• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Trả lời chất vấn: Thể hiện rõ trách nhiệm với cử tri và đất nước

(Chinhphu.vn) - Ý kiến nhiều cử tri đánh giá, các thành viên Chính phủ trả lời đầy đủ và thỏa đáng với chất vấn, tranh luận của đại biểu quốc hội. Điều đó thể hiện sự chuẩn bị cẩn thận và mối quan tâm thường trực, sát thực tế của thành viên Chính phủ.

09/11/2020 19:36

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV nhận được sự quan tâm lớn của cử tri cả nước. Báo Điện tử Chính phủ đã ghi nhận nhiều ý kiến của chuyên gia, cử tri cả nước về phần trả lời của các thành viên Chính phủ. Các ý kiến trao đổi đều nhấn mạnh phần trả lời chất vấn đã thể hiện rõ ràng trách nhiệm với cử tri và đất nước.


Cử tri Nguyễn Hữu Lộc
Nghị trường không lúc nào ‘nguội’

Cử tri Nguyễn Hữu Lộc, 63 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Cục Hàng hải (Bộ GTVT) đánh giá, sang ngày thứ hai của phiên chất vấn, nghị trường không lúc nào “nguội”, chỉ trong 90 phút mà có hơn 15 bộ trưởng được các đại biểu chất vấn, với nhiều vấn đề nóng được cử tri rất quan tâm.

“Để thực hiện được điều đó buộc người hỏi phải nắm rõ vấn đề định hỏi, cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn, không còn việc lý giải dài dòng, rườm rà khiến người bị hỏi không hiểu hoặc trả lời né tránh, không đi vào trọng tâm câu hỏi, gây mất thời gian và cử tri cũng khó nắm bắt được vấn đề”, ông Lộc nhận xét.

Cử tri Nguyễn Hữu Lộc đặc biệt ấn tượng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng với nội dung: Việc liên thông thủ tục hành chính (TTHC) giúp người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, chỉ nộp 1 bộ hồ sơ để thực hiện 3 TTHC liên thông: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất; chấm dứt “việc người đã chết rồi mà vẫn có tên trong danh sách cử tri đi bầu cử”.

Ông Nguyễn Hữu Lộc cho rằng, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 phê duyệt Đề án liên thông các TTHC thì các thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí có nhiều bất cập. Người dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước phải khai nhiều thông tin trùng lặp, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… và phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục. 

“Việc Chính phủ triển khai Đề án đã tạo điều kiện thuận lợi về những thủ tục hành chính cho tất cả chúng ta. Không chỉ chính xác hơn, rút gọn hơn, tiết kiệm thời gian hơn, tiết kiệm tiền bạc hơn… mà còn góp phần xây dựng lòng tin của nhân dân với bộ máy công chức, viên chức. Lòng tin của nhân dân mới chính là “cái được” lớn nhất của Chính phủ”, ông Nguyễn Hữu Lộc nhận xét.

Đánh giá chung về trả lời của các thành viên Chính phủ, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận: Các thành viên Chính phủ trả lời đầy đủ và thỏa đáng với chất vấn, tranh luận của đại biểu quốc hội. Điều đó thể hiện sự chuẩn bị cẩn thận và mối quan tâm thường trực, sát thực tế của thành viên Chính phủ.

Theo GS. Lạng, sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ cũng cần tăng cường hơn nữa để cùng giải quyết một vấn đề nhưng liên quan đến nhiều cơ quan. Một cơ quan không thể tự giải quyết thấu đáo một vấn đề phức tạp liên quan nhiều bộ, ban, ngành, địa phương, công dân.

Việc trả lời trực tiếp các thành viên Chính phủ cho thấy vấn đề đã được hiểu cụ thể và tạo sự tin tưởng của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước cũng như giới quan sát quốc tế.


