Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng chủ trì hội nghị về công tác thi đua khen thưởng
Ngày 9/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Cùng tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng (TĐKT) Trung ương; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh những thành quả trong năm 2018 trên có sự đóng góp quan trọng, tích cực của công tác TĐKT.
Phó Thủ tướng điểm lại các thành tích to lớn của công tác TĐKT trong năm 2018. Lễ kỷ niệm quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã được tổ chức trang trọng, với nhiều đổi mới; công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, hoàn thiện thể chế để tăng cường quản lý nhà nước về TĐKT đã được quan tâm và tập trung thực hiện.
Nhiều phong trào thi đua đã được các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và địa phương phát động, triển khai với nhiều hình thức đổi mới, đi vào chiều sâu, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào những khâu khó, việc khó. Công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt đã có nhiều sáng tạo, đổi mới. Năm 2018, đã có trên 55.000 trường hợp được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng. Các phong trào thi đua và các gương điển hình tiên tiến đã lan tỏa trong xã hội, góp phần đẩy lùi cái xấu, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn nhìn nhận, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Đó là, việc lãnh đạo chỉ đạo công tác TĐKT ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự được quan tâm sâu sát, có nơi còn chưa bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế; việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp tuy có cải thiện nhưng chưa thực sự tạo được hiệu ứng sâu rộng. Công tác trình và thẩm định hồ sơ khen thưởng còn kéo dài, chưa động viên kịp thời cho các đối tượng được khen thưởng… Còn tình trạng đề nghị khen thưởng cho những trường hợp chưa có thành tích tiêu biểu nên tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương còn hạn chế. Hoạt động cụm khối thi đua còn mang tính hình thức, chưa phong phú, chưa gắn với nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, khả thi theo phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, trọng tâm là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách tạo đột phá, đẩy mạnh cải cách hành chính. Duy trì đà và nâng cao chất lượng tăng trưởng trên cơ sở cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn năm 2018.
“Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phát động phong trào thi đua đặc biệt, nước rút, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; xây dựng chương trình hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Phó Thủ tướng Thường trực phát biểu.
Về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật TĐKT, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TĐKT, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt lưu ý xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra, khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.
Tham mưu sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT”; đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, thiết thực phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Trung ương phát động và phát động thi đua trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng cho các đối tượng, nhất là công nhân, nông dân, người lao động. Cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm khen thưởng kịp thời, công khai, minh bạch. Tập trung xây dựng Dự thảo Nghị định quy định việc quản lý xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp để trình Chính phủ ban hành.
Bộ Nội vụ cần phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp để bảo đảm hoạt động tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng được thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.
“Tăng cường công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu trên mọi lĩnh vực, nhất là các nhân tố mới, các mô hình mới để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng, tạo động lực phát triển và lan toả sâu rộng”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Ban TĐKT sớm sơ kết đánh giá 3 năm phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân là những nhân tố tích cực; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2.
Tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Nghiên cứu đổi mới mô hình các cụm thi đua cho phù hợp và tương đồng với tính chất, đặc điểm, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương trong cụm thi đua, bảo đảm việc xét khen thưởng có tính cạnh tranh và thành tích thực chất. Các bộ, ban, ngành, địa phương khi trình khen thưởng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đối tượng, hình thức, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng; xem xét, lựa chọn những tập thể, cá nhân thật sự tiêu biểu, xuất sắc để khen thưởng và trình khen thưởng.
Đề cập đến quá trình xem xét để khen thưởng các danh hiệu, Phó Thủ tướng đề nghị Hội đồng TĐKT các cấp, các ngành phải xem xét kỹ lưỡng, trước khi đề nghị khen thưởng cần lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đối với một số đối tượng theo quy định.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến tích cực trong khen thưởng cho các đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thi hành công vụ. Khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, công tâm, công bằng, minh bạch, đúng thành tích, có giá trị giáo dục nêu gương. Phòng chống tiêu cực trong công tác TĐKT.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác TĐKT có phẩm chất đạo đức, năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết làm tốt công tác dân vận và tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị về an ninh hàng không
Chiều 9/1, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không (ANHK) dân dụng quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 và công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự và an toàn hàng không.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết, năm 2018, thị trường vận tải hàng không tiếp tục tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua các hãng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 104 triệu lượt người, tăng 10,4% và sản lượng hàng hoá ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 7,7%. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hoá, tăng 26% so với năm 2017. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có sự tham gia của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ và 4 hãng hàng không Việt Nam...
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam được đầu tư hiện đại, tiên tiến. Đến thời điểm tháng 12/2018, tổng số tàu bay có 219 chiếc, có 22 cảng hàng không (trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế).
Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao về tốc độ, quy mô, chất lượng dịch vụ, sản lượng hành khách và hàng hoá thông qua các cảng hàng không cao, nhưng công tác an toàn vẫn được bảo đảm, tiếp tục duy trì 22 năm liên tục không xảy ra tạn tàu bay, được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế, vấn đề hội nhập quốc tế của các hoạt động chính trị, an ninh, văn hóa xã hội ngày càng được chú trọng. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia nhiều diễn đàn kinh tế, chính trị của thế giới và khu vực. Điều đó thể hiện vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với việc vừa hội nhập vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút đầu tư, ổn định chính trị và giữ vững chủ quyền…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An ninh dân dụng hàng không và các bộ, ngành, địa phương liên quan, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không được đảm bảo, duy trì đà tăng trưởng của thị trường vận tải hàng không và Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư nước ngoài. Công tác an toàn hàng không đảm bảo, 22 năm liên tục không xảy ra tai nạn về người, được các nước trong khu vực đánh giá cao, công tác quản lý an toàn được triển khai có hệ thống; công tác triển khai thực hiện các quy trình cứu nạn có sự tiến bộ lớn thể hiện qua việc xử lý tình huống, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị liên quan...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng lưu ý đến một số tồn tại, như còn để xảy ra một số tình huống uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, cơ sở hạ tầng thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh hàng không còn chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyệt đối an toàn...
Về nhiệm vụ công tác năm 2019, để bảo đảm tuyệt đối an toàn an ninh hàng không, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Uỷ ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện báo cáo, chương trình công tác. Các đơn vị, địa phương cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đề ra, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị của đất nước.
“Phải xác định rõ nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không là nhiệm vụ sống còn, là bộ phận quan trọng đặc biệt trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội của đất nước. Đây là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương có liên quan chứ không phải của riêng đơn vị nào”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cập nhật các văn bản pháp luật, quy định về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không phù hợp với quy định của quốc tế.
Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ trao đổi thông tin an ninh, an toàn hàng không, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý tình huống sao cho có hiệu quả cao nhất. Đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, khẩn trương tuyên truyền đề án xây dựng văn hoá giao thông, an ninh, an toàn trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các khu vực quanh khu vực cảng hàng không.
UBND các địa phương và các bộ, ngành chức năng chỉ đạo đẩy mạnh phong trào bảo vệ ANTQ, tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa cháy, nổ; quản lý chặt chẽ không để buôn bán chất nổ, chất cháy, độc hại sinh hoá học tại vùng lân cận và khu vực hàng không, sân bay…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp về các chương trình phát triển sản phẩm, công nghệ quốc gia
Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đã chủ trì phiên họp Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và gợi mở thảo luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các thành viên của Ban Chỉ đạo đã thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác này trong thời gian tới.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng… đều đồng tình với báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ và thống nhất nhận định, trong điều kiện ngân sách, cơ chế tài chính… còn nhiều vướng mắc, nhưng 3 chương trình: Phát triển sản phẩm quốc gia, phát triển công nghệ cao và đổi mới công nghệ quốc gia đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về cơ chế, chính sách và sản phẩm đạt được.
Đã thu hút được hơn 150 đơn vị tham gia thực hiện các nhiệm vụ, các doanh nghiệp đã cam kết đầu tư hơn 4.300 tỷ đồng (tính đến hết tháng 12/2018). Đáng phấn khởi là, sau khi nhiệm vụ kết thúc, các doanh nghiệp này có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 18,8%, cá biệt có một số doanh nghiệp quy mô nhỏ tăng trưởng tới 50%; thị phần của các sản phẩm trên thị trường trong nước cũng tăng đáng kể, năm 2018 là 20%, dự kiến sẽ đạt 34,7% trong 5 năm tới…
Ví như, trong điều trị, lần đầu tiên chúng ta đã nghiên cứu và làm chủ được quy trình sản xuất trong nước thuốc Pegcyte dùng trong điều trị giảm bạch cầu, hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư; nghiên cứu làm chủ công nghệ và sản xuất stent động mạnh vành đạt tiêu chuẩn CE (châu Âu) với giá thành rẻ hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường 50%; trong sản xuất công nghiệp đã làm chủ công nghệ chế tạo robot 5 bậc tự do. Trong nông nghiệp, chúng ta đã tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất; định hướng theo các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, rau, hoa quả, nấm ăn, nấm dược liệu, cà phê, cá da trơn, tôm, sâm) nhằm tạo ra sản phẩm theo chuỗi từ khâu giống, đến công nghệ bảo quản, chế biến và thương hiệu sản phẩm quốc gia…
Khẳng định cần tiếp tục triển khai các chương trình trên trong thời gian tới, Phó Thủ tướng và các đại biểu cũng nêu ra những tồn tại, khó khăn cần khắc phục và thống nhất cho rằng: Trước hết phải kiên trì tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính theo hướng đầu tư cho khoa học, công nghệ phải chấp nhận rủi ro.
