Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389
Chiều 19/2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đã làm việc với Văn phòng Thường trực BCĐ.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã đạt được những kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 234.000 vụ việc vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách trên 19.000 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ), khởi tố 1.446 vụ án, 1.656 đối tượng (tăng 6% so với cùng kỳ).
Những thành tích này có sự đóng góp quan trọng của Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia trong công tác tham mưu, báo cáo Trưởng BCĐ ban hành và triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề. Đồng thời, đề xuất lên Trưởng ban có ý kiến chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc phức tạp, được xã hội quan tâm, như: Việc buôn lậu dưới hình thức quà biếu, hàng hóa xách tay qua đường hàng không, bưu điện tại các cảng hàng không quốc tế; vụ sản phẩm Vinaca giả thuốc chữa bệnh; vụ buôn lậu 1.157 điện thoại Iphone tại sân bay Nội Bài; vụ vận chuyển trái phép qua biên giới gần 100 tấn hàng hóa tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; vụ việc liên quan đến Công ty TNHH Con Cưng...
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình trạng buôn lậu các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá điếu, rượu, điện thoại di động, hàng tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phía bắc và tây nam có dấu hiệu gia tăng. Các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu là các vụ việc nhỏ, xử lý chỉ dừng lại ở người vận chuyển, mang vác thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm…
Chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng phải luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc cho BCĐ 389 quốc gia; thực hiện tốt công tác điều hòa, phối hợp giữa các lượng liên ngành để triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác; xác định rõ nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, thường xuyên, liên tục.
Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng để rà soát các quy định của pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách… không để các đối tượng lợi dụng khoảng trống, sự chồng chéo của pháp luật để buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
Đồng thời tham mưu hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến công tác điều hòa, phối lực lượng liên ngành, công tác chia sẻ thông tin. Chủ động nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, các hiệp hội ngành, nghề, các cơ quan thông tấn báo chí... để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hành vi tiêu cực, tiếp tay của cán bộ, công chức liên quan…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức Văn phòng Thường trực.
“Coi trọng việc rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống và làm đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, không để các đối tượng buôn lậu móc nối, câu kết với cán bộ để làm chỗ ‘chống lưng’, chỗ dựa cho các đối tượng buôn lậu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Văn phòng Thường trực tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia ban hành kế hoạch đấu tranh chống các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật; kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan khu vực biên giới phía bắc; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện ngay sau khi các kế hoạch được ban hành.
Văn phòng tham mưu cho BCĐ 389 quốc gia ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng và tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; quy chế phối hợp giữa BCĐ 389 quốc gia và BCĐ các bộ, ngành, địa phương trong thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về cơ chế một cửa
Ngày 19/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 nhằm kiểm điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng triển khai năm 2019.
Trong năm 2018, cả nước có 13 bộ, ngành hoàn thành 173 thủ tục hành chính (TTHC) kết nối với NSW (đạt 97% so với mục tiêu của Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP), giải quyết 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27.000 doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao các bộ, ngành phấn đấu triển khai mới 138 TTHC trên NSW. Tới hết năm 2018, các bộ đã hoàn thành 106 thủ tục, chiếm 77% so với mục tiêu.
Bên cạnh triển khai liên thông các TTHC tại cảng biển, thủy nội địa, các bộ, ngành cũng triển khai cơ NSW tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Lãnh đạo cơ quan thường trực của Ủy ban, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2018, nhìn chung các bộ, ngành đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện, tạo ra đột phá khi trong 5 tháng cuối năm đã triển khai thêm 100 thủ tục mới, tiếp tục mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2018 là có chuyển biến căn bản trong thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc như số lượng TTHC triển khai mới chưa đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cần phải tập trung khắc phục để góp phần đưa đất nước bứt phá, phát triển toàn diện trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: “Thường trực Chính phủ đã bàn và tính tới việc nếu để các bộ, ngành trực tiếp thực hiện chính phủ điện tử, chính phủ số và những dạng công nghệ thông tin thế này thì hiệu quả rất hạn chế. Nên chăng chuyển sang thuê dịch vụ về công nghệ thông tin để tư nhân làm với các yêu cầu bảo mật, an ninh, kỹ thuật kết nối”.