PGS.TS Nguyễn Thường Lạng
Bám sát những vấn đề thực tế

Cử tri Trịnh Văn Phượng, 65 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xăng dầu Thụy Dương thì nhận xét, bước sang ngày thứ hai, phiên chất vấn Quốc hội kỳ này thực sự “thoả mãn”. Bởi nội dung tại phiên chất vấn ngắn gọn, súc tích, bám sát những vấn đề thực tế, bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân trước Quốc hội. 

Cử tri Phượng ấn tượng bởi phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp. Ông Phượng cho rằng, “đạo đức xuống cấp” là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, mọi người dân. Bởi, như Phó Thủ tướng nói, không ai có thể  nói mình không cần tiếp tục tu dưỡng về đạo đức hay tất cả các hành vi ứng xử của mình đều đã là tối ưu, chuẩn mực.

“Phó Thủ tướng Đam có nói về tình trạng những hành vi bị đồng tiền chi phối là tình trạng hằng ngày diễn ra với mỗi chúng ta. Tôi cho rằng, những người lãnh đạo Chính phủ của nhiệm kỳ này đã có cái nhìn rất thẳng, rất trực diện vào các vấn đề của xã hội. Và chỉ khi nào nhìn nhận đúng, chúng ta mới có giải pháp đúng”, cử tri Trịnh Văn Phượng nói.

Với phần trả lời của các Bộ trưởng, ông Trịnh Văn Phương đánh giá, cách hỏi của các đại biểu năm nay sắc xảo hơn những năm trước thì trả lời của các Bộ trưởng cũng thẳng thắn, trực diện hơn, đi thẳng vào vấn đề, bên cạnh những nguyên nhân khách quan cũng nêu rõ trách nhiệm của bộ, ngành quản lý chưa hiệu quả.

“Để nhân dân và cử tri cả nước ngày càng quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng hơn vào hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như đặt niềm tin vào vai trò của đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng các phiên chất vấn cần tiếp tục phát huy dân chủ; các đại biểu chất vấn cần thẳng thắn đề xuất, kiến nghị giải pháp phát huy mặt tốt và khắc phục mặt chưa tốt; đồng thời người được chất vấn cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, nhận lấy trách nhiệm và nỗ lực trong khắc phục yếu kém về quản lý, xây dựng phát triển”, cử tri Trịnh Văn Phượng đề nghị.

Qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cử tri Hà Phương Lan (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp) bày tỏ tin tưởng mục tiêu giải pháp để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với những thuận lợi từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, để đồng bào “không bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc cách mạng này. Bà Lan đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc trong chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi thì ưu tiên đầu tiên là giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến, để cho con em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất hiện nay. Tiếp theo là vấn đề y tế, vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ nên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho bà con.

Cử tri Hà Phương Lan cũng đồng tình với Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái về trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp trực tiếp thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

Nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, tránh cực đoan

Cử tri Nguyễn Chiến Thắng (Phòng Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân) nhận xét: “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay có chất lượng rất cao. Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề thẳng thắn, mang tính xây dựng cao, nêu lên nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Các thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, phân tích và đánh giá vấn đề một cách toàn diện, sâu sắc. Điều đó cho thấy, các vị tư lệnh ngành đã có một nhiệm kỳ rất sâu sát trong lĩnh vực mình quản lý”.

Cử tri Thắng bày tỏ: “Tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề của các thành viên Chính phủ rằng cần nhìn nhận mỗi vấn đề một cách toàn diện. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tới những đức tính tốt đẹp, theo tôi đã trở thành truyền thống của người Việt Nam. Đó là truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Đó là truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’, đoàn kết, nhân ái, bao dung. Đó là truyền thống thân thiện, cởi mở. Đó là truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa. Đó là truyền thống cần cù, chịu khó… Bởi thế, tôi rất đồng tình với quan điểm không nên vì những hiện tượng đơn lẻ mà vội quy kết về sự xuống cấp đạo đức của cả một xã hội, cả một quốc gia, cả một dân tộc”.

