• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) – Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 15/1.

15/01/2019 19:00

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Nội vụ

Ngày 15/1, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Nội vụ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả và thành tích của Bộ, ngành nội vụ, tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ năm 2018.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, công tác xây dựng, ban hành thể chế còn chậm, nhất là các văn bản trong lĩnh vực công vụ, công chức. Nhiều văn bản, đề án về bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch, kỷ luật CBCCVC… chưa được ban hành để cụ thể hóa các quy định của Đảng, cũng như Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức sau nhiều năm thực hiện.

Về thực hiện chương trình công tác, vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn hoặc chậm báo cáo, đề xuất để điều chỉnh chương trình công tác. Tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới công tác đánh giá, cơ cấu lại và đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Việc tổ chức thi nâng ngạch tuy đã có những cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, còn những biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức và văn hóa công vụ. Vẫn còn những biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, văn hóa công vụ.

Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa toàn diện để chấn chỉnh kịp thời những vi phạm trong hoạt động công vụ. Cần lưu ý chất lượng tham mưu và tiến độ thẩm định, xử lý hồ sơ trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ và toàn ngành nội vụ cần nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân hạn chế, tồn tại, tập trung khắc phục các vấn đề nêu trên.

Bước sang năm 2019, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức, viên chức, cải cách hành chính (CCHC), nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đặt ra khá nặng nề. Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nội vụ, toàn thể CBCCVC ngành nội vụ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, tập trung triển khai toàn diện các mặt công tác của mình.

Về công tác xây dựng thể chế cần kịp thời hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, lưu ý các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thi đua khen thưởng. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chấm dứt tình trạng “nợ” văn bản, xin chuyển hoặc rút khỏi chương trình.

Khi xây dựng các dự án, đề án cần chú trọng việc tổng kết thi hành, đánh giá thực tiễn, bảo đảm khả thi, phù hợp, đề xuất các giải pháp đột phá, bám sát định hướng đổi mới trong những nghị quyết gần đây của Trung ương.

Công tác CCHC cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Phát huy vai trò cơ quan thường trực về CCHC, Bộ Nội vụ cần tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; tham mưu đề xuất chính sách và giải pháp để đẩy mạnh CCHC nhà nước, trong đó chú trọng cải cách chính sách tiền lương và chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công.

Về công vụ và công chức, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần khắc phục ngay việc chậm thể chế hóa các quy định về quản lý CBCCVC, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật, rà soát những vướng mắc trong công tác quản lý CBCCVC để có giải pháp khắc phục.

Đặc biệt, lưu ý việc xác định vị trí việc làm, bảo đảm khoa học, chính xác làm cơ sở cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7. Trong việc tuyển dụng, cần rà soát sửa đổi ngay các thủ tục bất hợp lý, tăng cường công khai, minh bạch, chấm dứt tình trạng chạy chọt, tiêu cực.

Kiên quyết thực hiện việc tinh giản biên chế các cơ quan theo tỷ lệ và lộ trình đề ra. Tinh giản đồng bộ với các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Cần chấn chỉnh ngay từ công tác tuyển dụng đến đánh giá CBCCVC, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế đối với những người làm việc kém hiệu quả. Đề xuất các giải pháp xử lý việc thiếu biên chế giáo viên, nhân viên y tế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm phù hợp với thực tế của địa phương.

Nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ. Cần có kế hoạch kiểm tra các cơ quan, địa phương có những biểu hiện chưa nghiêm  túc trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính và đề xuất hướng xử lý cụ thể.

Đối với công tác tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền địa phương, đề xuất phân công, phân cấp phù hợp, trong đó lưu ý cơ chế đặc thù đối với một số đô thị lớn.

“Bộ Nội vụ cần phát huy vai trò cơ quan giúp Chính phủ phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan xử lý như về chất thải, quản lý nợ công… Sớm nghiên cứu, có ý kiến về mô hình các bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ cấu Chính phủ tinh gọn, theo xu hướng hội nhập, kiến tạo, phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành nội vụ cần chủ động đề xuất Chính phủ hướng dẫn việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn và các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng và sự bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện. Lưu ý việc sơ kết, tổng kết một số mô hình thí điểm làm cơ sở kiện toàn các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Quán triệt và thực hiện nghiêm việc không đưa các quy định về thành lập tổ chức trong các văn bản pháp luật không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy.

Một số địa phương đã sáp nhập một số sở ngành với nhau, tuy nhiên việc này đã tạm dừng để có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt trong cả nước. Cần nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn để bảo đảm khoa học, đồng bộ, thống nhất…

Tập trung rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng lộ trình và mục tiêu đặt ra trong việc đổi mới và sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; chú trọng quản lý nhà nước đối với các hội; tăng cường công tác triển khai và kiểm tra việc thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc sửa Luật Thi đua, khen thưởng cần phải có nhiều đổi mới hơn nữa để luật đi vào cuộc sống, giải quyết các bất cập vướng mắc hiện nay đối với luật này như việc bỏ phiếu đối với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, mô hình cụm thi đua phải có cạnh tranh thực sự, phong tặng anh hùng phải có thành tích thực sự, không bình quân chủ nghĩa để động viên tinh thần phấn đấu của người lao động.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư lưu trữ, bảo quản kho lưu trữ khoa học, hiện đại, tổ chức tốt việc khai thác, thu thập tư liệu lịch sử.

