• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn)-Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 10/1/2020.

11/01/2020 11:26

Phó Thủ tướng Thường trực dự hội nghị về an toàn an ninh hàng không

Ngày 10/1, tại Trụ sở Chính phủ, Uỷ ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc công tác an toàn an ninh hàng không năm 2019, nhiệm vụ 2020. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Uỷ ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên Ủy ban An ninh hàng không và UBND các địa phương có cảng hàng không, sân bay đã nỗ lực phối hợp đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng, giữ vững uy tín của ngành hàng không nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, trong năm 2019, còn để xảy ra một số vụ việc uy hiếp an ninh hàng không. Nguyên nhân của các vụ việc này xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, an toàn hàng không của người tham gia giao thông hàng không chưa cao, lỗ hổng về pháp lý, việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn và tính chủ động của đội ngũ nhân viên hàng không. Các sự cố an toàn do yếu tố con người vẫn xảy ra, trong đó, các sự cố nghiêm trọng và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao đều do nguyên nhân là yếu tố con người.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; cập nhật các văn bản pháp luật, các quy định về an ninh hàng không phù hợp quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Bộ Giao thông vận tải chỉ  đạo Cục Hàng không Việt Nam tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật Chương trình An toàn hàng không quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu của ICAO và thực tiễn hoạt động hàng không tại Việt Nam, cũng như đẩy nhanh các giải pháp áp dụng quy trình, công nghệ mới trong lĩnh vực quản lý an toàn.

Cho biết Chính phủ đang xem xét, phê duyệt Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan có cơ sở triển khai thực hiện, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, trong thời gian chờ quyết định phê duyệt Đề án của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp khẩn trương cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh hai cảng hàng không quốc tế trọng điểm Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời triển khai đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm duy trì đảm bảo đủ điều kiện khai thác, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không đối với các cảng hàng không, sân bay trực thuộc.

Các Bộ Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá nguy cơ rủi ro uy hiếp an ninh, an toàn hàng không theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của ICAO và quy định của các văn bản phối hợp liên ngành khác; tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, trao đổi, xử lý thông tin liên quan để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và ứng phó kịp thời các tình huống khẩn nguy có thể xảy ra.

“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông hàng không cho toàn xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân; lấy xây dựng văn hóa an toàn trong cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi công vụ và doanh nghiệp hàng không làm động lực”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn hiệu quả vi phạm về tàu bay không nguời lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Nghiên cứu để đưa vào xử lý ở mức cao (xử lý hình sự) đối với các vi phạm của loại hình này. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm soát tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý UBND các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về sử dụng, quản lý hoạt động của các phương tiện bay không người lái có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không dân dụng. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các đơn vị liên quan của ngành hàng không xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh hiệu quả với tình trạng trộm cắp tài sản, hành lý của hành khách đi tàu bay, đặc biệt từ số đối tượng người nước ngoài.

“Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các địa phương có cảng hàng không, sân bay nghiêm túc xây dựng quy chế làm việc, giao ban trao đổi tình hình, tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ, tránh đơn giản, hình thức; chú trọng công tác diễn tập, xây dựng quy trình ứng phó các tình huống điển hình uy hiếp an ninh, an toàn hàng không”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Nhấn mạnh đến việc xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng; phòng, chống hành vi can thiệp bất hợp pháp vào mạng thông tin chuyên ngành hàng không, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, đối với hai Đề án: Thành lập đồn Công an tại các cảng hàng không sân bay trọng điểm và xây dựng lực lượng An ninh trên không, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm đảm bảo tốt tình hình an ninh, an toàn hàng không dân dụng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ VHTT&DL

Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ VHTT&DL.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành văn hoá đã đóng góp rất quan trọng, không thể thiếu vào những kết quả phát triển toàn diện của đất nước trong năm 2019. “Điều đáng quý, văn hoá, thể thao và cả du lịch đã góp phần khơi dậy ý chí Việt Nam, khát vọng mãnh liệt của dân tộc, truyền thống của đất nước để vươn lên mạnh mẽ hơn nữa”. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ VHTT&DL đã có những tiến bộ hơn các năm trước, sát hơn với thực tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành VHTT&DL cần nhìn thẳng vào những bất cập, hạn chế với tinh thần “nhìn thẳng vào những tồn tại chưa chắc đã khắc phục được triệt để, nhất là những vấn đề liên quan văn hoá, nhưng nếu không nhìn vào thì chắc chắn không thể tiến bộ”.

Phó Thủ tướng điểm một số tồn tại trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ VHTT&DL. Vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp hay tình trạng xâm hại di sản, di tích, bảo tồn tranh ở TPHCM, biểu diễn nghệ thuật, phim ảnh… là những bài học mà nội bộ ngành VHTT&DL phải chấn chỉnh.

Bên cạnh đó là bất cập trong đặt hàng phim điện ảnh, đào tạo nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo), lý luận phê bình… Hệ thống các thiết chế văn hoá chưa được quan tâm đúng mức, vừa thiếu, vừa thừa.

“Một điều chúng ta phải rất day dứt là có những bảo vật quốc gia nằm ở dưới hầm, người dân không thể xem được vì không có chỗ trưng bày và các điều kiện an ninh cần thiết. Trong khi đó rất nhiều thiết chế văn hoá ở địa phương sử dụng không tốt. Từng cái nhỏ cộng hết lại thì rất lớn”, Phó Thủ tướng nhận xét và đề nghị ngành VHTT&DL nhìn thẳng vào để rút kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá mới, có hướng sử dụng hiệu quả hơn các thiết chế hiện có.