Anh Nguyễn Chiến Thắng cũng đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. “Đây đó vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đâu đó vẫn còn tình trạng ‘mọc’ thêm giấy phép này, giấy phép kia. Đó là việc chúng ta phải tiếp tục xử lý, chiến đấu dài lâu, vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ và lợi ích cá nhân không dễ gì loại bỏ toàn bộ, triệt để. Nhưng đánh giá về nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thì phải nhìn nhận một cách toàn diện, thấu đáo. Tại sao vị trí xếp hạng về nhiều mặt của nước ta trên trường quốc tế ngày càng tốt hơn? Tại sao doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên hàng đầu? Đó là nhờ một phần rất quan trọng ở nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo ra một môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận tiện. Bản thân tôi khi đi thực hiện một số thủ tục hành chính về hộ tịch, nhà đất cũng nhận thấy những cải cách rất rõ nét, thuận tiện hơn rất nhiều và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách cũng rất tốt. Đó là những chuyển biến cần được khuyến khích, biểu dương”, anh Thắng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga
Tư lệnh ngành nắm rất chắc các lĩnh vực phụ trách

Về phiên chất vấn ngày 11/9, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.

Theo bà Nga, lĩnh vực NN&PTNT luôn là lĩnh vực được số đông cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.“Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng trả lời rành mạch, rõ ràng từng vấn đề mà đại biểu chất vấn, nắm rất chắc các lĩnh vực mà mình phụ trách, nhớ chính xác từng số liệu”, bà Nga nhận xét.

Đặc biệt với những kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi và quá trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện nay để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, bà Nga cũng rất kỳ vọng vào thông tin Bộ trưởng đưa ra là theo các nhà khoa học, nếu điều kiện thuận lợi thì quý III/2021 sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi sử dụng.

Về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, bà Nga nhìn nhận: Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng khá đầy đủ và thẳng thắn. Bộ trưởng sẵn sàng ghi nhận những kiến nghị, ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội và cử tri thông qua chất vấn. Bên cạnh những việc đã triển khai và đạt kết quả tốt trong thời gian qua, bà Nga góp ý Bộ LĐTB&XH cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, kịp thời xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện luật. Chất lượng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện luật cũng cần được nâng cao hơn nữa, tránh việc có văn bản hướng dẫn vừa ban hành đã liên tục phải chỉnh sửa, bổ sung do chưa phù hợp và thiếu những quy định cụ thể.

Ông Vũ Lê Huy,  Công ty Cổ phần Xây dựng Kubo Việt Nam cũng đánh giá cao phần trả lời của Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về kế hoạch cơ cấu hệ thống trường dạy nghề hướng tới đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, cạnh tranh được với các nước.

Như Bộ trưởng cho biết, sau 3 năm tổ chức việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này, đến nay, cả nước đã hoàn thiện toàn bộ mạng lưới quy hoạch bằng pháp luật. Các địa phương, cơ sở, bộ ngành cũng đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp các đơn vị trong mạng lưới này.

“Chúng tôi là doanh nghiệp, luôn cần những lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Chính vì vậy tôi rất đồng thuận với quyết tâm kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém, 3 năm liền hoạt động không hiệu quả, đồng thời sáp nhập các cơ sở có trùng chức năng, nội dung đào tạo. Mục tiêu, mỗi địa phương chỉ còn lại 1-2 cơ sở. Các cơ sở này sẽ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo 3 hệ trung cấp, cao đẳng và sơ cấp theo hướng mở”, ông Huy cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều cử tri mong muốn kéo dài thời gian chất vấn để các đại biểu và các thành viên Chính phủ trao đổi rõ hơn về những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội. Việc tăng thời lượng chất vấn sẽ giúp các đại biểu trình bày và hỏi được hết ý kiến của mình. Bên cạnh đó, việc tăng thời lượng trong các phiên chất vấn cũng sẽ giúp cho ý kiến trả lời của các thành viên Chính phủ có thời gian giải đáp cụ thể hơn, rõ ràng hơn những thắc mắc của đại biểu.

Nhóm PV Thời sự