• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 16/1.

17/01/2018 08:00

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Thanh tra Chính phủ

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Thanh tra Chính phủ.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương những kết quả công tác năm 2017 của ngành Thanh tra. Đi vào hoạt động cụ thể năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng ngành Thanh tra có những tiến bộ nhất định và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Đó là việc ban hành kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm, đặc biệt là các cuộc thanh tra đột xuất, được dư luận quan tâm. Việc quản lý các đoàn thanh tra còn chưa chặt chẽ, có dư luận về việc thiếu công khai minh bạch ở một số đoàn thanh tra. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, xử lý vi phạm chưa kịp thời, nghiêm minh (nhất là xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức vi phạm). Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít. Kết quả xử lý sau thanh tra, thu hồi tiền và tài sản cho Nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn nhiều hạn chế. Số vụ khiếu nại có xu hướng giảm, nhưng khiếu nại đông người lại tăng 10,2% so với năm 2016. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân ở các bộ, ngành và phần lớn ở các địa phương còn kéo dài, không dứt điểm; có vụ việc giải quyết chưa đúng, chưa thấu tình đạt lý, công dân không đồng tình về hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra (dưới 85%).

Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn thiếu quyết liệt và hiệu quả chưa cao.

“Việc phát hiện và xử lý vi phạm qua thanh tra ở các tỉnh, đặc biệt ở các tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, diễn ra nhiều hoạt động tài nguyên khoáng sản, chuyển đổi đất công chưa có chuyển biến rõ rệt. Thanh tra phát hiện được các vụ tiêu cực chủ yếu tập trung ở các đoàn thanh tra của các bộ, ngành Trung ương. Ở địa phương thì chuyển biến rất chậm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Về thể chế, các cơ sở pháp luật cho công tác phòng, chống tham nhũng chậm được ban hành. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những bất cập của chính sách pháp luật vẫn còn chậm như việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế...

Bên cạnh đó, công tác tổ chức bộ máy ngành Thanh tra còn bất cập, chưa phát huy được chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ thanh tra còn hạn chế; đạo đức, tác phong, kỹ năng chưa tốt; có biểu hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ; xuất hiện nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ, nhưng việc giải quyết còn chậm, chưa dứt điểm, gây dư luận không tốt. Đây là vấn đề phải đánh giá kỹ, sắp tới đây phải có giải pháp chấn chỉnh, kiên quyết, triệt để, không thể để tình trạng này kéo dài; qua kiểm tra mà có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.

Về nhiệm vụ công tác năm 2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cần phải cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ thành chương trình hành động cụ thể, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Chính phủ tập trung cao cho xây dựng thể chế, nên Thanh tra Chính phủ cần nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án, luật được giao chủ trì soạn thảo. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để khắc phục sơ hở trong công tác quản lý. Công tác này đòi hỏi Thanh tra Chính phủ phải tích cực, chủ động, phối hợp tốt với các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ban, ngành có liên quan để hoàn thiện thể chế. Đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật và công tác hoạt động của ngành Thanh tra.

Triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm để phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật. Đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra chuyên đề, giảm thanh tra vụ việc, tập trung vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; tập trung khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra, xử lý các vi phạm thông qua thanh tra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ ngành Thanh tra phải làm hết chức năng, quyền hạn, thẩm quyền của mình trong pháp luật về thanh tra đề ra. Thẩm quyền của thanh tra trong việc yêu cầu kê biên tài sản, yêu cầu kê biên tài khoản, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xuất trình tài liệu, giải trình; có biện pháp cá thể hóa trách nhiệm khi xảy ra vi phạm, kể cả người đứng đầu. Chúng ta vừa qua đã chưa kiên quyết, chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, còn nể nang, có dư luận về bao che, tiêu cực.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm tiếp dân, đối thoại và gắn với xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không để công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, phát sinh điểm nóng.

Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Các bộ ngành, địa phương phải thấy rõ trách nhiệm, nhận thức đầy đủ, phát huy vai trò của người đứng đầu làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đúng với bản chất của vụ việc, vận dụng tốt các chính sách đã được quy định, nhằm giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng quy định pháp luật.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, cấp ủy trong làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. “Nếu nơi nào không thực hiện tốt thì phải có kiểm điểm, xử lý người có trách nhiệm. Thực trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây bức xúc thì sau khi xem xét thì thấy nhiều trường hợp nguyên nhân là do địa phương giải quyết chưa tốt, chưa thấu tình, đạt lý, thậm chí có trường hợp có lợi ích nhóm chi phối, vi phạm pháp luật”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tiếp tục triển khai kế hoạch phối hợp xử lý, giải quyết 463 vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố. Xử lý triệt để các khiếu nại tồn đọng, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%.

Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng theo Nghị quyết 126. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với UBND cấp tỉnh, chỉ rõ nơi làm tốt, nơi chưa làm tốt.

Tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho hoạt động của ngành Thanh tra có hiệu quả.

Tăng cường phối hợp trong ngành và phối hợp với các ngành liên quan, coi đây là biện pháp quan trọng để tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong kết luận và xác định biện pháp xử lý.

“Ngành Thanh tra phải phối hợp tốt với các ban, ngành, các ủy ban của Quốc hội, MTTQ, cơ quan báo chí để nắm bắt, xác minh các vụ việc phục vụ cho công tác xử lý nghiêm các vi phạm. Ngành Thanh tra phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Kết luận thanh tra phải chỉ rõ các dấu hiệu vi phạm, nếu vi phạm hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện nghiêm minh các bước xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra, viện kiểm sát không phản hồi thì báo cáo cấp có thẩm quyền”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng thanh tra, đặc biệt là công tác cán bộ vì đây là gốc của mọi vấn đề. Phải thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc, ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm các cán bộ có vi phạm, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành Thanh tra. Có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động các đoàn thanh tra. Đổi mới phương thức tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, công chức ngành Thanh tra đúng năng lực, đúng quy định. Có biện pháp chấn chỉnh công tác tổ chức cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giải quyết tình trạng đơn thư tố cáo trong nội bộ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các hoạt động thanh tra; nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp thanh tra, đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ thanh tra “Gương mẫu, đạo đức, chính trực, bản lĩnh, trung thành”.

Ngành Thanh tra phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi, gương mờ thì không soi được”; "Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng". Ngành thanh tra nghiên cứu để xây dựng, triển khai chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành và đối với cán bộ thanh tra; kiên quyết xây dựng ngành Thanh tra trong sạch vững mạnh.

Ngành Thanh tra nghiên cứu, xây dựng chủ đề công tác năm theo tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 16/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã chủ trì buổi họp đầu tiên sau khi Tổ giúp việc này được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 66/QĐ-TTG thành lập vào ngày hôm qua 15/1 (Tổ công tác 66).

Tham dự buổi họp có Tổ phó Thường trực, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, các Tổ phó: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng và các thành viên của Tổ công tác.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng thành lập Ủy ban này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 12 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII, các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Tổ công tác 66 có vai trò là ‘bệ đỡ’, bảo đảm tiến độ và chất lượng xây dựng hành lang pháp lý, cơ sở vật chất cho sự ra đời của Ủy ban này trong thời gian sớm nhất và Tổ công tác sẽ giải thể ngay khi Ủy ban đi vào hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban để Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ trong tháng 2/2018. Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, trong đó có thể hiện nội dung điều chỉnh các nghị định Chính phủ khác về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của một số bộ (chuyển chức năng, nhiệm vụ của các Vụ Đổi mới doanh nghiệp về Ủy ban).

“Trong quý I/2018 bảo đảm thành lập được Ủy ban để khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan này”, Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đốc thúc tiến độ cổ phần hoá, bán vốn tại doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2018 theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Không để xảy ra tình huống Ủy ban mới được thành lập tiếp quản các doanh nghiệp mà các bộ ‘buông tay’ luôn sẽ dẫn tới chậm trễ trong cổ phần hoá, bán vốn. Vẫn còn đó các dự án yếu kém ngành công thương hay các ngành khác thì chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các ngành này vẫn còn nguyên giá trị”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

Ngày 16/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động của TKV trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế mà TKV cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong năm 2018 và trong thời gian tới như giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư, bảo vệ môi trường...

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 và các năm tới, TKV phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng Tập đoàn có trình độ công nghệ, mô hình quản trị theo hướng hiện đại và chuyên môn hóa cao; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, hợp lý. Cùng với đó, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; hoạt động hiệu quả, bền vững; giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu than sản xuất trong nước cho các ngành kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tập đoàn cũng cần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, vừa bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu, vừa bảo đảm lợi ích của người lao động và cộng đồng nhằm phát triển bền vững.

Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, Phó Thủ tướng đề nghị TKV cần tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, Tập đoàn tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ. “Tập đoàn cần tập trung xác định rõ các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm chính để tập trung phát triển; từ đó tái cơ cấu lại công ty mẹ, các công ty con, trọng tâm là cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên. Trên cơ sở đó, tập trung tái cấu trúc đầu tư, ưu tiên nguồn lực để phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có sức cạnh tranh trên cơ sở đầu tư vốn, khoa học công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, phải tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng; đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp để giảm chi phí nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tập đoàn chủ động kiến nghị để hoàn thiện cơ chế quản lý, có các giải pháp sớm kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý điều hành; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý đầu tư, quản lý chi phí, quản lý tài nguyên; nâng cao hiệu quả quản lý lao động gắn với việc bố trí lao động phù hợp và gắn với tăng thu nhập của người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các khâu, quy trình sản xuất; có giải pháp xử lý dứt điểm các đơn vị, các dự án đầu tư kém hiệu quả.

Về sản xuất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV sớm đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, đặc biệt là đáp ứng đủ than theo cam kết của các hộ sản xuất (đặc biệt là các nhà máy điện), góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn ưu tiên nguồn lực, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án đình trệ, chậm tiến độ.

“TKV cần chủ động huy động nguồn lực, đầu tư đổi mới công nghệ để chế biến, chế biến sâu các loại khoáng sản như titan, đất hiếm, quặng sắt, cùng với đó là xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các dự án được giao”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn trong quá trình đầu tư, khai thác, chế biến than, khoáng sản; thực hiện các giải pháp đồng bộ bảo đảm an toàn lao động trong tất cả các khâu, các công đoạn sản xuất. “Đây là vấn đề không thể chủ quan, đặc biệt với ngành khai thác than, khoáng sản khi điều kiện khai thác ngày càng khắc nghiệt. Ngay cả trong điều kiện có công nghệ tốt, thì vẫn là ngành rủi ro cao”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, TKV cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản. Gắn bảo vệ môi trường với cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác. “TKV phải đóng vai trò gương mẫu, dẫn dắt tất cả các doanh nghiệp khai khoáng về việc bảo vệ môi trường; coi bảo vệ môi trường là yêu cầu hàng đầu trong sản xuất; gắn bảo vệ với cải tạo, phục hồi môi trường, trồng cây phủ xanh các khu vực bãi thải đã kết thúc, nghiên cứu kết hợp trồng cây phủ xanh cải tạo phục hồi môi trường với lấy gỗ chống lò và phát triển kinh tế rừng”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Nhiệm vụ tăng cường trật tự, kỷ cương trong quản lý, khai thác, kinh doanh than, khoáng sản cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh với Tập đoàn. Theo đó, TKV cần tăng cường hợp tác, phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan tại địa phương có dự ánđể triển khai tốt việc quản lý ranh giới mỏ, quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh than, khoáng sản… Đồng thời thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu, bảo đảm sự phát triển hài hoà trên địa bàn.

“Người dân tại vùng dự án phải được hưởng lợi trước tiên. Doanh nghiệp phải dành sự quan tâm đầy đủ, trách nhiệm trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Đề nghị UBND tỉnh, đặc biệt là Quảng Ninh, Gia Lai, Lâm Đồng…(và UBND các tỉnh có dự án khai thác than, khoáng sản) phối hợp chặt chẽ hơn nữa với TKV, một mặt quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho khu vực khai thác mỏ, đồng thời giám sát bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu TKV chú trọng chăm lo công tác tổ chức và cán bộ, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài; cải thiện điều kiện làm việc, từng bước nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người lao động.

“Kế thừa lịch sử 185 năm khai thác và truyền thống hơn 80 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, TKV cần phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2017 và những năm trước đó để triển khai thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Mitsui

Ngày 16/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Tasuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản).

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam của ông Tasuo Yasunaga. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển rất tốt đẹp, thể hiện qua sự tin cậy chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, được cụ thể bằng các mối quan hệ hợp tác rất hiệu quả, thực chất giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Thời gian qua, đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đã mang lại hiệu quả rất tích cực, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những nỗ lực và hợp tác của Tập đoàn Mitsui và các đối tác trong việc triển khai chuỗi Dự án khí-điện lô B, đồng thời khẳng định chuỗi dự án này có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. “Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác triển khai chuỗi Dự án khí-điện lô B có hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Mitsui, với năng lực và kinh nghiệm của mình, có thể tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các dự án hạ tầng lớn để hợp tác triển khai tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Tasuo Yasunaga khẳng định chuỗi Dự án khí-điện lô B là một trong những dự án hợp tác quan trọng nhất của Mitsui, do đó Tập đoàn sẽ hợp tác chặt chẽ, tối đa với PVN và các đối tác để sớm triển khai dự án đảm bảo hiệu quả. “Bằng uy tín và khả năng của mình, chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn lực để triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác tại Việt Nam”, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn Mitsui khẳng định./.