• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính Phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 22/11.

22/11/2017 16:58

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài chính

Ngày 22/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã khảo sát tại Bộ Tài chính về các giải pháp tạo nguồn thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương.

Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh chính sách trong 14 năm qua (11 lần tăng mức lương cơ sở, bổ sung phụ cấp thu hút cán bộ công tác ở vùng khó khăn, bổ sung phụ cấp thâm niên đối với một số ngành đặc thù, mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp từ ngân sách) đã làm tăng quỹ tiền lương, phụ cấp, trợ cấp. Hiện mức chi này chiếm 50% mức chi ngân sách thường xuyên, tương đương trên 31% tổng chi ngân sách nhà nước.

Riêng giai đoạn 2010- 2016, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng 1,78 lần nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp chi từ ngân sách tăng 2,185 lần. Trong đó, tiền lương khu vực sự nghiệp công chiếm tỉ lệ lớn nhất từ 42- 43%, khu vực hành chính từ Trung ương xuống huyện chiếm 7-8%, cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã chiếm 15%, người hưu trí được ngân sách đảm bảo khoảng 10% và còn lại 7% là cấp ưu đãi người có công.

Bộ Tài chính cũng cho biết quy mô biên chế đối tượng hưởng lương từ ngân sách cũng tăng nhanh, đặc biệt là đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trong khi đó, nguồn bảo đảm trong những năm qua chủ yếu là ở ngân sách Trung ương. Mặc dù áp lực cải cách lương của ngân sách Trung ương đang giảm dần nhờ  huy động từ ngân sách địa phương và tiết kiệm chi thường xuyên, tuy nhiên, chính sách tiền lương vẫn đang gây áp lực rất lớn lên ngân sách.  

Bộ Tài chính cũng kiến nghị lên Ban chỉ đạo các kế hoạch, giải pháp tạo nguồn cho cải cách tiền lương những năm tiếp theo, có tính tới cả giai đoạn sau năm 2020 bằng các giải pháp trích tỷ lệ tạo nguồn từ tăng thu ngân sách, tiết kiệm 10% chi thường xuyên, sớm hoàn thành xác định vị trí việc làm, đẩy mạnh tự chủ các đơn vị sự nghiệp, tinh gọn bộ máy nhà nước, giảm biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Đề án cải cách tiền lương mà Ban chỉ đạo tập trung xây dựng trình Trung ương Đảng nhằm giải quyết các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trả lương phải theo cấp bậc, vị trí việc làm. Đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xác định rõ cơ cấu chi thường xuyên (trừ quỹ lương) để đề xuất cắt giảm những khoản không phù hợp với thực tiễn tạo thêm nguồn cải cách tiền lương. Để làm được, Phó Thủ tướng cho rằng cần bám sát việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đầu mối cơ quan, đơn vị để kéo giảm các chi phí như khánh tiết, hành chính, điện, nước, tăng cường thuê các dịch vụ của tư nhân.

Đối với cơ chế khoán chi để tạo nguồn cho người lao động có thu nhập tăng thêm như hiện nay, Trưởng Ban chỉ đạo cho rằng các đơn vị sẽ không tăng biên chế nhưng rất khó để giảm biên chế. Do đó, Bộ Tài chính nghiên cứu việc “siết” lại định mức dự toán ngân sách, xem xét giải pháp gắn việc giảm biên chế tương ứng với giảm cấp pháp ngân sách chi thường xuyên.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng gợi ý các thành viên của Ban chỉ đạo và Bộ Tài chính xem xét tới giải pháp tăng cường nguồn lực của ngân sách, tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (4/11/1957-4/11/2017) và 71 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2017).

Là tổ chức nhân đạo rộng lớn nhất của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên, hơn 70 năm qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động do Hội phát động và thực hiện có tính lan tỏa sâu rộng, trợ giúp được ngày càng nhiều người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Tính đến tháng 6/2017, Hội Chữ thập đỏ có gần 8,5 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên chữ thập đỏ, hoạt động tại hơn 17.000 tổ chức hội cơ sở.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã hoạt động trong mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nhất để thực hiện nguyên tắc, sứ mệnh nhân đạo cao cả. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn năm, mỗi khi gặp phải thiên tai, địch hoạ thì người dân luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”.

Phó Thủ tướng nhắc lại những “con số không thể quên được” mà người dân Việt Nam phải chịu đựng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với 15 triệu tấn bom đạn (gấp 4 lần bom đạn trong chiến tranh thế giới thứ hai); 70 triệu lít chất da cam/dioxin diệt cỏ rải xuống Việt Nam. Và đến giờ phút này vẫn có những người dân, những em bé phải mang thương tật, thậm chí bị tước đi cuộc sống bởi những quả bom, mìn còn lại sau chiến tranh. Nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đến thế hệ thứ tư.

Và giai đoạn hiện nay người dân Việt Nam rất cần được hỗ trợ trong xoá đói, giảm nghèo, ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Ngay trong hơn 1 tháng qua người dân nhiều địa phương đã chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề từ đợt mưa bão, lũ lụt bất thường do biến đổi khí hậu. Điều đó cho thấy các hoạt động nhân đạo nói chung, đặc biệt là vai trò của Hội Chữ thập đỏ, ngày càng quan trọng.

“Ở thời điểm nào, ở đâu người dân Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ và sự sát cánh của các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Hình ảnh Hội Chữ thập đỏ, các tình nguyện viên chữ thập đỏ đã trở nên rất thân thuộc. Từ những hoạt động nhân đạo, trợ giúp trực tiếp về vật chất, tinh thần cho những người cần giúp đỡ, bảo vệ môi trường đến dự án xoá đói giảm nghèo, hiến máu tình nguyện... Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các tình nguyện viên còn có sứ mệnh tuyên truyền và lan toả tinh thần, giá trị nhân đạo ra toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

"Không chỉ tôn trọng 7 nguyên tắc hoạt động của Chữ thập đỏ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn cùng Hội Chữ thập đỏ tích cực đóng góp cho các phong trào nhân đạo, vì hoà bình, phát triển trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với tổ chức nhân đạo quốc tế ngày càng được tăng cường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Vision Transportation Group

Ngày 22/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Richard Courey, Chủ tịch kiêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn VTG trong lĩnh vực phát triển các dự án cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang chủ trương huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chính phủ luôn hoan nghênh và đánh giá cao quyết tâm của các đối tác quốc tế có tiềm lực, nhiều kinh nghiệm tham gia các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ với phương châm kiến tạo, hành động, đồng hành cùng doanh nghiệp đang tích cực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Ông Richard Courey cho biết, VTG đã tiến hành nghiên cứu kỹ và đề xuất với thành phố Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Theo nghiên cứu của VTG, đây sẽ là tuyến đường sắt đô thị hoàn toàn khả thi về công nghệ và khả năng thu hồi vốn, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư.

Ông Richard Courey và các cộng sự đã báo cáo sơ bộ với Phó Thủ tướng về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư dự án, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ.

Ông Richard Courey cũng khẳng định bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, Tập đoàn VTG hoàn toàn có đủ năng lực chuyên môn và tài chính để triển khai thành công Dự án, đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Chính phủ Việt Nam đưa ra.

Trước đề xuất này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị VTG làm việc cụ thể với thành phố Hà nội, các bộ, ngành của Việt Nam trước khi có báo cáo chi tiết trình Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị VTG nghiên cứu thêm các dự án đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.