• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

11/10/2018 18:00

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về trật tự an toàn giao thông

Ngày 11/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV/2018.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm ATGT; cương quyết không để tiếp tục xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, của cá nhân, chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn những giải pháp đã nêu thì cuối năm nay mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ cần có giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm ngay trong các cơ quan chức năng để tạo sự trong sạch, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nêu rõ: Ủy ban ATGT quốc gia tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong quý 4 và dịp cao điểm cuối năm.

Khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược ATGT đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và 5 năm thực hiện bộ tiêu chí văn hóa giao thông, ban hành đề án Xây dựng văn hóa giao thông giai đoạn 2018-2023 triển khai trên toàn quốc.

Tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2018 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự ATGT; các địa phương có tình hình TTATGT phức tạp, có tai nạn giao thông tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018; kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô kinh doanh vận tải, hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ về công tác ATGT của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ GTVT tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án dài hạn về bảo đảm TTATGT; sớm nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý dịch vụ vận tải bằng mô tô, xe gắn máy (còn gọi là xe ôm công nghệ); ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 91 của Bộ GTVT quy định về quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ và Thông tư số 06 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành quy định bắt buộc kiểm tra tải trọng trước khi xuất hàng tại các đầu mối nguồn hàng (cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, đầu mối nông sản, khai thác vật liệu xây dựng)…

Bộ Công an tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Sơ kết Chỉ thị 02 để xây dựng và ban hành chỉ thị mới của Bộ Công an về công tác bảo đảm TTATGT cho phù hợp với tình hình thực tế và mô hình tổ chức mới.

Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề; tập trung xử lý nghiêm vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải, lái xe vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ khi điều khiển phương tiện, vi phạm về sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2018 tại địa phương, đồng thời tham mưu với Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố ban hành quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phối hợp bảo đảm TTATGT, quản lý hành lang ATGT trên địa bàn phụ trách. Quy định về quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện và công an huyện trong quản lý tải trọng xe; sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính điều tiết từ Trung ương về để trang bị cân xách tay cho Công an huyện để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại đầu mối hàng hóa (mỏ vật liệu, cảng, nhà máy).

Các cơ quan liên quan sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành chỉ thị yêu cầu toàn bộ các công chức nêu gương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về không uống rượu bia trong giờ làm việc và không uống rượu bia khi lái xe; tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động và tăng cường công tác xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; tập trung vào xử lý vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức để nêu gương cho toàn xã hội…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị Thương mại gạo thế giới

Ngày 11/10, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 10. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, lãnh đạo các bộ thương mại và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu gạo của 30 quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong phối hợp với các tổ chức đối tác, các nước xuất, nhập khẩu gạo, không chỉ ở giá trị chuỗi cung ứng gạo mà còn tham gia phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường.

Đồng thời, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader cho biết hoạt động sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế, thương mại của thế giới có nhiều phức tạp, The Rice Trader bày tỏ tin tưởng vào sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong phát triển giá trị mặt hàng gạo trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, trong đó phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo chiếm một vị trí quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới.

Diện tích trồng lúa hiện chiếm khoảng 60% tổng diện tích trồng cây hằng năm và sản xuất lúa gạo là nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 9 triệu hộ nông dân tại nông thôn Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 5-6 triệu tấn sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, thu về khoảng 2,5 tỷ USD.

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Với các chính sách này, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, đồng thời hướng tới mục tiêu tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu để xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngành sản xuất lúa gạo hiện nay đối mặt với nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, các diễn biến phức tạp trong thương mại nhưng Phó Thủ tướng tin rằng sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ mang lại hướng phát triển sản xuất lúa gạo mới thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nhiều sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.

Lãnh đạo Chính phủ hy vọng với Thông điệp của Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, các quốc gia, tổ chức sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển thương mại gạo toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo, chia sẻ ý kiến đóng góp cho hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự khai mạc chuỗi sự kiện Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự khai mạc chuỗi sự kiện Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) năm 2018 tại Bình Dương.

Với chủ đề “Thành phố thông minh: Động lực đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững”, chuỗi hoạt động của WTA 2018 sẽ thiết lập tầm nhìn mới, nền tảng toàn cầu cho các hoạt động trao đổi, hợp tác về công nghệ giữa các thành viên Hiệp hội, trong xây dựng xã hội phồn vinh, vươn tới nền kinh tế năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập WTA và tin tưởng Hiệp hội sẽ tiếp tục có sự đóng góp ngày càng quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của đô thị trên thế giới, các nền kinh tế mà còn thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, dù có nhiều cách gọi khác nhau nhưng phải nhìn nhận thực tế CMCN 4.0 diễn ra trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là những ngành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Nhân loại bước vào một giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức.

