Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chính phủ sẽ bàn một số nội dung chính như tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019; công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và một số vấn đề khác…
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%.
Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 23 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như việc giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ làm gia tăng sức ép lạm phát. Trong quý I/2019, giá dầu thế giới đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng qua, tăng 27%. Xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực tăng chậm hoặc giảm; giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Bên cạnh đánh giá tình hình, phân tích các tồn tại, hạn chế, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận các giải pháp để bảo đảm đạt các mục tiêu đã đề ra trong năm “bứt phá” 2019 khi mà nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và trong quý II là rất nặng nề.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp này.
Đức Tuân