Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuy nhiên, hạ tầng tốt, nhiều ưu đãi, dịch vụ một cửa… cũng chưa đủ thu hút nếu môi trường đầu tư không có các dịch vụ tiện ích chất lượng cao cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản.
Cơ hội của Việt Nam
Ông Hideo Ohkubo – Chủ tịch Ủy ban xúc tiến triển khai toàn cầu công ty vừa và nhỏ, Hiệp hội doanh nghiệp Tokyo - cho biết 5 vấn đề lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt.
Cụ thể, với một xã hội “nhiều già ít trẻ”, Nhật Bản đang trong tình cảnh thị trường quốc nội dần bị thu hẹp. Sự sụt giảm tiêu thụ trong nước kéo dài. Các ngành xuất khẩu trì trệ do đồng Yên tăng giá liên tục. Năng lực cạnh tranh quốc tế của thương hiệu Nhật đã giảm mạnh do các quốc gia châu Á đang ngày càng vượt lên. Thêm vào đó, trận động đất năm trước đã làm cho các doanh nghiệp Nhật rơi vào tình trạng sa sút trầm trọng, hoạt động trì trệ khiến năng lực cạnh tranh quốc tế của Nhật Bản giảm sút.
Ông Hiedo Suzuki, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết, để vực dậy tình trạng sụt giảm, để phục hồi “một nước Nhật đầy sức sống”, một chiến lược phát triển mới được đặt ra. Trong đó, một kế hoạch “tiến ra nước ngoài”, đặc biệt là khu vực châu Á đang là đối sách của Nhật Bản và đây cũng được coi là “việc cần làm ngay”. Để thực hiện được kế hoạch này, Nhật Bản đã xây dựng một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài.
Nhật Bản là một nước đầu tư ra nước ngoài khá lớn, tính theo số vốn đầu tư, nhưng chủ yếu là đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Hầu như chưa có doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài. Theo ông Heido Ohkubo, một ví dụ là trong số 220.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế tạo, có tới 97,3 % chỉ làm ăn trong nước.
Tại Việt Nam, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư, với 23,6 tỷ USD và 1.667 dự án.
Kết quả điều tra đầu tư hải ngoại của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho thấy, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Còn theo điều tra trực tuyến của Thời báo kinh tế Nhật Bản Nikkei, Việt Nam đuợc lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Với tư cách là thị truờng tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và Indonesia.
Thế nhưng, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hiện vẫn còn e ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Cần nâng cao hơn chất lượng môi trường đầu tư
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), một nguyên nhân khiến doanh nghiệp Nhật Bản e ngại trước quyết định đầu tư vào Việt Nam là thiếu thông tin về cơ hội đầu tư, môi trường đầu tư và các thông tin về các khu công nghiệp Việt Nam. Với 283 khu công nghiệp đã được thành lập ở 58 tỉnh, thành phố và có tới 35% diện tích còn trống, Việt Nam mong muốn kết nối được chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản.
Nhưng như ông Yoshifumi Tsujio, chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng để hút được doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, các khu công nghiệp ở Việt Nam cần có thêm những điều kiện cần khác. Những chính sách ưu đãi và nỗ lực phát triển khu công nghiệp của Chính phủ và các địa phương mới chỉ là điều kiện đủ.
Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm lực kinh tế mạnh, yếu tố tác động lớn hơn đến quyết định đầu tư là việc khu công nghiệp đã chuẩn bị xong cơ sở hạ tầng. Và nếu đã có một doanh nghiệp lớn của Nhật Bản ở đó thì đó là lời quảng bá tin tưởng nhất.
Đồng thời, doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn có những dịch vụ một cửa thuận tiện, đầy đủ, có đủ nhân viên nói tiếng Nhật. Việc tạo môi trường làm việc thuận tiện cực kỳ quan trọng, các dịch vụ tại khu công nghiệp cần đáp ứng được các yêu cầu khá khắt khe của nhà đầu tư Nhật về điều kiện sống như các bệnh viện, trường học, hay nhà hàng Nhật Bản, khu giải trí…
Còn ông Hideo Ohkubo dẫn chứng, việc chậm trễ trong việc khắc phục sự cố công nghệ thông tin như đường truyền, hay nhà xưởng không phù hợp về diện tích, hệ thống đường sá bất tiện và điện, nước sạch không ổn định sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Nhật.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, hiện nay, ngoài các đơn vị xúc tiến đầu tư trong nước, Việt Nam cũng chú trọng hợp tác với các đơn vị tư vấn đầu tư nước ngoài có uy tín. Ví dụ, Forval là tập đoàn lớn, rất có uy tín của Nhật Bản trong hoạt động tư vấn đầu tư nước ngoài với số lượng đối tác lên đến 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản. Các đơn vị tư vấn đầu tư như Forval sẽ hỗ trợ hiệu quả trong việc phát triển các khu công nghiệp Việt Nam, hướng tới giải pháp liên kết tạo đột phá trong công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy thu hút đầu từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản vào các khu công nghiệp.
Huy Thắng