Bên cạnh đó, tiến độ phát triển nâng cấp hạ tầng mạng, thiết bị không theo kịp tốc độ triển khai dẫn đến một số thời điểm hệ thống quá tải, không đáp ứng kịp với giao dịch phát sinh.
Qua trực tiếp khảo sát ở một số địa phương, Chủ tịch Ủy ban cho rằng, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn, việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tốt hai mục tiêu tạo thuận lợi thương mại đi kèm với chống gian lận thương mại.
“Quan điểm không phải cắt giảm lấy được để báo cáo thành tích, mà phải đạt được cả hai mục tiêu trên, tăng cường khả năng quản lý, phối hợp các bộ, cơ quan với nhau và với Tổng cục Hải quan. Có những điều kiện, thủ tục kinh doanh không phải và không đáng phải cắt giảm, hoặc buộc phải giữ để bảo đảm quản lý nhà nước mà lại cắt giảm đi là phải rà soát lại. Ngược lại có tình trạng khi ban hành văn bản ‘cắt giảm’ nhưng lại ‘đẻ’ ra thủ tục, điều kiện khác, đây là điều phải lưu ý”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Đặc biệt với kiểm tra chuyên ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc: “Bộ nào không ban hành được trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm tra thì không được phép kiểm tra chuyên ngành, phải chấm dứt và bãi bỏ chuyện này. Nếu không sẽ dẫn tới bộ nào cũng có quyền kiểm tra”.
Phó Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị lấy ý kiến các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách thu hút và sử dụng FDI tại Bình Dương mới đây nhiều ý kiến phàn nàn về việc kiểm tra sau thông quan tràn lan. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành làm rõ, VCCI tham gia giám sát trên cơ sở đánh giá rủi ro, tác động hiệu quả kiểm tra sau thông quan như thế nào.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý không chuyển tất cả từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có những hàng hóa bắt buộc phải tiền kiểm nhưng phải quy định rõ trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, tiêu chí, cách thức kiểm tra.
Việc kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, quan trọng là các bộ, ngành ban hành các quy trình và thủ tục, còn việc đầu tư hệ thống trang thiết bị máy móc và trực tiếp làm công tác kiểm tra phải đi theo hướng xã hội hóa, để tư nhân, doanh nghiệp làm, Phó Thủ tướng dẫn kinh nghiệm của Australia trong chuyến làm việc tại quốc gia này vào giữa năm 2017.
Đồng thời, trong năm 2019, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành phải tính đến bài toán nhân sự, quy trình, thủ tục, công nghệ, hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, kết nối một cửa quốc gia với ASEAN và quốc tế, đồng thời phải có giải pháp để người dân và cộng đồng doanh nghiệp giám sát chặt chẽ lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp Đại sứ Bỉ
Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiếp Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua quan hệ Việt Nam-Bỉ tiếp tục phát triển tích cực về mọi mặt. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua từng năm và đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2018. Nhiều doanh nghiệp Bỉ đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam. Hai nước đã có nhiều thoả thuận hợp tác trong giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, cảng biển, phát triển các khu công nghiệp… Và việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu-Việt Nam sắp được ký kết sẽ mở rộng thêm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.
“Hợp tác giáo dục-đào tạo vẫn luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Bỉ”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng nhiều chương trình hợp tác đào tạo giữa các trường đại học của Việt Nam và Bỉ đạt được những kết quả tích cực, cần tiếp tục phát huy. Vì vậy những dự án như trường Đại học Quản lý châu Âu tại Việt Nam phải tìm ra những phương án hoạt động bảo đảm hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Bỉ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Pháp ngữ, Diễn đàn Kinh tế Á-Âu (ASEM) và ASEAN, đặc biệt là sự ủng hộ lẫn nhau vào một số cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc.
Cám ơn Phó Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại sứ Paul Jansen khẳng định trong nhiệm kỳ của mình sẽ nỗ lực thúc đẩy toàn diện mối quan hệ Việt Nam-Bỉ, nhất là trong kinh tế, giáo dục và hợp tác phát triển.
Ông Paul Jansen cho biết Bỉ luôn ủng hộ Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu, bởi hiệp định sẽ giúp hai bên đón đầu các lợi ích to lớn về chiến lược và kinh tế.
Trên phương diện đa phương, Đại sứ mong muốn Bỉ và Việt Nam sẽ có tiếng nói ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực như gìn giữ hòa bình, chống biến đổi khí hậu…/.