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục gương mẫu đi đầu trong việc sắp xếp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tinh gọn vào một đầu mối để tiết kiệm đầu tư, nguồn lực, tạo điều kiện cho việc đào tạo đội ngũ giảng viên mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Y tế   

Chiều 15/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Y tế.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm 2018, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu, kết quả toàn diện. Đặc biệt trong quá trình chuẩn bị 2 nghị quyết của Trung ương về bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, ngành y tế đã tổ chức thực hiện thí điểm nhiều nội dung để khẳng định và đưa vào nghị quyết. Qua một quá trình kiên trì, đi đúng hướng, nhiều mặt công tác của ngành y tế đã có kết quả rõ trong đó có những mặt đã bắt đầu bền vững.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Ngoài số bác sĩ, số giường bệnh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, thì ngay báo cáo của Cục Quản lý dược cho thấy, nhờ sự kiên trì tiếp tục công tác quản lý đấu thầu thuốc, giá thuốc biệt dược trung bình hàng năm giảm trên 10% giá thuốc và hiện nay giá thuốc của Việt Nam trong khu vực chỉ cao hơn Malaysia một chút, tới đây phải kéo xuống thấp nhất ASEAN. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam hiện là 1,4% trong khi mức trung bình ASEAN là 7%. Việc đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) hiện nay được đo lường bằng số liệu cụ thể, lấy ý kiến từ người bệnh, người nhà bệnh nhân và xã hội.

“Có những lĩnh vực đạt được kết quả không chỉ rõ mà bắt đầu có biểu hiện bền vững như phát triển bảo hiểm y tế (BHYT). Cách đây 5 năm, tỷ lệ bao phủ BHYT trên 60% và Quốc hội ra chỉ tiêu đến năm 2020 là 80% nhưng đến nay tỷ lệ BHYT đã đạt 88%. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đều hàng năm. Tất cả cấp uỷ, chính quyền đã coi đây là nhiệm vụ chính trị”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Nói về nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng lưu ý các giải pháp, “đầu việc”, lộ trình, bước đi đã được xác định rất rõ trong hai nghị quyết của Trung ương.

Đặt câu hỏi với lãnh đạo ngành y tế làm gì để đạt được kết quả tốt hơn năm 2018, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm.

Trước hết ngành y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã được đề ra cho năm 2019; quản lý được số liệu về 16 triệu hợp đồng BHYT của 30 công ty bảo hiểm ngoài nhà nước. Ngành y tế phải thống nhất với BHXH để có cơ chế thanh toán BHYT đúng với tinh thần “y tế phòng là chính”, “y tế cơ sở là nền tảng”.

“Cơ sở vật chất, nhà cửa nhiều trạm y tế cơ sở rất khang trang nhưng quan trọng nhất là tủ thuốc trạm y tế phải nhiều lên, chất lượng thuốc không kém bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân mới đến. Y tế xã đã trở thành ‘cánh tay nối dài’ của y tế huyện nhưng cơ chế tài chính vẫn phân biệt hai cấp với mức chênh lệch lớn là không hợp lý”, Phó Thủ tướng nói.

Khẳng định đẩy mạnh tự chủ BV là chủ trương rất quan trọng để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm y tế công cộng không được chạy theo lợi nhuận.

“Chúng ta thực hiện tự chủ không có nghĩa buông cho các BV chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu. Chúng ta tháo gỡ vướng mắc để đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế bằng sáng tạo, trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ xây dựng các mô hình quản trị, quản lý, khai thác tốt nhất cơ sở vật chất, con người. Làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng không phải cứ tự chủ là tìm mọi cách tăng nguồn thu, nếu như vậy là không còn định hướng y tế công cộng là phục vụ toàn dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Củng cố hệ thống y tế cấp huyện là nhiệm vụ tiếp theo được Phó Thủ tướng giao cho ngành y tế trong năm 2019 bao gồm mô hình quản trị, quản lý, phương thức thanh toán để y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế, bảo đảm cân đối giữa hệ dự phòng và điều trị.

“Mô hình tổ chức các nơi khác nhau, có những BV huyện đã được nâng hạng, nâng cấp không muốn sáp nhập, quay lại trung tâm y tế huyện thì phải có cơ chế để dự phòng và điều trị gắn chặt với nhau dưới lãnh đạo chuyên môn theo ngành dọc và các nhiệm vụ cụ thể do cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo. Làm sao để cán bộ y tế xã được coi như cán bộ y tế huyện và y tế dự phòng không còn ‘tủi thân’ với y tế điều trị”, Phó Thủ tướng nói.

Trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần đẩy mạnh y học từ xa (Telemedcine), một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nên mới ở mức độ tự phát chứ chưa có chương trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo. Đây là cách tốt nhất để cán bộ y tế các cấp được đào tạo, hướng dẫn khi được tham gia vào các ca mổ từ xa, hội chẩn từ xa do các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần chỉ đạo các đơn vị, BV, cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc… triển khai nghiêm túc việc kết nối, cập nhật dữ liệu đối với hệ thống quản lý thông tin y tế như hệ thống thanh toán bảo hiểm y tế, hệ thống các nhà thuốc..

“Đơn cử việc kết nối hệ thống các nhà thuốc phải được coi là một điều kiện bắt buộc để người dân khi mua thuốc ở đâu đều biết được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và khắc phục không quản lý được giá thuốc. Chúng ta phải làm nghiêm, vì nhân dân. Nơi nào không làm tích cực thì phải xem xét trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu thực tế nhiều địa phương vướng khi triển khai các chương trình quản lý thông tin y tế cơ sở như tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ, Phó Thủ tướng phê bình Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và yêu cầu huỷ bỏ ngay những văn bản do Cục này ban hành đang làm chậm quá trình triển khai, khiến nhiều địa phương đang phải đợi hướng dẫn.

“Chúng ta triển khai Telemedicine thì từ trên xuống còn hệ thống quản lý, quản trị thông tin y tế thì phải từ dưới lên, đồng loạt, đồng bộ từ y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng yêu cầu./.