Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân (Hà Nội)
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã dự lễ khánh thành nút giao Trung Hòa và nút giao Thanh Xuân.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Bộ GTVT và TP. Hà Nội trong việc xây dựng các dự án quan trọng của Thủ đô nhằm giảm tải ùn tắc giao thông và tai nạn trên địa bàn.
Đây là 2 dự án nhằm góp phần giảm ùn tắc cho trung tâm thành phố Hà Nội, phù hợp với kế hoạch tổng thể của TP. Hà Nội năm 2020 và đáp ứng lưu lượng giao thông trong tương lai.
Nút giao Trung Hòa được khởi công ngày 18/1/2015; thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỉ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh có quy mô xây dựng 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng đại lộ Thăng Long-Trần Duy Hưng. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 12 m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm hở phía đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25 m.
Tổng chiều dài hầm và đường dẫn vào hầm khoảng 614,13 m, chiều dài đoạn mở rộng đường gom hai bên đại lộ Thăng Long khoảng 2.573 m; chiều dài đoạn mở rộng đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng khoảng 580 m, quy mô đường phố chính chủ yếu, 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60 km/h. Phần đường gom hai bên đại lộ Thăng long và đường Khuất Duy Tiến, tốc độ thiết kế 60 km/h, các nhánh nút giao rẽ phải gồm 2-3 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 40 km/h.
Dự án hầm nút giao Thanh Xuân là một hạng mục công trình trong toàn bộ các công trình thuộc nút giao Thanh Xuân hoàn chỉnh, là tiểu dự án xây dựng hầm QL 6 nút giao Thanh Xuân thuộc dự án xây dựng đường vành đai 3, giai đoạn 2.
Gói thầu xây dựng hầm nút giao Thanh Xuân được tổ chức động thổ xây dựng vào ngày 28/6/2014 với tổng mức đầu tư hơn 551 tỉ đồng; thời gian thi công theo hợp đồng là 18 tháng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai 2015
Chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai năm 2015, giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu phải chủ động phòng ngừa để giảm mạnh hơn nữa thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai gây ra.
Trong năm 2015, tuy thiên tai xảy ra ít nhưng cường độ tác động một số đợt lại ở mức cao kỷ lục. Đó là có tới 5 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông; nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao kéo dài kỷ lục xảy ra trên diện rộng từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh; sạt lở đất bờ sông, xâm nhập mặt sớm và lấn sâu vào đất liền; tình trạng cạn kiệt các nguồn nước trên các dòng sông ngày càng phổ biến. Thiên tai đã làm 154 người chết trong năm, 127 người bị thương và thiệt hại tài sản ước 8.114 tỉ đồng.
Nhìn cả giai đoạn 2011-2015 có thể thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) thể hiện rõ nét, thiên tai diễn ra bất thường và cực đoan: Bão mạnh, siêu bão đi vào Biển Đông, đặc biệt năm 2013 có 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 12 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, bao gồm cả siêu bão Haiyan; hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài trên diện rộng và mưa lớn với cường suất hàng trăm mm/h; mưa lũ trái mùa, sạt lở xảy ra trên nhiều địa phương gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mỗi năm, thiên tai làm 226 người chết và mất tích (giảm 53% so với giai đoạn trước), thiệt hại vật chất khoảng 660 triệu USD (giảm 32%).
Tình trạng thời tiết cực đoan, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sẽ có thể tiếp tục diễn ra trong năm 2016. Hiện tượng El Nino kéo dài có thể tiếp tục gây hạn hán nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tình trạng thiếu nước ở hầu hết các lưu vực sông và có thể sẽ có đợt hạn hán kỷ lục; bão, lũ vẫn có thể xảy ra đột ngột, cường độ mạnh; lũ quét, sạt lở đất vẫn nghiêm trọng...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những bước tiến bộ tích cực trong công tác phòng chống thiên tai trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tăng cường hơn nữa năng lực phòng, chống thiên tai ở mọi cấp, ngành, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.
Chỉ ra những diễn biến ngày càng khó lường của thời tiết, của tình trạng BĐKH, của tình trạng đô thị hóa và vận hành những công trình lớn... Phó Thủ tướng cho rằng, công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với thảm họa cần nâng cấp ở mọi khâu, từ nhận thức, tinh thần cảnh giác đến thể chế, đầu tư trang thiết bị cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật. Cụ thể, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, bên cạnh hoàn thành các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, phải đề xuất các chính sách nhằm kiểm soát các rủi ro mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội như xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác khoáng sản, hồ chứa...
