất ngờ bị "đánh sập" trong 9 giờ đồng hồ, làm dấy lên đồn đoán rằng quốc gia này là mục tiêu tấn công của giới chức an ninh mạng Mỹ. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 23/12 đã từ chối bình luận về vụ việc trên, song nhấn mạnh khả năng đáp trả của Washington "không liên quan tới những diễn biến xảy ra trong 24 giờ qua".
Tiếp tục “vào lúc 19h30 ngày 27/12 (theo giờ Bình Nhưỡng), mạng Internet và mạng thông tin di động 3G của Triều Tiên đã bị tê liệt và đến lúc 21h30 cùng ngày vẫn chưa thể hoạt động bình thường”. Trong cả ngày 27/12, mạng Internet của Triều Tiên hoạt động “rất không ổn định".
Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về vụ sập mạng Internet tại Triều Tiên trong bối cảnh giữa hai nước đang xảy ra đối đầu liên quan tới vụ hãng phim Sony Pictures bị tin tặc tấn công.
Xunh quanh “The Interview”, Triều Tiên lên án phim là "một hành động chiến tranh" cũng như bác bỏ việc liên quan đến vụ xâm nhập mạng.
BT