Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để tìm kiếm các giải pháp giúp doanh nghiệp phòng tránh các tranh chấp thương mại có thể xảy ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Bộ Tư pháp và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Những cảnh báo về tranh chấp thương mại”, ngày 28/6, tại Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng dang dở của nhiều dự án, khiến không ít doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh vừa là con nợ đồng thời cũng là chủ nợ trong nhiều quan hệ kinh tế chồng chéo giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Qua thời gian, vấn đề không được giải quyết sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh nợ nần và mất khả năng trả nợ hay đáp ứng những điều khoản đã ký với các đối tượng liên quan. Từ tình huống này sẽ phát sinh nhiều loại tranh chấp với chính quyền địa phương, các nhà thầu và các hộ dân trong phạm vi giải tỏa, đền bù dự án…
Nhiều nhất lại là tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, với các trường hợp chủ yếu là thoái thác nghĩa vụ của hợp đồng như: yêu cầu điều chỉnh hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, đơn phương hủy hợp đồng đã ký với đối tác. Hơn thế, có trường hợp doanh nghiệp tuyên bố giải thể hoặc làm thủ tục phá sản nhằm chạy nợ.
Luật sư Châu Huy Quang, trọng tài viên của VIAC, cho rằng để ngăn ngừa các tranh chấp thương mại trong thực hiện hợp đồng kinh tế, các doanh nghiệp cần điều tra cẩn trọng các thông tin về đối tác, tình hình tài chính của đối tác, tính pháp lý và tiền sử giao dịch, cần xây dựng chế tài và các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, thế chấp...; đánh giá và loại bỏ các căn cứ mà đối tác có thể thoái thác nghĩa vụ hợp đồng.
Ông Quang dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp ký hợp đồng bán sắn theo hình thức trả sau với doanh nghiệp khác và khi dư nợ lên tới 100 tỷ đồng thì đối tác tuyên bố phá sản và tranh chấp xảy ra nhưng rút cục qua việc tốn kém nhiều thời gian công sức, bên bị hại chỉ thu về được gần 100 triệu đồng. Đồng thời, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, lại nảy sinh ra các tranh chấp giữa người lao động và chủ, do mâu thuẫn trong việc đền bù chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, vấn đề đặt ra là cần có những biện pháp khả dĩ để ngăn ngừa tranh chấp, chủ động giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần chỉ đạo bộ phận pháp lý của mình soạn thảo những điều khoản, nội dung chặt chẽ; có biện pháp phòng ngừa bằng cách yêu cầu đối tác đặt cọc, thế chấp hoặc thực hiện bảo lãnh từ bên thứ 3 hoặc ngân hàng… để bảo đảm niềm tin ban đầu. Khi thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc những thỏa thuận, chủ động đàm phán với đối tác về những tình huống mới phát sinh, thực hiện việc lập biên bản các cuộc gặp và lưu trữ tài liệu đã giao dịch. Việc giải quyết bằng cách đưa ra tòa án là biện pháp có tính cưỡng chế cao nhất nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ kéo dài về thời gian và phát sinh thiệt hại.
Văn Chính