Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự lễ Bế mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc
Sáng ngày 14/5, tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) đã diễn ra lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 được tổ chức tại Việt Nam - đất nước yêu chuộng hòa bình, tiếp tục giương cao ngọn cờ nhân văn hòa bình, hữu nghị và hợp tác của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, kết nối sức mạnh, tình đoàn kết, gắn bó, tinh thần nhập thế và sự nỗ lực cùng nhau hành động của những người con Đức Phật trên khắp thế giới, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Đại lễ Vesak năm 2019 được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ 113 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng chục nghìn tăng, ni, Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo khắp nơi. Trong những ngày qua, những tinh hoa về tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi theo tinh thần Phật giáo đã kết nối bầu bạn khắp nơi hội tụ về Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc trong tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa những người có chung tâm nguyện cùng nhau thúc đẩy tinh thần khoan dung, hòa hợp để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình và hạnh phúc.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 tại Việt Nam với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” đã được tuyên xưng trong tinh thần dân chủ, hòa hợp và trách nhiệm lớn lao.
Các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hòa bình, về một xã hội phát triển bền vững đã được thảo luận, thống nhất thể hiện qua Tuyên bố chung Hà Nam Vesak 2019, khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc hiện thực hoá Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại và những bất ổn của xã hội như chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khổ đau của nhân loại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu… từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục thu được lợi ích sâu sắc và to lớn, để thông điệp về hòa bình và yêu thương của Đức Phật luôn tỏa sáng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh đến sự phát triển của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, với nhiều thành tựu phát triển, trong đó có việc thực hiện Các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế, phát triển y tế, giáo dục và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
“Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật. Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội như từ thiện, giáo dục, y tế. Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa để không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ.
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trân trọng cảm ơn quý vị đại diện của Liên Hợp Quốc, các vị khách quốc tế, quý vị đại biểu và toàn thể tăng, ni, phật tử đã nhiệt tình hưởng ứng, tham dự, đóng góp trí tuệ và công sức, góp phần vào sự thành công của Đại lễ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực và chúc mừng thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các thành viên của Ủy ban Tổ chức quốc tế, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, các ban, bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Nam, cùng toàn thể quý vị đại biểu đã dành nhiều tâm huyết, công sức để Vesak 2019 đạt được kết quả tốt đẹp.
Đồng thời, cảm ơn những tình cảm tốt đẹp, quý báu mà quý vị đại biểu dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam và truyền thông điệp Vesak 2019 tại Việt Nam với niềm tin yêu về một cuộc sống tốt đẹp, hòa bình đến với các quốc gia, vùng lãnh thổ và người dân trên khắp thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự buổi "Gặp mặt đại biểu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019"
Ngày 14/5, phát biểu tại buổi "Gặp mặt đại biểu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đất nước vượt qua được rất nhiều thiên tai, địch hoạ hàng ngàn năm qua trước hết nhờ truyền thống đoàn kết, tinh thần đại nghĩa, chính nghĩa, sự cần cù, dũng cảm, nhờ trí tuệ Việt Nam… Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của nhân tài, hiền tài quốc gia vô cùng quan trọng.
Ngày nay, các trí thức, nhà khoa học không chỉ tiếp thu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ mới phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà còn đóng góp đáng kể vào việc phát kiến, sáng tạo ra những tri thức ở tầm thế giới.
Đặc biệt, khoa học xã hội, trong đó có khoa học chính trị, khoa học quản lý, góp phần quyết định hình thành đường lối đổi mới cũng như các chính sách phát triển kinh tế-xã hội trong suốt những năm qua. Các nhà khoa học đã góp phần hết sức quan trọng để tiếp tục phát triển di sản văn hoá của dân tộc. Nhiều công trình khoa học xã hội đã tạo ra giá trị di sản mới cho đời sau.
Phó Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều nơi, nhiều lúc, trong chỉ đạo thực hiện chưa thực sự coi “khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu”.
