Thủ tướng bổ nhiệm 3 Thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký các quyết định bổ nhiệm 3 Thứ trưởng các Bộ, cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ.
Cụ thể, tại Quyết định 1663/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng giữ chức Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Tại Quyết định 1664/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại Quyết định 1665/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Thủ tướng phê chuẩn Chủ tịch tỉnh Gia Lai
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Võ Ngọc Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Trước đó, ngày 7/9, HĐND tỉnh Gia Lai khóa X đã tổ chức kỳ họp thứ 10 phiên họp bất thường bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND tỉnh. Tại buổi họp này, ông Võ Ngọc Thành được các đại biểu thống nhất với số phiếu 62/76 (đạt 81,5%).
Ông Võ Ngọc Thành sinh năm 1963, quê tỉnh Bình Định. Ông Thành từng trải qua các chức vụ quan trọng tại tỉnh như: Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, Bí thư Thành ủy thành phố Pleiku, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Cổ phần hóa Cty TNHH Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang
Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang, Nhà nước nắm giữ 36% tổng số cổ phần.
Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc trong năm 2015 theo đúng phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang sản xuất, kinh doanh chế phẩm sinh học dùng cho người; sản xuất, bán buôn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng; sản xuất mỹ phẩm; bán buôn thực phẩm chức năng; ứng dụng chuyển giao công nghệ chế phẩm sinh học dùng cho người, không thuộc các mặt hàng, ngành nghề then chốt ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội, đặc biệt không ảnh hưởng tới chiến lược ngành dược.
Nghệ An chú trọng khai thác tối đa lợi thế về con người, đất đai
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch năm 2015, giai đoạn 2011-2015, tạo tiền đề cho giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cần chú trọng khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng lợi thế về con người, đất đai, thu hút các nguồn lực để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, toàn diện hơn.
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giải quyết được nhiều lao động, thu hút đầu tư có trọng điểm; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các ngành dịch vụ, nhất là khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch; khai thác, huy động, lồng ghép các nguồn lực để tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, phát huy kết quả đã đạt được về lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động để khẳng định vị thế là trung tâm y tế, giáo dục, đào tạo của Vùng Bắc Trung Bộ. Tiếp tục rà soát, thực hiện tốt chính sách với người có công, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tăng cường quản lý hoạt động xuất khẩu lao động ra nước ngoài.
Về việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các công trình trọng điểm: Đại lộ Vinh - Cửa Lò, Đường giao thông nối đường N5 từ Khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương) và Tân Long (Tân Kỳ), tuyến đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7/9/2015.
Về việc ưu tiên nguồn vốn xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, xây dựng kè và luồng chắn sóng tại cảng Đông Hồi, xây dựng đường băng thứ 2 sân bay Vinh, tỉnh hoàn tất thủ tục đầu tư dự án theo quy định, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng đường cất, hạ cánh thứ 2 của Cảng hàng không Vinh thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp có nhu cầu khai thác tăng cao, Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tư xây dựng 25 cầu
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư 25 cầu để thay thế 31 cầu đã dừng hoặc điều chuyển sang các dự án khác, thuộc Dự án tín dụng ngành Giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, thực hiện việc phê duyệt, điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tổng mức đầu tư không vượt quá phạm vi nguồn vốn vay JICA (bao gồm cả dự phòng) của Hiệp định đã ký.
UBND tỉnh Nam Định bố trí ngân sách địa phương để đầu tư đường dẫn từ cầu Tân Phong đến quốc lộ 21B, bảo đảm phù hợp với tiến độ xây dựng phần cầu nhằm phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư.
Chương trình thay thế cầu yếu trên các quốc lộ trong cả nước được triển khai qua 2 giai đoạn, sử dụng vốn vay của JICA. Giai đoạn 1 đã hoàn thành 144 cầu đưa vào khai thác, phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư. Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện 82 cầu với tổng mức đầu tư trên 5.800 tỉ đồng.
Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, dừng và chuyển sang các dự án khác với tổng số 31/82 cầu (gồm 11 cầu chỉ sửa chữa, gia cố và chưa cần thay thế; cầu Ghép trên quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu được chuyển sang DA mở rộng quốc lộ 1; 14 cầu chuyển sang sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; 4 cầu chuyển sang sử dụng vốn xã hội hóa BOT; cầu Xà Ợt 2 trên quốc lộ 9 đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sang dự án khác).
Như vậy, sau khi rà soát, kinh phí quốc lộ 2 dự kiến còn dư khoảng 1.900 tỉ đồng. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng phần vốn dư nêu trên để đầu tư bổ sung 25 cầu khác (gồm cầu Tân Phong trên tuyến đường bộ mới nối QL10 với QL21, vượt sông Đào thuộc tỉnh Nam Định; 24 cầu sử dụng vốn vay JICA và vốn đối ứng còn dư của giai đoạn 2). Tổng kinh phí đầu tư cho 25 cầu nêu trên là 1.686 tỉ đồng.
Nâng QL 14B đoạn Túy Loan-cầu Hà Nha lên 4 làn xe
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh Quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh đối với quy mô quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha (Km23 908 - Km50 00) thuộc tuyến đường Túy Loan - Thạnh Mỹ từ 2 làn xe thành 4 làn xe.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải quyết định việc đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B đoạn Túy Loan - cầu Hà Nha, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) theo thẩm quyền, đúng quy định hiện hành.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, quốc lộ 14B với chiều dài 73,971 km nối từ cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng đến điểm giao với đường HCM tại thị trấn Thạnh Mỹ, tỉnh Quảng Nam là tuyến đường ngang quan trọng nối quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh
Trong đó, Quốc lộ 14 đoạn từ Túy Loan - cầu Hà Nha do nối các cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng (cảng Tiên Sa) nên lưu lượng giao thông tăng cao gây mất an toàn giao thông.
Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch đoạn tuyến này từ quy mô 2 làn xe thành 4 làn xe để đầu tư nâng cấp là cần thiết.
Kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi tại Hà Nội
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tình trạng nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng.
Vừa qua, Thông tấn xã Việt Nam tổng hợp có phản ánh tình trạng nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng, nhất là vào mùa kiệt khi nguồn nước suy giảm, ảnh hưởng lớn tới công tác phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, nước sông đang bị ô nhiễm xảy ra trên hệ thống sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông La Khê và nhiều tuyến sông, kênh mương khác.
Cũng theo phản ánh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông là do nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực dân sinh chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn chất lượng đã xả vào hệ thống công trình thủy lợi.
Trước các phản ánh này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu, nếu có vi phạm các quy định về đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi, cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời có biện pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông trên địa bàn./.