Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Hội nghị tổng kết dự án thành lập và hoạt động văn phòng phát triển chương trình hợp tác PPP - Ảnh Chinhphu.vn |
Cơ hội đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại với những dự án quy mô lớn, biến đổi cơ bản về chất so với hiện tại, điều này đòi hỏi phải có một nguồn lực to lớn ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Một phần quan trọng của nguồn vốn này là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước trong hợp tác đầu tư Nhà nước - Tư nhân (PPP) cần được áp dụng mạnh mẽ sâu rộng trong cả phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội.
Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB) đã xây dựng chương trình hợp tác nhà nước và tư nhân, tạo một đòn bẩy khuyến khích đầu tư tư nhân trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Theo ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Dự án thành lập và hoạt động Văn phòng phát triển chương trình hợp tác nhà nước và tư nhân tại Việt Nam do WB tài trợ với tổng số vốn là 450.000 USD, trong đó 375.000 USD là từ WB, số còn lại 75.000 USD sẽ là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án này hoạt động từ tháng 3/2009 và dự kiến kết thúc ngày 31/10/2011 sau 2 lần gia hạn Hiệp định.
Theo đó, dự án nhằm xây dựng một hành lang pháp lý nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP. Các hoạt động chủ yếu là xúc tiến các chương trình dự án PPP dựa trên khung pháp lý thành công từ các dự án thí điểm, nghiên cứu, hoàn thiện việc ưu đãi, thu hút đầu tư theo hình thức PPP.
Ban Quản lý dự án đề ra mục tiêu ngắn hạn là nhằm xây dựng năng lực điều phối hoạt động giữa các cơ quan liên quan đến PPP trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và xây dựng dự án thí điểm.
Dự án này sẽ hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải xây dựng khung thể chế cho dự án đường bộ đầu tiên thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là Dự án Dầu Giây - Phan Thiết và các tư vấn hỗ trợ nghiên cứu đánh giá môi trường và xã hội của dự án. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu trên.
Do đây là dự án thí điểm đầu tiên ở Việt Nam cũng là dự án áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế để tiếp cận thị trường nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể là hỗ trợ dự án Dầu Giây - Phan Thiết trên cơ sở cạnh tranh để đảm bảo tính khả thi của dự án về tài chính và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ông Kamran Khan, Trưởng nhóm PPP của WB cho rằng, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong khu vực về triển khai PPP. Thời gian này, thay vì số lượng, cần tập trung triển khai một vài dự án PPP có khả năng thành công cao. Từ những thành công của các dự án thí điểm, sẽ tiếp tục quá trình xây dựng thể chế nâng cao hiệu quả hình thức PPP trong điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Sự thành công của dự án sẽ tạo ra sự tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường PPP quốc tế.
Triển khai hợp tác công tư “vừa làm vừa học”
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Việc phân bổ nguồn lực cho dự án chưa tương xứng với các mục tiêu dự án đề ra, gây khó khăn cho việc lựa chọn các chiến lược thực hiện mục tiêu lâu dài của dự án mà đặc biệt là ở việc lựa chọn các dự án tiềm năng.
Thực tế, mặc dù khá nhiều nước áp dụng mô hình PPP nhưng không phải nước nào cũng thành công. Nhiều dự án PPP ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã thất bại vì có nhiều rủi ro và không đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư.
Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, việc triển khai các dự án PPP còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Chẳng hạn đối ngành giao thông, kinh nghiệm các nước cho thấy những dự án thuộc lĩnh vực này thường đứng trước những khó khăn như quá trình đấu thầu đôi khi không được thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch, không tiên lượng được hết các rủi ro có thể xảy ra...
Việc giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, cần phải triển khai trước khi phát hành hồ sơ mời thầu.
Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là làm sao thu hồi được đầy đủ chi phí của dự án. Qua thực tế có thể thấy một số dự án nhỏ thuộc vài lĩnh vực nhất định trong giao thông vận tải mới có khả năng thu hồi được đầy đủ chi phí và có lãi...
Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế mới nhằm biến dự án đầu tư phát triển như các dự án cơ sở hạ tầng thành dự án mang tính thương mại, có khả năng thu hồi vốn và có lãi đang là vấn đề cần đặt ra trong thời gian tới để làm sao thể hiện được cam kết của Chính phủ, chia sẻ rủi ro trong quan hệ hợp tác PPP.
Văn Chính