“Luật quy định chúng ta phải chi 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ nhưng từ năm 2001 đến nay năm cao nhất mới được 1,8% và có xu hướng giảm dần. Nhiều cơ chế chính sách dành cho khoa học công nghệ thực hiện chưa được mong muốn”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với sự phát triển của khoa học, công nghệ, các dân tộc đều đang đứng trước thời cơ và thách thức rất lớn. Và nếu dân tộc nào, đất nước nào không coi khoa học, công nghệ là yếu tố có tính quyết định thì chắc chắn sẽ thất bại. Điều đó đòi hỏi phải có đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ với một số việc cụ thể.
Trước hết là hoạt động chỉ đạo, điều hành về khoa học, công nghệ thực sự “nói đi đôi với làm”, kỷ cương để khoa học, công nghệ đúng là “quốc sách hàng đầu”. Không để sức ép tăng trưởng kinh tế, những mục tiêu ngắn hạn, khó khăn chung của các nước đang phát triển lấn át những yếu tố có tính nền tảng, dài hạn.
Cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ phải phát huy sức mạnh cả hệ thống, khơi dậy và chia sẻ sáng tạo của mọi cá nhân, đặc biệt là các trí thức, nhà khoa học.
Bên cạnh bảo đảm tỷ lệ ngân sách nhà nước theo đúng quy định thì việc khuyến khích DN đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ là vô cùng quan trọng. Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới cần có các chính sách thiết thực về kinh tế để DN thấy lợi ích khi đầu tư vào khoa học, công nghệ đào tạo nhân lực.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ tự chủ trong các trường đại học, biến các trường đại học thành những trung tâm nghiên cứu lớn. Đồng thời thay đổi phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, chuyển từ truyền thụ kiến thức thụ động, một chiều sang giúp học sinh chủ động tiếp cận kiến thức, có tư duy tranh luận, tìm tòi, ứng dụng mạnh mẽ các chương trình STEM...
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai
Sáng 14/5, Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu tại buổi lễ.
Tại lễ phát động, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ PCTT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương nỗ lực của BCĐ Trung ương PCTT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, các bộ, ngành Trung ương, chính quyền và cơ quan PCTT các cấp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan báo chí-truyền thông và đặc biệt là sự tham gia trách nhiệm, hiệu quả của người dân trong công tác PCTT.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ rõ công tác PCTT vẫn còn nhiều hạn chế, cần tập trung khắc phục có hiệu quả. Chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTT; nguồn lực cho PCTT còn hạn chế. Công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các bộ ngành, địa phương chưa gắn với công tác PCTT.
“Trong khi đó, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động đến nước ta nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế đã và đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội để phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTT, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững, ngày 13/2/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy tuần lễ từ ngày 15-22/5 hằng năm làm Tuần lễ quốc gia PCTT. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến mới, tiếp nối lịch sử kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê vào ngày 22/5/1946.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Tuần lễ quốc gia PCTT là dịp để mỗi người thể hiện cam kết, đề cao tinh thần trách nhiệm, động viên chính quyền các cấp, các tổ chức và cộng đồng người dân nâng cao sự chủ động chuẩn bị sẵn sàng trong PCTT.
Cùng với phát động Tuần lễ quốc gia PCTT năm 2019 với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư hãy luôn cảnh giác, chủ động thích ứng, PCTT.
Chính quyền các cấp, đặc biệt là ở cơ sở, luôn sẵn sàng hành động theo phương châm 4 tại chỗ để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước, góp phần giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra.
Để chủ động ứng phó, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngay sau lễ phát động này, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội, trường học, lực lượng vũ trang… cần tập trung triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia, tạo được sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và nhân dân. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; kỹ năng PCTT cho mọi người dân.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tập tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến công tác PCTT, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Trước hết là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế; ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hoá khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia PCTT, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Cùng với đó là kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về PCTT các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng; kịp thời sửa chữa, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão… đáp ứng yêu cầu PCTT; đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết hơn.
Bên cạnh đó là nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia và tổ chức quốc tế trong công tác PCTT.
Nhân sự kiện này, Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và khu vực tư nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ, đồng hành cùng với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp PCTT.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự nỗ lực, chung tay của toàn xã hội, Việt Nam sẽ từng bước xây dựng được một xã hội chủ động hơn, an toàn hơn trước thiên tai, góp phần xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, bảo vệ tốt hơn thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đảm bảo cuộc sống bình yên cho mọi người dân./.