Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Buổi chia sẻ và cập nhật dịch bệnh COVID-19 cho các bác sĩ trẻ tại Đại học Y Hà Nội ngày 20/2. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Theo Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội, cũng là thành viên của mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chia sẻ, Coronavirus thường gây ra các biểu hiện bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật. Bệnh thường hay xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.
Tính đến nay, đã có 3 chủng Coronavirus có thể tiến hóa và gây bệnh nặng ở người, đó là dịch SARS năm 2003, dịch MERS-CoV ở khu vực Trung Đông và dịch COVID-19. Trong đó, tỷ lệ tử vong của dịch SARS khoảng 10%, MERS- CoV 34% và dịch COVID-19 hiện nay gần 3%.
Mọi người ở tất cả lứa tuổi đều có thể nhiễm COVID-19, trong đó người già và người có bệnh lý nền như hen, tiểu đường, bệnh tim có thể dễ bị tổn thương hơn và diễn biến nặng hơn.
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt cũng chia sẻ, hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng động vật nuôi như chó, mèo có thể nhiễm virus Corona mới này. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với động vật nuôi, các bác sĩ vẫn cần khuyến cáo người dân nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Điều này sẽ giúp bảo vệ con người khỏi nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người như E.coli và Salmonella.
![]() |
Bác sĩ Vũ Quốc Đạt chia sẻ thông tin cập nhật về dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Liên quan đến thông tin sử dụng dầu mè (vừng) có thể ngăn được dịch COVID-19, Bác sĩ Vũ Quốc Đạt khẳng định, dầu mè không diệt được virus Corona. Một số hóa chất khử trùng có thể diệt được virus corona ở các bề mặt như các chất tẩy rửa khử trùng có chứa Chlorine, dung môi ete, cồn 75%, axit peracetic và chloro form. Tuy nhiên, các chất này có rất ít hoặc không có tác dụng với virus nếu được thoa trên da hoặc nhỏ mũi, thậm chí thoa trên da có thể gây nguy hiểm.
Chuyên gia về lâm sàng này cũng chia sẻ với các bác sĩ trẻ về dự phòng lây nhiễm qua giọt bắn và dự phòng lây nhiễm qua không khí khi thực hiện các thủ thuật tăng nguy cơ lây truyền như hút kín hoặc hút qua ống mở khí quản chất tiết đường hô hấp, đặt nội khí quản, nội soi phế quản…
Cũng tại buổi cập nhật về dịch bệnh COVID-19 này, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương cũng chia sẻ, biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh do virus Corona mới vẫn còn rất khó vì có những bệnh nhân chỉ có triệu chứng thoáng qua, thậm chí không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần có sự can thiệp cách ly tốt ngay từ đầu, vì bệnh này cũng giống như cúm nếu không làm cách ly tốt thì bệnh lây rất nhanh.
Hiện tại, vật chủ lây bệnh cho người vẫn còn đang “tranh cãi”, đường lây cũng còn nhiều ẩn chứa, cách thức tấn công hệ miễn dịch cũng chưa thật rõ ràng. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan.
Các chuyên gia cũng chia sẻ chẩn đoán các ca bệnh nghi ngờ như người bệnh sốt, viêm đường hô hấp cấp tính nhưng không lý giải được bằng các căn nguyên khác và có tiền sử đi /ở/đến vùng có dịch trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh…
Các ca bệnh có thể là những trường hợp bệnh nghi ngờ nhưng không thể lấy bệnh phẩm xét nghiệm hoặc chưa có kết quả xét nghiệm, còn ca bệnh xác định là trường hợp nghi ngờ hoặc có thể đã được khẳng định bằng xét nghiệm hoặc bằng kỹ thuật giải trình tự gene…
Thúy Hà