Lĩnh vực du lịch dù đạt kết quả tốt nhưng không phải đã hết tồn tại, hạn chế từ xúc tiến, quảng bá đến môi trường, văn hoá, những điểm nghẽn trong phát triển du lịch như hạ tầng, hàng không…

Tương tự, Phó Thủ tướng cho rằng lĩnh vực thể dục, thể thao dù có nhiều thành tích ấn tượng song phong trào thể thao quần chúng vẫn cứ “bình bình như thế”, không có đột phá, điểm nhấn; thiếu các cơ chế bảo đảm cho đào tạo, huấn luyện thể thao đỉnh cao, chuyện đội tuyển bắn súng không có đạn để bắn tập là một ví dụ.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020 tiếng nói của Bộ VHTT&DL phải mạnh mẽ, thôi thúc hơn, “xắn tay áo” cùng làm việc với các bộ ngành, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được nhìn nhận.

Cùng với đó là tăng cường hơn nữa nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc đầu tư cho văn hoá, xã hội; vai trò văn hoá trong mọi lĩnh vực xã hội; đề cao tính gương mẫu.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý 2 việc mà Bộ VHTT&DL tập trung thực hiện trong năm 2020. Thứ nhất là Bộ VHTT&DL phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để làm tốt hơn cơ chế đặt hàng trong đào tạo, sáng tác văn học, nghệ thuật… nhất là nghệ thuật truyền thống.

Thứ hai là ngành VHTT&DL cần chú trọng hơn nữa đến các chương trình, hoạt động nâng cao thể lực, tầm vóc, thẩm mỹ để người Việt Nam phát triển toàn diện Đức-Trí-Thể-Mỹ.

“Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trách nhiệm lớn nhất của ngành VHTT&DL là góp phần khơi dậy ý chí của dân tộc, phát huy cái tốt trong văn hoá, đấu tranh, đẩy lùi sự xuống cấp về văn hoá, đạo đức.

Năm 2020 phương châm hành động của Chính phủ là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Trách nhiệm là vô cùng quan trọng, nhất là với ngành văn hoá. Đặc điểm của ngành văn hoá là kết quả tốt không thấy ngay được, cái xấu cũng không khắc phục ngay được nên các đồng chí phải xác định trách nhiệm cao hơn bình thường”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của TKV

Ngày 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, TKV và các đơn vị thành viên đã hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu đề ra, trong đó đạt cao nhất từ năm 2012 trở lại đây về các chỉ tiêu doanh thu, sản lượng, thu nhập người lao động và nộp ngân sách Nhà nước. Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong năm 2019 đều vượt kế hoạch. Công tác tái cơ cấu được triển khai quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt, được Chính phủ đánh giá là đơn vị thực hiện có hiệu quả nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại của TKV, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu cầu thị trường tiêu thụ than, khoáng sản trong nước tiếp tục tăng cao, nhất là nhu cầu than cho sản xuất điện.

Nhấn mạnh năm 2020 là năm bản lề với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Phó Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ cho TKV.

Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai có hiệu quả toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, bảo đảm được kế hoạch năm 2020 đề ra được. Đặc biệt, tập trung sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, góp phần bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế.

Nhiệm vụ thứ hai là đẩy mạnh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát lại các ngành nghề, sản phẩm của Tập đoàn để tái cơ cấu phù hợp. Tái cơ cấu về đầu tư (trên cơ sở xác định các sản phẩm chính của Tập đoàn gồm: Than, điện, các sản phẩm khoáng sản khác). Tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp. Tái cơ cấu về nhân lực gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Cần coi khoa học công nghệ là chìa khoá để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả của doanh nghiệp và tăng hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất.

Bốn là, chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất. Trong đó, tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác. Cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than bảo đảm nhu cầu than cho nền kinh tế theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đặc biệt là than cho sản xuất điện). Chế biến sâu các loại khoáng sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm khoáng sản, sản phẩm chế biến từ khoáng sản.

Năm là, tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đang chậm tiến độ.

Sáu là, tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt về công tác an toàn lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn và sự cố lớn.

“Đây là nhiệm vụ quan trọng, tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt tại các khu vực hầm lò khai thác sâu, công nghệ cũ, lạc hậu, các bãi thải, khai trường lộ thiên, các khu vực thường xảy ra thiên tai…”, Phó Thủ tướng dặn dò.

Bảy là, làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TKV phải là đơn vị đi đầu, ưu tiên nguồn lực, triển khai các biện pháp hiệu quả bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo TKV phải chú trọng quan tâm đến đời sống, việc làm của người lao động; thực hiện tốt các chương trình, chính sách
an sinh xã hội.

Đối với một số kiến nghị của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết trong thẩm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền, yêu cầu báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho Tập đoàn hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và phát triển ổn định, bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019.

Diễn đàn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng đánh giá, đây là dịp để chúng ta ngồi lại và cùng đánh giá những kết quả đã đạt được và đưa ra những định hướng nhằm thắt chặt mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn là “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”, đồng thời nhấn mạnh, đây cũng là chủ đề xuyên suốt năm 2019 với nhiều kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ.

Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đồng thời phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững.

“Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bởi Nhà nước đặt ra mục tiêu nhưng lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu là doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, có chiến lược sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng, là một xu thế hiện hữu đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Đồng thời, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải nhận thấy những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, cũng là cơ sở cho những thay đổi về quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sự sáng tạo, mang tính cạnh tranh…

Để chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề.

Trước hết, sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả, qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.

Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) cùng phát triển.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các giải pháp, nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách, các Nghị quyết để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp.

Một nội dung nữa mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh là phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được giải phóng, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp; Hỗ trợ kiến tạo phát triển cơ sở hạ tầng cho sự đổi mới; Thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…

Chính phủ Việt Nam cũng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo...

“Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững. Từ đó tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ...

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, cơ quan Việt Nam sẽ tiếp thu để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,…

Tại Diễn đàn, đối với những kiến nghị cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp thu, giải quyết trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh./.