Đặc biệt, tổng kết diễn biến, cơ cấu số liệu thiên tai thời gian qua cho thấy giai đoạn vừa qua đã hạn chế được số người chết, mất tích nhưng tỷ lệ thiệt hại về người do mưa, lũ vẫn chiếm cao nhất (62%), sau đó là do lũ quét, sạt lở đất (16%), nên cần tập trung vào việc ứng phó loại hình này. Địa phương nào ảnh hưởng nhiều sẽ phải có kế hoạch hành động riêng, giải pháp đặc biệt hơn để ứng phó.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng lưu ý về công tác truyền thông, coi đây là khâu hết sức quan trọng tương tự như việc nâng cao việc dự báo, quan trắc. Các vấn đề mới do diễn biến phức tạp của BĐKH, của tình hình mới như năng lượng hạt nhân, động đất, sóng thần... cũng cần được cập nhật.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc huy động các nguồn lực thực hiện các dự án, đề án về phòng chống thiên tai, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, rà soát và lồng ghép các chương trình ứng phó BĐKH vào công tác phòng chống thiên tai....
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cổng TTĐT Chính phủ
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Cổng TTĐT Chính phủ (10/1/2006-10/1/2016) tổ chức ngày 8/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, sự ra đời và phát triển của Cổng TTĐT Chính phủ thể hiện tầm nhìn và hành động cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp trên cơ sở phát huy thế mạnh của công nghệ mới.
“Cổng TTĐT Chính phủ đã có bước phát triển dài, toàn diện; được giao thêm nhiều nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần rất ý nghĩa vào kết quả thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá và biểu dương dương “tinh thần tận tụy, đổi mới của Cổng TTĐT Chính phủ là đã không ngừng tìm tòi để cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ, chương trình có tính sáng tạo, sát thực tiễn, được cộng đồng và nhân dân hoan nghênh”.
Cùng với đó là tinh thần tiên phong vượt khó và những kết quả bước đầu của Cổng TTĐT Chính phủ trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ tích hợp thông tin điện tử làm đầu mối cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử.
Nhấn mạnh xu hướng phát triển mạnh mẽ của CNTT, mạng Internet đưa thông tin tức thì đến mọi nơi, mọi cá nhân, Phó Thủ tướng cho rằng Cổng TTĐT Chính phủ đang đứng trước cơ hội và cả thách thức tự khẳng định mình, lớn mạnh để “Chính phủ không chỉ ở Ba Đình lịch sử mà tiến tới phải ở mọi nơi, mọi ngõ phố, xóm làng, thôn bản, trong từng căn nhà và sát với từng người”.
Trong hoạt động thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến những đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng, xã hội với những thông tin về hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Cụ thể, Cổng TTĐT Chính phủ không chỉ đơn thuần là kênh phổ biến thông tin mà còn là nơi tiếp nhận, phân tích, chắt lọc, phản hồi.
“Không chỉ đơn thuần là xử lý sự cố thông tin mà là chủ động thông tin trước, thông tin trong và thông tin sau khi hình thành, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý cộng đồng báo chí mong muốn Cổng TTĐT Chính phủ, với điều kiện gần, sát với lãnh đạo, đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời về tư tưởng, định hướng chỉ đạo chứ không chỉ đơn thuần phát ra những thông tin chính thống sớm nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với cán bộ, nhân viên Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi người phải luôn tâm niệm thể hiện những thông tin chính thống, nhất là thông tin liên quan tới chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính, một cách tươi mới, sinh động nhất.
“Hãy viết, hãy nói về những sự kiện, những điều cụ thể nhưng trong đó lại xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo ở tầm Chính phủ cả về bề rộng và chiều sâu, cả về không gian và thời gian”, Phó Thủ tướng gợi ý cụ thể.
Không nói thêm về những tác dụng to lớn cũng như nhiều việc cần làm để xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị từng cán bộ, viên chức Cổng TTĐT Chính phủ là những người tiên phong trong mọi nỗ lực gắn kết CNTT với cải cách hành chính “từng việc, từng bước chắc chắn, nhưng làm tới cùng và hãy đặt trong một khung khổ chung lớn hơn theo đúng sự chỉ đạo của lãnh đạo”.
Đồng thời là đầu mối, chất keo dính để kết nối không chỉ với các đơn vị làm CNTT của các bộ, ngành, địa phương mà còn để các doanh nghiệp CNTT tạo dựng một môi trường hợp tác trong cạnh tranh thực sự lành mạnh.
Với truyền thống đáng tự hào của Văn phòng Chính phủ và những kết quả rất đáng khích lệ của Cổng TTĐT Chính phủ trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ ngày càng quan trọng, ý nghĩa và cũng rất lớn, rất nặng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã giao.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cổng TTĐT Chính phủ./.