• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3.

09/03/2021 09:19

Quy định mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thay thế Nghị định 59/2015/NĐ-CP, Nghị định 42/2017/NĐ-CP; Điều 1, Điều 4, từ Phụ lục I-IX Nghị định 100/2018/NĐ-CP.

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP nêu rõ, khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển và đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh.

Khuyến khích áp dụng mô hình thông tin công trình (sau đây gọi tắt là BIM), giải pháp công nghệ số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng BIM, giải pháp công nghệ số khi quyết định dự án đầu tư xây dựng.

Quy định về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài

Nghị định số 15/2021/NĐ-CP nêu rõ quy định về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài (gọi chung là tiêu chuẩn nước ngoài); tiêu chuẩn cơ sở; vật liệu và công nghệ mới trong hoạt động xây dựng.

Theo đó, việc lựa chọn, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, trong thuyết minh thiết kế xây dựng hoặc chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có), phải có đánh giá về tính tương thích, đồng bộ và sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và ưu tiên sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi.

Khi áp dụng tiêu chuẩn cơ sở thì phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tính tương thích, đồng bộ với các tiêu chuẩn có liên quan. Việc công bố các tiêu chuẩn cơ sở phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình được quy định tại các pháp luật khác có liên quan.

Việc sử dụng vật liệu, công nghệ mới lần đầu được áp dụng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tương thích với các tiêu chuẩn có liên quan; đảm bảo tính khả thi, sự bền vững, an toàn và hiệu quả.

Hình thức quản lý dự án

Nghị định quy định đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Cụ thể, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn.

Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo quy định trên, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

Còn đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.

Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

 

Nghiên cứu phản ánh nhiều địa phương điều chỉnh Bảng giá đất

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu phản ánh nhiều địa phương đang điều chỉnh Bảng giá đất, việc tăng bảng giá đất làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất.

Báo điện tử Tuổi trẻ ngày 2/3/2021 có bài viết "Đừng tăng giá đất làm ngạt thở thêm, kìm giá đất giúp dân" có phản ánh: Trước việc nhiều địa phương đang điều chỉnh Bảng giá đất, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh cần cân nhắc để doanh nghiệp phục hồi, phát triển để thu lâu dài. Việc tăng bảng giá đất làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần sự tiếp sức của Nhà nước, vì vậy không nên tăng giá đất. Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng: việc tăng bảng giá đất địa phương có tác động tới thu hút đầu tư nước ngoài...

Về phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và xử lý.

 

Phú Yên hướng tới đô thị số, xã hội số

Phú Yên cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới đô thị số, xã hội số. Đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền trong việc thực hiện các dự án.

Năm 2020 dù bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, chính quyền, người dân, doanh nghiệp, tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội; trong đó 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 3,69% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GRDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 3,8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 5.217,7 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông - lâm - tăng 1,7% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh tuy chưa được cải thiện như các tỉnh khác nhưng những năm gần đây đều có xu hướng tăng bậc. Công tác văn hóa xã hội được chú trọng các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,54%, mức giảm đạt 1,39%/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cần nhìn nhận nghiêm túc những bất cập, tồn tại thời gian qua: Hầu hết các chỉ số của Tỉnh (chỉ số năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính) đều ở mức độ thấp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, nhiều dự án xử lý còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tiến độ xây dựng của nhiều công trình, dự án quan trọng còn chậm; cải cách hành chính nhà nước tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Phú Yên cần tập trung khắc phục những khó khăn, vượt qua thách thức, cùng cả nước tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép”; đồng thời phát huy các tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa cơ hội phát triển.

Thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh, có thương hiệu.

Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế, để triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Tiếp tục trồng và bảo vệ rừng, triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh một cách thực chất, sáng tạo, hiệu quả, bền vững, không phô trương, hình thức theo hướng huy động tối đa nguồn lực xã hội. Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh (chỉ số năng lực cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính…), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng minh bạch, thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt kế hoạch số lượng doanh nghiệp thành lập mới; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, hướng tới đô thị số, xã hội số. Đặc biệt làm tốt công tác dân vận chính quyền trong việc thực hiện các dự án.

 

Bổ sung quy định cơ quan giúp việc BCĐ toàn dân xây dựng đời sống văn hóa

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ban hành kèm theo Quyết định số 159/QĐ-TTg ngày 15/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bổ sung quy định cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phân công đơn vị trực thuộc Bộ làm đầu mối giúp việc Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ: Tham mưu xây dựng Kế hoạch, Chương trình thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả các nội dung của Phong trào.

Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động; kiểm tra; tổng hợp; sơ kết; tổng kết giai đoạn; đánh giá hoạt động của Phong trào hàng năm; thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao.

Quyết định cũng bãi bỏ Chương IV về tổ chức và hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày 5/3/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, tài chính, tài sản của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương "Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" về cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thành việc điều chuyển theo quy định.

 

Đầu tư kết cấu hạ tầng KCN đa ngành Triệu Phú

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú.

Dự án trên do Công ty cổ phần Trung Khởi làm nhà đầu tư.

Dự án thực hiện tại xã Triệu Trạch, xã Triệu Sơn và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong tại KCN đa ngành Triệu Sơn, Triệu Trạch thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị có quy mô 528,97 ha với tổng mức vốn đầu tư 4.533,61 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định theo quy định của pháp luật; triển khai Dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật trong việc ban hành Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 1/3/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án thành phần; tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật; đảm bảo diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện Dự án phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 14/11/2018; chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị và các cơ quan liên quan giám sát, đánh giá việc triển khai Dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động các nguồn vốn của Nhà đầu tư theo quy định của pháp luật; phối hợp với Nhà đầu tư  triển khai phương án đền bù, giải phòng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

 

Cơ chế hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả hạn mặn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cụ thể, chỉ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với những địa phương đã xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng (Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị), khó khăn về ngân sách, có đề nghị bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đối tượng hỗ trợ gồm:

- Tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và các đơn vị khác liên quan được giao thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được giao tổ chức thực hiện giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương và các tổ chức khai thác công trình thủy lợi trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiền điện, dầu thực hiện bơm nước vượt định mức; nạo vét các cửa lấy nước của các công trình đầu mối thủy lợi và hệ thống kênh mương; lắp đặt trạm bơm dã chiến (trường hợp thực sự cần thiết).

Đối với địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ thêm kinh phí khi phải thực hiện kéo dài đường ống cấp nước sạch; mua thiết bị trữ nước hỗ trợ cho người dân, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Riêng khu vực Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được hỗ trợ bổ sung kinh phí đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt.

Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương

Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương thuộc các tỉnh khu vực miền núi, Tây Nguyên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 70% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại:

- Các địa phương có tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương từ 50% trở lên: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

- Các địa phương có tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi ngân sách địa phương dưới 50%: Ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không vượt quá 30% mức thực chi để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tỷ lệ số bổ sung cân đối/tổng chi cân đối ngân sách địa phương xác định theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với các địa phương có điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn./.