Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 28/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên thứ 10 dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Kết luận phiên họp, về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của luật sư”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ để phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư trong giai đoạn tới, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện đầy đủ, toàn diện Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, thực hiện một số nội dung liên quan tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của bộ Chính trị về Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và tổng kết thực hiện Đề án về phát triển đội ngũ luật sư, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 20290, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư sau năm 2020, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ luật sư đủ điều kiện tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.
Về kiến nghị của Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam thành lập trường đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, qua thảo luận còn nhiều ý kiến, Phó Thủ tướng giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp cùng với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư phối hợp nghiên cứu đánh giá, đề xuất giải pháp khả thi.
Về Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá hoạt động tư pháp, Phó Thủ tướng đề nghị tính toán kỹ cách làm, tiêu chí, phạm vi, đối tượng đánh giá của Bộ chỉ số này cần tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần xác định cho rõ mục đích yêu cầu, nội dung, tiến độ và phân công thực hiện đối với các cấp uỷ đảng trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 84, các công việc cụ thể cần thực hiện từ nay đến khi có Chiến lược cải cách tư pháp mới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Chiều tối 28/9, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình trung thu “Trăng Bình yên” cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân dịp Tết Trung thu 2020.
Đây là một trong những hoạt động theo chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước; do đó, việc bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, là sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai, đầu tư cho một xã hội tiến bộ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
“Tôi được biết hơn 90 cháu có mặt trong sự kiện “Trăng Bình yên” hôm nay đều có hoàn cảnh đặc biệt. Mỗi cháu đều có những câu chuyện riêng về bản thân, về gia đình, có tuổi thơ thiếu sự chăm sóc đủ đầy của cha mẹ. Nhiều cháu thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng đã cứng cáp, bản lĩnh vượt lên hoàn cảnh để viết tiếp ước mơ của mình. Các cháu đã đến Ngôi nhà Bình yên, Ngôi nhà Hạnh phúc, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em... để được các cô, các bác tư vấn, nuôi dạy, chữa trị các vết thương tinh thần, được tiếp thêm nghị lực vượt qua thử thách để tiếp tục học tập, rèn luyện, chuẩn bị cho tương lai cuộc đời”, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiều năm qua đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí phòng chống bạo lực gia đình, vận động người thân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Trong hai năm 2019 và 2020, Hội đã chọn chủ đề năm là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, ký kết các chương trình phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngôi nhà Bình yên, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; qua đó đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức và kiến thức của cha mẹ về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em; tham gia giám sát, lên tiếng, kiến nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em; tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, chương trình, luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em...
Theo đó, dịp Trung thu năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có sáng kiến tổ chức sự kiện “Trăng Bình yên”, quy tụ các cháu thiếu nhi hiện đang gặp những điều kiện thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống, với mục đích tạo ra một sân chơi bình yên, vui vẻ, ý nghĩa nhân dịp vui chung của thiếu nhi cả nước; ghi nhận những nỗ lực của Ngôi nhà Bình yên và chùa Bồ Đề đã và đang tạo ra những mái ấm nhằm chăm lo ở mức tốt nhất có thể cả về vật chất và tinh thần cho các cháu.
“Trẻ em là tương lai của đất nước. Bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, là sự đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai, đầu tư cho một xã hội tiến bộ, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em thông qua hệ thống pháp luật, chính sách. Đồng thời, các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước đã và đang thực hiện nhiều chương trình, dự án với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Sau khi nghe chia sẻ ước mơ về cuộc sống “An toàn - Bình yên” của các cháu, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới trẻ em nói chung và đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng, để các cháu có thêm nghị lực trước những thiệt thòi, khó khăn, vượt qua mặc cảm để tự tin vươn lên đón nhận tương lai tươi sáng hơn. Các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu mô hình Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội và Ngôi nhà Hạnh phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Về nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Phải xác định, đây là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội; đặc biệt các cấp, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương phải thực hiện tốt công tác phòng chống xâm hại trẻ em ngay từ cơ sở. Những trường hợp vi phạm phải xử lý thật nghiêm. Thường xuyên, liên tục tuyên truyền, giới thiệu về mô hình này cho phụ nữ và trẻ em bằng nhiều hình thức để mô hình này thực sự mang lại bình yên và hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em.
Tại chương trình, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một số bộ, ngành và các nhà hảo tâm đã trao các phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Hà Nội./.