Nhất là trong điều kiện ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu, việc triển khai các nhiệm vụ phải “liệu cơm gắp mắm”, tập trung vào những sản phẩm Việt Nam có lợi thế (sức khỏe, nông nghiệp, IT…) để phát triển, đặt mục tiêu khả thi.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế đồng bộ để kết nối giữa 3 chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; phát triển công nghệ cao; đổi mới công nghệ quốc gia với các chương trình ưu đãi về vốn, tiếp cận tín dụng ngân hàng, các quỹ phát triển,… Nhất là ưu đãi về thuế, bởi hiện nay chúng ta chưa có cơ chế về thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ.
Đặc biệt, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao thâm nhập thị trường trong nước và bảo vệ, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Hiện chúng ta đã làm được ô tô, vậy nếu xe Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia, các cơ quan nhà nước có mua để sử dụng không, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu vấn đề.
Chia sẻ quan điểm trên, ý kiến của các đại biểu thống nhất cho rằng, bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp lớn đầu tư và khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm quốc gia là “làm gì để sản phẩm quốc gia thâm nhập vào thị trường?”. Theo đó Nhà nước phải có chính sách để doanh nghiệp thâm nhập thị trường trong nước và hỗ trợ quảng bá, bảo vệ thương hiệu cho họ vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Đây là vấn đề có tính quyết định.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần đổi mới cách làm, Bộ Khoa học và Công nghệ cần “định nghĩa lại”, làm rõ tiêu chí sản phẩm quốc gia, trong đó phải cụ thể được tiêu chí hàm lượng tri thức của người Việt trong sản phẩm, có như vậy “sản phẩm quốc gia” mới trở thành tài sản quốc gia, niềm tự hào dân tộc và cả nhà nước, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam đều phải chung tay tôn vinh, bảo vệ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ của TKV
Ngày 9/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của TKV năm 2018. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành công nghiệp than-khoáng sản nói chung, Tập đoàn TKV nói riêng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu thị trường tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tiếp tục tăng cao. Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 58 triệu tấn, năm 2025 khoảng 90 triệu tấn và năm 2030 khoảng 130 triệu tấn.
“Trong khi đó, năng lực sản xuất than của các mỏ hiện nay đã đến giới hạn. Điều kiện khai thác mỏ, nhất là than ngày càng khó khăn hơn do tài nguyên xuống sâu hơn. Chất lượng than trong nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ mới”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, công tác đầu tư chưa đạt kế hoạch đề ra, một số dự án lớn chậm tiến độ; giá thành sản phẩm còn cao do các nguyên nhân chủ quan như hạn chế về khoa học công nghệ, quản lý...
“Năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai thực hiện một số dự án lớn gặp nhiều khó khăn như Nhiệt điện Na Dương 2, Quỳnh Lập 1, các dự án cảng trung chuyển than…”, Phó Thủ tướng nhận xét.
Nhấn mạnh vai trò là một trong những tập đoàn kinh tế Nhà nước chủ lực trong việc cung ứng nhiên liệu để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV phải xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, những khâu cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để tạo ra bứt phá lớn trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
“Trước hết, TKV phải bảo đảm đủ than theo hợp đồng với các hộ tiêu thụ than cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất điện. Không để thiếu than cho sản xuất điện”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị TKV phải tạo bứt phá về chất lượng than, nghiên cứu phối trộn than các loại, đáp ứng tiêu chuẩn than cho các nhà máy nhiệt điện công nghệ mới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn phải bứt phá về đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn lao động. Bên cạnh đó là bứt phá về đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm khắc phục thất thoát, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, quản lý SXKD.
Với lĩnh vực khai thác, chế biến bauxite- nhôm, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu bảo vệ môi trường; gắn phát triển công nghiệp bauxite - nhôm với việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương vùng Tây Nguyên nói chung, các địa phương nơi đặt dự án nói riêng, nhằm phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Là một trong những hộ sản xuất điện lớn, với sản lượng năm 2018 đạt 9,4 tỷ kWh (chiếm khoảng gần 5% sản lượng điện cả nước), Phó Thủ tướng yêu cầu TKV tiếp tục tham gia tích cực hơn vào việc cung ứng điện cho đất nước.
Nhấn mạnh yêu cầu về bảo đảm an toàn trong khai thác mỏ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu TKV tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn và sự cố lớn; thường xuyên coi bảo vệ môi trường là yêu cầu hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh than-khoáng sản.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Tập đoàn phải tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị TKV tiếp tục chăm lo công tác tổ chức và cán bộ, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội./.