“Có người ví CMCN 4.0 như một đoàn tàu mà mọi người đừng để lỡ, như một cơn lốc cuốn tất cả chúng ta đi theo. Những ai, những nền kinh tế nào chủ động thì sẽ được hưởng nhiều thành quả và ngược lại thì sẽ không tận dụng được các cơ hội, thậm chí phải đối mặt với nhiều thách thức hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng một trong những yếu tố vô cùng quan trọng của đô thị thông minh là sử dụng những hiểu biết hiện có, các lợi thế của cách mạng khoa học công nghệ đem lại để khai thác mọi nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất vì sự phát triển của thế hệ mai sau. Và một trong những nguồn lực rất quan trọng của thời đại ngày nay là tri thức. Bởi không như nhiều loại tài nguyên thiên nhiên (than, dầu mỏ, khoáng sản…) càng khai thác càng ít đi, tri thức càng chia sẻ thì giá trị càng được nhân lên.

“Đơn cử như vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn dữ liệu đối với sự phát triển các đô thị, nhất là ở Việt Nam. Nguồn dữ liệu từ Chính phủ, các doanh nghiệp, cộng đồng cần được hệ thống hóa lại và quan trọng nhất là phải công khai minh bạch. Đây chính là nguồn lực rất quý giá, động lực cho các doanh nghiệp và các nhà khoa học có thể đưa ra nhiều ý tưởng để khai thác”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Chia sẻ các quan điểm của UNESCO về đô thị thông minh, phát triển bao trùm, phát triển bền vững, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam nhận thức một nền kinh tế thông minh, một đô thị thông minh đương nhiên luôn luôn gắn với công nghệ mới nhưng đây chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu cuối cùng lấy con người là trung tâm của sự phát triển. “Không để ai bị bỏ lại phía sau không chỉ đơn thuần là hưởng thụ thành quả của sự phát triển mà quan trọng là tất cả mọi cá nhân đều tham gia vào quá trình phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho biết cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn và đặc biệt là sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hơn 20 năm vừa qua Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức cao, có nhiều tiến bộ về mặt xã hội. Tuy nhiên, trên thế giới, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Vì vậy, dù lạc quan nhưng những quốc gia như Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều trên tất cả các lĩnh vực và đặc biệt là liên quan đến các yếu tố dẫn dắt một nền sản xuất mới như nền tảng công nghệ, nhân lực chất lượng cao.

Trên tinh thần như vậy, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu, nhà khoa học tham dự chuỗi sự kiện WTA Bình Dương 2018 sẽ cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý, những bài học thành công cũng như chưa thành công để cùng nhau tận dụng tốt những thành tựu của CMCN 4.0 mang lại.

Với đặc trưng của CMCN 4.0 là sự kết nối tất cả các hoạt động, các cộng đồng, không chỉ giữa thiết bị với thiết bị, giữa người với thiết bị mà quan trọng hơn cả là giữa người với người ở cấp độ cá nhân, đến từng tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia. WTA cũng đứng trước những thời cơ mới để mạng lưới khoa học, mạng lưới các đô thị khoa học, hoạt động đổi mới, sáng tạo từ các thành viên của WTA lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển của các quốc gia, các nền kinh tế, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, mãi xanh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát công tác chống dịch tay chân miệng, sởi tại TPHCM

Chiều 11/10 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm, động viên các y, bác sĩ và bệnh nhi bị tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1; thăm và làm việc tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn có 4.066 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị nội trú và 21.322 ca điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 132 ca mắc bệnh sởi.

“Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi xây dựng kế hoạch chuẩn bị và phối hợp bảo đảm chống dịch kịp thời”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết.

Cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch tay chân miệng, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía nam.

Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc bệnh tích lũy cao và gia tăng nhanh trong mấy tuần gần đây là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Tây Ninh... với hơn 4.000 ca từ đầu năm đến nay (chiếm 77% cả nước), chủ yếu gặp ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%). So với thống kê trung bình nhiều năm thì số ca mắc tay chân miệng năm nay là tương đương. Tuy nhiên số ca tử vong giảm mạnh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế và đặc biệt là chính quyền địa phương, báo chí tuyên truyền giữ gìn vệ sinh cá nhân. Thống kê của y tế dự phòng cho thấy những địa phương có nhiều khu công nghiệp thường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng rất cao.

Về diễn biến dịch sởi, dù chưa thấy biểu hiện bất thường nhưng ông Trần Đắc Phu cũng cảnh báo về chu kỳ của bệnh này là sau 4-5 năm có thể bùng phát do mỗi năm vẫn sót lại khoảng 10% trẻ chưa được tiêm chủng. Tới đây, ngành y tế sẽ phát động một số đợt tiêm vét để giảm nguy cơ dịch sởi bùng phát.

Tới thăm một số khoa, phòng ở Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tinh thần vượt qua khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng đã căng mình ngày đêm chống dịch trong những lúc cao điểm. Đây cũng là lời cảm ơn của người dân gửi đến các y bác sĩ.

Phó Thủ tướng lưu ý bên cạnh phòng chống dịch tay chân miệng thì cũng không được chủ quan với diễn biến dịch sởi đang trong chu kỳ có khả năng bùng phát.

“Chúng ta phải rút kinh nghiệm không được để có dịch mới cấp tập đi chống dịch mà phải phòng dịch khi chưa có dịch. Ngành y tế là nòng cốt nhưng chính quyền cũng phải vào cuộc và phải kiên trì, không thể chủ quan. Ngay cả TPHCM, UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo về công tác này nhưng cần phải sát với những thay đổi thực tế", Phó Thủ tướng nói và đề nghị xem xét bố trí chế độ chống dịch đầy đủ cho các cán bộ y tế tham gia.

Cũng trong chiều 11/10, Phó Thủ tướng đã tới thăm và làm việc với cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115. Tại đây, Phó Thủ tướng đã lắng nghe nhiều kiến nghị, ý kiến của lãnh đạo Bệnh viện. Lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, đại diện Sở Tài chính và Sở Y tế TPHCM đã giải đáp một phần các kiến nghị của Bệnh viện Nhân dân 115.

Trao đổi về mong muốn tự chủ của Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm “nơi nào, bệnh viện nào vượt lên, tự chủ được thì để anh em vượt lên để dồn ngân sách cho dự phòng, cho y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, quá trình này cần phải có bước đi thận trọng để khắc phục nhưng bất cập trong xã hội hóa y tế trước đây nhưng không thể chậm”.

Từ những kết quả tích cực trong thực hiện tự chủ của hơn 20 trường đại học, Phó Thủ tướng cho biết tinh thần sẽ cho phép một số bệnh viện lớn thí điểm tự chủ.

“Một số bệnh viện lớn của chúng ta không kém nước ngoài trong khi người Việt tốn hàng tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài. Vì vậy cần có cơ chế tự chủ để các bệnh viện lớn nâng cao chất lượng, kỹ thuật điều trị, đồng thời có thể điều trị ngay cho những bệnh nhân có điều kiện trước kia phải ra nước ngoài điều trị, tiến tới thu hút được cả bệnh nhân nước ngoài đến khám chữa bệnh”, Phó Thủ tướng gợi mở và nhấn mạnh khi tự chủ, bệnh viện sẽ được tự quyết về cơ chế tiền lương, tuyển dụng, tính giá dịch vụ y tế ngoài bảo hiểm...

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số kiến nghị của Bệnh viện Nhân dân 115 về hợp tác công tư, giao dự toán chi BHYT, mua xe cứu thương...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Nông lâm nghiệp và đoàn đại biểu các nước ASEAN và đối tác.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam giữ chức Chủ tịch AMAF, Chủ tịch AMAF 3 (ASEAN và 3 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 18. Trước đó, Bộ NN&PTNT đã 2 lần nhận chức Chủ tịch AMAF và đăng cai tổ chức Hội nghị AMAF tại Việt Nam vào các năm 1998 và 2008.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN có phần đóng góp quan trọng của ngành nông lâm nghiệp qua các thời kỳ. “Nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. “Vì vậy, hợp tác nông lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nông nghiệp cũng là lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu nhiều rủi ro.

Ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước. Nền nông nghiệp của khu vực đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất lao động nông nghiệp và nhịp độ tăng trưởng, chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị, tác động của biến đổi khí hậu.

Trong đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Điển hình là trận động đất và sóng thần ngày 28/9 tại Indonesia đã cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người, để lại hậu quả vô cùng khắc nghiệt và lâu dài.

“Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin chuyển lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân của trận động đất và sóng thần và đề nghị Hội nghị chúng ta vận dụng các cơ chế sẵn có của ASEAN như Quỹ Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN 3, để kịp thời hỗ trợ các nạn nhân vượt qua các khó khăn và tổn thất do trận động đất và sóng thần vừa qua tại Indonesia”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp các công nghệ, kết nối Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới và mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho phát triển.

“Tôi đề nghị chúng ta hãy đưa ra biện pháp thiết thực tận dụng các cơ hội này, thúc đẩy nền nông lâm ngư nghiệp của khu vực ASEAN tiến kịp với các quốc gia phát triển”, Phó Thủ tướng nói.

Đặc biệt, các nước thành viên ASEAN cần chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối và quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi giá trị.

 “Tôi tin tưởng rằng cùng với những nỗ lực chung của hợp tác khu vực và của từng nước thành viên, Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Tầm nhìn và Kế hoạch hành động chiến lược về hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp giai đoạn 2016-2025”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam rất coi trọng các tiến trình hợp tác khu vực và sẽ tiếp tục đầu tư thích đáng về nguồn lực, nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích thiết thực của người dân ASEAN.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp các Bộ trưởng, Trưởng đoàn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ thứ 40.